“Luật hóa” Hội nghị Diên Hồng!

07:00 | 26/06/2015

1,888 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội vừa thảo luận và xem xét Tờ trình dự án Luật Trưng cầu dân ý. Trưng cầu dân ý là xin ý kiến của nhân dân về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước liên quan đến vận mệnh quốc gia, để qua đó nhà cầm quyền sẽ tiến hành điều chỉnh chính sách. Bây giờ, do nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, chúng ta mới thông qua dự luật, nhằm luật hóa công việc quan trọng tối thượng này. Thực ra, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã từng trưng cầu dân ý.

Năng lượng Mới số 434

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bề tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Trần Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy… Còn chính sử thì ghi như sau, năm 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Hội nghị lịch sử này được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng Chạp năm Giáp Thân. Hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà chỉ bàn: nên đánh hay nên hòa. Sau này, Hội nghị Diên Hồng được đánh giá là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các bô lão chính là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các cụ là những người truyền đạt cho toàn dân chủ trương của quyết chiến để bảo vệ biên cương bờ cõi chính quyền đến người dân.

“Luật hóa” Hội nghị Diên Hồng!

“Đại Việt sử ký toàn thư”, bản kỷ toàn thư quyển 5 chép như sau: Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.

Nối dòng lịch sử, tháng 4 và tháng 5/1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã chín muồi. “Thời cơ cách mạng ngàn năm có một đã đến. Chúng ta không thể chậm trễ”.

Từ ngày 13/8/1945 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang, chủ trương kịp thời, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị đề ra đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Minh trong tình hình mới. Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh thực hiện trong khu giải phóng được coi là chính sách cơ bản của chính quyền cách mạng sau khi thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa.

Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội Quốc dân cũng họp ngay ở Tân Trào ngày 16/8/1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài (Thái Lan, Lào), đại biểu các đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Đại hội quy định quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Đại hội Quốc dân Tân Trào thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện đường lối tổng khởi nghĩa do Đảng đề ra.

Qua quang cảnh, hình thức, nội dung và tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đồng thuận trong sinh hoạt của Đại hội Quốc dân Tân Trào trước thời cơ tổng khởi nghĩa, ngày nay chúng ta có thể hình dung đó là Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần triều vua Trần Nhân Tôn năm 1284 trước họa ngoại xâm của nhà Nguyên, được hỏi ý kiến nên hòa hay đánh, các bô lão đồng thanh xin đánh. Tinh thần và nội dung làm việc của Đại hội Quốc dân Tân Trào còn làm cho chúng ta liên tưởng đến một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam ngày nay, khi các đại biểu thảo luận về Dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Theo ban soạn thảo, tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống. “Luật Trưng cầu ý dân sẽ phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước”.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam báo cáo với Quốc hội, đã có 167 trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là rất cần thiết.

Là đơn vị thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình phương án quy định ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Như vậy sẽ thấy được vai trò của người dân trong luật này… mà không hề vi hiến. Bởi lẽ, dù cơ quan nào, chức danh nào trong xã hội, hệ thống chính trị đề nghị trưng cần ý dân thì quyết định cuối cùng vẫn là Quốc hội.

Tiếp tục thảo luận, các đại biểu Quốc hội nêu quan điểm cho rằng, trưng cầu ý dân cần phải quy định thận trọng, cần có giới hạn nội dung, phạm vi cụ thể nội dung trưng cầu ý dân để đảm bảo tính khả thi. Chỉ trưng cầu ý dân với những vấn đề liên quan đến Hiến pháp, chỉ nên làm những vấn đề quan trọng tối cần thiết của quốc gia, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội, trong điều kiện nhất định. Khi đó trưng cầu ý dân nhằm hướng đến quyết định chính xác hơn, theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội. Không nên quy định như tổ chức một cuộc bầu cử vì rất nhiều người đi bầu hộ, bầu thay là không thực chất. Về kết quả trưng cầu ý dân, các đại biểu góp ý, dự luật nên quy định phải hơn 50% cử tri đi bỏ phiếu và số phiếu lựa chọn hợp lệ cũng phải hơn 50%.  

Người dân hy vọng rằng, Luật Trưng cầu ý dân sớm được thông qua và đi vào cuộc sống.

Bảo Dân