Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dưới hầm sâu năm ấy

08:59 | 19/05/2011

1,494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đó mà đã bốn mươi hai năm trôi qua. Đầu tháng 51969, tôi đang công tác tại Cụm tình báo chiến lược B49 thì nhận được quyết định về Cụm H67 thuộc đoàn tình báo chiến lược J22. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời. Có bí số là mật khu “C”.

Hồi ức chiến trường của Thiếu tướng – Nhà văn Khổng Minh Dụ

Thiếu tướng - nhà văn Khổng Minh Dụ

Mới đó mà đã bốn mươi hai năm trôi qua. Đầu tháng 5-1969, tôi đang công tác tại Cụm tình báo chiến lược B49 thì nhận được quyết định về Cụm H67 thuộc đoàn tình báo chiến lược J22. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời. Có bí số là mật khu “C”. Thuộc địa bàn xã Đôn Thuận, huyện Tràng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Thời đó, chiến trường Đông và Tây bắc Sài Gòn trở thành trọng điểm tấn công của địch. Đặc biệt là vùng Củ Chi và mật khu “C”. Phát hiện một bóng người, một làn khói, thậm chí một con chó, một con gà, là địch có thể dội vào đó hàng trăm trái pháo, hàng chục tấn bom.

Đơn vị mới và những ngỡ ngàng, bí ẩn

Tôi về H67 trong bối cảnh rừng Bời Lời tan hoang sơ xác. Các đơn vị đều tùy nghi di chuyển căn cứ. Duy nhất chỉ còn H67 do Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) và Cụm phó Trung Tuyến (Năm Tuyến) chỉ huy thì vẫn gan lì bám trụ. Tôi được cấp trên điều về để thay Nguyễn Doãn Sửu, một cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp và cơ yếu vừa bị thương phải chuyển về “R”.

Tiếp tôi tại “hội trường” của đơn vị, ngay dưới lòng sâu của rừng mật khu, một căn hầm kiên cố rộng chừng hơn chục mét vuông, dùng làm nơi hội họp toàn đơn vị, nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, Cụm trưởng Bảy Vĩnh trấn an và động viên – “Rất hoan nghênh đồng chí, tôi mới nhận được thông báo hôm kia mà hôm nay đồng chí đã có mặt. Căn cứ trông vậy, nhưng báo để đồng chí yên tâm, bọn này bám trụ ở đây gần chục năm rồi. Chống càn hoài và vẫn khỏe re. Đã tiêu diệt mấy trăm tên địch, cả Mỹ và Ngụy, tiêu diệt hàng chục xe tăng và bắn rơi cả máy bay…”.

Tôi ngước nhìn cụm trưởng đầy vẻ ngỡ ngàng, thán phục. Thật không ngờ, con người bình dị, vóc dáng nhỏ thó, ốm nhom, gương mặt xương xương với ánh mắt đầy nghị lực kia lại chính là ông. Một cụm trưởng tình báo tưởng như trong huyền thoại mà tôi đã từng được nghe kể từ mấy năm trước. Một tấm gương kiên trì bám trụ chiến đấu để giữ địa bàn, giữ vững liên lạc với cấp trên và các lưới điệp báo nội thành.

Thú thật, lúc 3 giờ sáng, theo đồng chí giao liên về tới gần căn cứ, dừng chân nghỉ trước một bãi trống mênh mông, tôi khẽ nhắc nhở – “Này! Sao không đi cố tới chỗ có cây cối hãy nghỉ. Ở đây trực thăng nó tới bất ngờ thì chui vào đâu?”. Đồng chí giao liên khẽ cười – “Em đố anh tìm được một chòm cây ở khu vực này. Mà đây là tới rìa căn cứ của đơn vị anh rồi. Qua con suối cạn trước mặt, đi thêm mấy trăm mét vào trong bãi trống kia là tới căn cứ” – “Nè! Đừng có đùa nhau vậy! Tớ còn đi khỏe, từ giờ tới sáng vẫn đi được. Không cần phải động viên nhau theo cái kiểu “mấy quăng dao” của đồng bào dân tộc như vậy” – “Em nói thiệt “mừa”! Đợi trời sáng anh sẽ thấy. Cũng may là qua mấy trận mưa, cỏ đã mọc và chồi non đã lên, chớ… anh về trước đây vài tháng, sau trận càn của thằng thiết giáp Lữ đoàn 195 thì ớn lắm, cây cối chỏng chơ, đất đỏ mịt mùng…”. Tôi bỗng thấy ớn lạnh, chân tay nổi da gà, thầm nghĩ, sao mấy ông này liều vậy, chẳng lẽ không còn nơi nào để bám trụ nữa hay sao?

Tiếp lời Cụm trưởng Bảy Vĩnh – “Tiếc quá, nếu được bổ sung đồng chí về sớm hơn, sẽ được tham gia “chơi” với thằng Lữ 195 một trận. Trận đó ta tiêu diệt 12 xe tăng. Chủ yếu là bằng mìn chống tăng, chỉ có mấy chiếc bị cháy đó ta sử dụng B40 và B41”.

Vắn tắt đôi lời tâm sự của cụm trưởng, đã củng cố tinh thần cho tôi. Tuy nhiên, vẫn còn những điều băn khoăn, tôi mạnh dạn hỏi: “Anh Bảy ơi! Địa hình trống trơn thế này, làm sao mà bám trụ chống càn?”. Cụm trưởng Bảy Vĩnh khẽ cười – “Nhiều người cũng thắc mắc như đồng chí, vì họ không biết “bí quyết” của đơn vị, đó là ta có hệ thống địa đạo. Những anh không có địa đạo đều phải trốc hết. Còn ta thì khỏe re. Sống ở đây tất cả đều “độn thổ”. Các bộ phận đều xây dựng hầm làm việc riêng. Khi họp đơn vị mới tập trung tại đây. Anh em gọi là về “hội trường cụm”. Từ “hội trường” có ngách thông ra địa đạo. Đây là quyết tâm lớn của đơn vị, ngay từ khi cụm được thành lập, có bí số là A20 (tách ra từ cụm B210). Sáu, bảy năm xây dựng cũng được mấy trăm mét. Có điều mà thằng địch không ngờ tới. Bởi chúng nghĩ chỉ vùng Củ Chi mới có địa đạo…”.

Sửa lại căn cứ chiến đấu sau trận càn của địch tại mật khu "C"

Sau một tuần về đơn vị mới, tôi mới thích nghi với cuộc sống nơi đây, với phương châm: “Đi, ở không dấu; nấu, không khói; nói, không to”. Và, với quy trình: Buổi chiều, vào giờ an toàn (khoảng 17 giờ, địch không còn khả năng càn quét), tất cả lên khỏi hầm, ra suối Bời Lời tắm giặt, lo việc ăn uống cho bữa tối, cả sáng và chiều hôm sau. Người nào việc nấy. Chị em phụ nữ nấu cơm, cánh nam giới thì người đi lấy củi, người xuống suối bắt cá, người thì đi hái rau rừng. Ngày nào không bắt được cá ở suối thì đã có đồ hộp, cá khô dự trữ. Sống giữa chiến trường ác liệt, với những bữa ăn đạm bạc như thế nhưng vô cùng ấm cúng, chứa chan nghĩa tình đồng đội, anh em.

Cung đoạn đầu tiên khi cơm chín, đó là nhiệm vụ của tổ nhà bếp, phải nắm cho mỗi người 2 nắm cơm. Nắm nhỏ dành cho bữa sáng và nắm to hơn dành cho bữa trưa hôm sau. Khi cơm nước xong, trước khi về căn cứ, mọi người phải tập trung vào việc xóa dấu vết tại hiện trường, nhặt từng hạt cơm rới, tưới nước vào bếp, phủ đất và cỏ lên trên. Với tinh thần, để sáng hôm sau nếu địch càn vô sẽ không phát hiện nơi đây còn có sự sống của con người. Xong xuôi mọi việc, tất cả trở về căn cứ, thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của mỗi người. Bộ phận trinh sát, nhanh chóng dùi ra địa bàn gặp gỡ cơ sở bí mật và quần chúng thu thập thông tin; gặp giao thông viên tại hộp thư để nhận tài liệu trong thành gửi ra; bộ phận vô tuyến điện dựng ăng-ten, thử máy chuẩn bị cho phiên liên lạc về trung tâm. Sáng hôm sau, 5 giờ thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi nhanh chóng ra bám công sự sẵn sàng chiến đấu. Bộ phận trinh sát tiếp cận đài quan sát sớm hơn. Nói là đài quan sát cho oai vậy, thực ra đó là một cây cầy thật to còn sót lại ở rừng mật khu. Nó chỉ cách căn cứ chừng một trăm mét. Ngọn cụt ngủn, cành, lá tướp xơ, thân cây găm đầy miểng bom, miểng pháo. Leo lên tới chãng hai của cây là có thể quan sát được toàn bộ ven rừng mật khu. Bao quát được toàn bộ khu vực phía bên kia suối Bời Lời từ đồi Nông Trường tới khu vực Trảng Sa, hướng chủ yếu mà địch càn vào rừng Bời Lời sẽ phải đi qua. Khoảng 10giờ, nếu không có dấu hiệu càn quét của địch, tổ quan sát sẽ thông báo cho các bộ phận trở về hầm làm việc. Đó là quy trình hoạt động của một ngày bình thường của chúng tôi hồi đó.

Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác ở mật khu

Vừa trọn hai tuần lễ về công tác tại H67, tối 15 tháng 5, Cụm trưởng triệu tôi sang hội ý tại hầm làm việc của ông. Ngoài tôi, có thêm Cụm phó Trung Tuyến thay mặt cấp ủy Đảng tham dự. Có hai việc Cụm trưởng nêu ra để bàn: Một là tổ chức lễ kỷ niệm ngày Sinh nhật Bác, tiến hành vào tối 19 tháng 5 tại hầm “hội trường”. Việc này phân công đồng chí Thái Dương (tên thường dùng của tôi ở chiến trường) chịu trách nhiệm. Huy động lực lượng Đoàn viên thanh niên tham gia công tác chuẩn bị. Về nội dung: Phần đầu, Cụm trưởng thông báo tóm tắt tình hình chiến sự, sơ kết đợt thi đua lập thành tích Chào mừng ngày Sinh nhật Bác và phát động đợt thi đua lập công Chào mừng Quốc khánh 2 tháng 9. Phần sau, đề nghị đồng chí Thái Dương chuẩn bị một số chuyện ở miền Bắc kể cho anh em nghe, nhất là những phong trào hướng về miền Nam ruột thịt. Nếu có những kỷ niệm về Bác Hồ là tốt nhất vì anh em trong này, kể cả tôi, chưa bao giờ được gặp Bác. Công việc thứ hai, do đồng chí Năm Tuyến đảm nhiệm: Kiểm tra công tác bố phòng, sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch lợi dụng ngày lễ, tấn công vào căn cứ.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Gia (bên trái) và tác giả bài viết. (Ảnh chụp tại chiến trường Đông Nam Bộ 1969)

Về công việc thuộc trách nhiệm của tôi, gồm hai nội dung: Trang trí hội trường và nói chuyện về tình hình miền Bắc. Cái nội dung thứ nhất, tưởng là đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh chiến trường thì quả là khó. Tổ chức dưới hầm, biết trang trí kiểu gì. Trong khi một tấm ảnh Bác không có, một tờ giấy viết khẩu hiệu cũng không. Bình cắm hoa có thể khắc phục nhưng tìm đâu ra hoa mà cắm.

Công tác chuẩn bị được triển khai ngay từ ngày hôm sau cho tới chiều 19 tháng 5 phải hoàn tất. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng thì mọi khó khăn đều khắc phục được. Giấy viết khẩu hiệu, anh em tổ trinh sát “cửa ngõ” (dùng để chỉ số anh em đưa, đón giao thông hoạt động hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm) đảm nhiệm. Về ảnh Bác, may mắn hồi đi chiến trường, trong hành trang người lính, tôi đem theo một tờ giấy bạc miền Bắc mệnh giá 1 đồng có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tờ giấy bạc có hình Bác được dán trên nền là tờ giấy học trò, rồi gim vào vách hầm, phía dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng nửa xanh, nửa đỏ, có sao vàng ở giữa (cờ tự tạo từ 3 loại giấy màu). Phần việc cuối cùng, đó là bình hoa. Anh em bung ra tứ phía để tìm hoa. Trong cái tan hoang của cả cánh rừng bị bom đạn tàn phá nhiều lần, tìm được một nhành hoặc một mớ hoa, dù đó là hoa gì, thì có khác chi tìm bóng chim tăm cá. Tôi mừng đến rơi nước mắt khi tốp sau cùng đem về cả một cành hoa bằng lăng với những chùm hoa tím rung rinh, kèm theo một cát tút (vỏ) đạn pháo của địch, nó trở thành cái bình căm hoa, thật hết ý…

Về nhiệm vụ thứ hai của tôi, đó là chuẩn bị nội dung trình bày trước anh em đơn vị. Suy tính mãi, cuối cùng tôi chọn một sự kiện đã trở thành kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời mình, đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Sự kiện đã hằn sâu trong ký ức, song viết ra giấy để trình bày trước bàn dân thiên hạ có lớp, có lang đàng hoàng thì quả là khó, bởi mình đâu phải là nhà tuyên huấn. Tôi tự an ủi mình “gọi là cây nhà lá vườn, nhớ sao nói vậy, ngại gì!”. Vì khuôn khổ bài viết, tôi xin tóm tắt những nét cơ bản nhất cái buổi thuyết trình bất đắc dĩ dưới hầm sâu năm ấy ở nơi chiến trường cực nam xa lơ, xa lắc, có cái tên là rừng mật khu “C” như sau:

…Năm 1958, khi đang là cậu học trò cấp II ở quê, nhà trường tổ chức cho học sinh đi lao động xã hội chủ nghĩa tại khu Công nghiệp Việt Trì, phía bên kia sông Hồng, nơi đối diện với quê tôi. Gần tới giờ nghỉ trưa hôm ấy, loa truyền thanh vang lên lời cô phát thanh viên “Thưa các đồng chí, một tin vui bất ngờ đến với chúng ta, Bác Hồ kính yêu về thăm khu công nghiệp. Xin mời các đồng chí nhanh chóng tập trung tại khu san lấp gần nhà máy đường để đón Bác”. Tiếng reo hò nổi lên như sấm dậy. Dòng người tràn về khu tập trung chẳng mấy chốc đã kín mít cái khoảng trống rộng mênh mông. Nhờ được xếp vào “hạng ba” trong câu ví “nhất quỷ nhì ma…” mà đám học trò chúng tôi đã tìm ra con đường chạy tắt, nên đã đến được khu tập trung sớm nhất, chiếm ngay vị trí sát bên sân khấu dã chiến vừa dựng lên. Nói không bốc tí nào, đứng ở đó, chúng tôi có thể quan sát kỹ từng ngón chân, ngón tay, thậm chí tới từng sợi râu bạc của Bác. Trong lúc tôi đang nhớn nhác xem mấy đứa bạn cùng lớp đứng ở chỗ nào, thì tiếng reo hò lại nổi lên “Hồ Chủ tịch muôn năm… Bác Hồ muôn năm”. Tôi ngước lên sân khấu, như một thiên thần xuất hiện, thì ra xe đưa Bác tới từ phía sau sân khấu dã chiến. Người xuất hiện trong bộ kaki giản dị, mái tóc bạc, chòm râu bạc, với nụ cười rạng rỡ, Bác dơ hai tay vẫy chào, tiếng ồn ào vừa dứt, Bác vào đề ngay, xin trích dẫn tóm tắt đôi lời: “Hôm nay, Bác về đây thăm các cô, các chú, những người đang ngày đêm dốc sức xây dựng khu công nghiệp của chúng ta. Bác hoan nghênh tinh thần lao động vừa qua của các cô các chú… Chúc các cô, các chú mạnh khỏe, hăng hái thi đua để khu công nghiệp sớm hoàn thành, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước… Bác tới giờ này là đã xâm phạm tới một ít thời gian của các cô, các chú. Bác dừng lời ở đây để mọi người về nghỉ, chiều tiếp tục lao động”. Tiếng reo hò, tiếng hô khẩu hiệu lại nổi lên. Tôi lách vội về phía sau sân khấu, hy vọng tôi sẽ được đứng gần Bác hơn, nhưng không kịp, như quán tính, tôi đuổi theo xe ra tới Quốc lộ số 2, rồi thẫn thờ nhìn theo đoàn xe khuất dần về phía cầu Việt Trì.

Cả hội trường im phăng phắc. Ai cũng hướng về phía tôi, ngỡ ngàng như nhìn một người xa lạ. Rồi pháo tay nổi lên.

Kỷ niệm sâu sắc thuở học trò có đâu ngờ, 11 năm sau lại trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chinh chiến của tôi nơi chiến trường máu lửa.

Khổng Minh Dụ