Kỷ nguyên giá hàng hóa tăng mạnh chưa qua

16:52 | 15/05/2011

862 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên nhân giá hàng hóa hạ mạnh trong thời gian qua không huyền bí như người ta vẫn tưởng. Có đủ lý do để khẳng định giá hàng hóa sẽ vẫn tăng cao.

Đối với nhiều chuyên gia, không còn dấu hiệu gì rõ ràng hơn cho việc giá hàng hóa đang ở đỉnh hơn là dự báo của Glencore được công bố trong tháng này.

Công ty Thụy Sỹ này hiếm khi kinh doanh sai lầm và muốn kiếm lời khi thị trường ở đỉnh cao. Có phải họ đã tính sai thời điểm? Trong cùng tuần mà Glencore công bố dự báo về giá hàng hóa của mình, giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu thô đi xuống.

Giá bạc hạ mạnh nhất, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng đã mất tới 30%. Ngày 05/05, giá dầu hạ tới 10USD/thùng.

Giá của phần lớn các kim loại công nghiệp hạ sâu nhưng mức độ không đến mức trầm trọng như giá dầu; giá đồng và giá thiếc hạ trong vài ngày hạ khoảng 5%. Từ đó đến nay, giá không ngừng biến động mạnh.

Có quá nhiều lời giải thích cho việc giá hàng hóa hạ sâu. Người ta nghi ngờ nhiều nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu. Khả năng chương trình nới lỏng định lượng của FED sớm kết thúc và số liệu kinh tế yếu kém khiến người ta lo lắng về kinh tế Mỹ.

Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ và một số Ngân hàng Trung ương khác đã nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, điều này khiến người ta không khỏi lo lắng về khả năng nhu cầu sẽ sụt giảm. Tuy nhiên các yếu tố trên không đủ để khiến giá hàng hóa chấn động nhiều như trước.

Các nhà đầu cơ chịu nhiều chỉ trích. Phần lớn vấn đề bắt đầu từ việc sàn Chicago Mercantile Exchange nghi ngờ bong bóng đang hình thành và đã nâng tỷ lệ margin đối với nhà đầu tư bạc đến 3 lần trong 1 tuần.

Giá bạc, trước đó giao dịch ở mức khoảng 50USD/ounce, gấp đôi so với 6 tháng trước đó, nhanh chóng hạ xuống mức chỉ hơn 30USD/ounce. Thị trường bạc có quy mô nhỏ và thanh khoản kém. Sự đi xuống của giá bạc sẽ ảnh hưởng đến dầu, loại hàng hóa quan trọng và thanh khoản cao nhất thị trường hàng hóa như thế nào?

Nguyên nhân đằng sau việc giá hàng hóa hạ sâu không huyền bí như người ta tưởng. Chuyên gia Colin Fenton của JP Morgan nói: “Tất cả đều bắt nguồn từ thị trường vật chất. Động đất tại Nhật gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sản xuất công nghiệp toàn cầu, yếu tố quan trọng quyết định biến động giá hàng hóa.

JP Morgan cho rằng sản xuất công nghiệp quý 2/2011 sẽ tăng trưởng 3,1% trong khi đó tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp quý 1/2011 lên tới 6,8%. Quá trình điều chỉnh đã âm thầm bắt đầu. Giá nhiều loại hàng hóa giảm hoặc duy trì ở mức ổn định trong vài tháng. Trước cả thời gian giảm giá tồi tệ vừa qua, giá đường đã hạ tới 35%.

Chuyên gia Fenton cũng nói đến số liệu thương mại của Trung Quốc tháng 4/2011 như dấu hiệu cho thấy, nước đóng vai trò không thể thiếu trên thị trường hàng hóa toàn cầu, hiện đang giảm bớt tốc độ nhập khẩu hàng hóa.

Nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã đi xuống mạnh. Trung Quốc sử dụng khoảng 40% lượng đồng của thế giới và mới đây đã ứng phó với giá cao bằng cách giảm dự trữ. Đối với dầu, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều hơn xu thế trước đó và cho đến nay đã thu hẹp bớt hoạt động trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng tốc độ điều chỉnh giá các loại hàng hóa dù có thể bất thường nhưng về quy mô biến động không phải mới. Chuyên gia Kevin Norrish thuộc Barlclays cho rằng giá hàng hóa trong năm 2010 cũng biến động tương tự khi khủng hoảng châu Âu trở nên căng thẳng hơn. Trong năm 2009, kịch bản này cũng xảy ra khi nỗi sợ suy thoái kép hiện hữu.

Tuy nhiên mức giảm tương tự như vậy thường diễn ra trong nhiều ngày hay nhiều tuần. Nhiều người cho rằng thời gian giảm tệ hại như vừa qua có nguyên nhân từ các yếu tố kỹ thuật, khi các lệnh bán được đặt tự động khi thị trường sụt giảm và khiến giá hàng hóa biến động mạnh hơn.

Tính toán của Deustche Bank cho thấy hàng hóa tăng trưởng tốt nhất trong năm nay. Ngoài ra có lý do để tin giá sẽ ở mức cao trong một thời gian. Trước khi giá hàng hóa sụp đổ vào năm 2008, trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế tại thế giới các nước giàu, nhiều chuyên gia nói rằng giá hàng hóa đang trong siêu chu kỳ, thời kỳ giá cao kéo dài. Thuật ngữ này đã không còn thịnh hành tuy nhiên yếu tố khiến nó được sử dụng sau đó vẫn tồn tại.

Nhu cầu của Trung Quốc, hậu quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa trên phương diện chưa từng thấy trước đó, đã khiến thị trường hàng hóa thay đổi căn bản về cấu trúc.

Từ một đất nước không quá quan trọng, từ sau năm 2003, Trung Quốc mang sức mạnh lớn trong vai trò nước nhập khẩu chủ đạo nhiều loại hàng hóa nguyên liệu thô. Nhóm chuyên gia ủng hộ thuyết siêu chu kỳ cho rằng chúng ta mới chỉ đi được nửa đường trong quá trình giá hàng hóa tăng.

Ngày một nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mới đang sẵn sàng tìm kiếm cơ hội tại các thành phố lớn hiện chưa được xây dựng đầy đủ hạ tầng đường sá, đường xe lửa hiện vốn đang trong tầm ngắm của các nhà hoạch định chính sách. Mối quan hệ giữa GDP bình quân đầu người và tiêu dùng dầu, kim loại công nghiệp cho thấy Trung Quốc không chỉ tụt hậu lại so với phương Tây mà còn cả các nước láng giềng như Hàn Quốc.

Tất cả những yếu tố này giúp giải thích quá trình tăng giá của hàng hóa. Tiêu thụ dầu trong năm 2010 tăng 2,7 triệu thùng, nhu cầu đồng, ngô và nhiều loại hàng hóa nguyên liệu thô khác ở mức cao chưa từng có. Việc tăng nguồn cung dầu và kim loại để đáp ứng nhu cầu tăng cao không phải đơn giản.

Thậm chí nếu như sự nổi lên của Trung Quốc khiến giá cả tăng cao, nó chưa loại bỏ đi tính chu kỳ của giá hàng hóa. Nhu cầu và nguồn cung đang khá sát nhau ở thời điểm hiện tại bởi năng lực sản xuất thừa do suy thoái kinh tế đang giảm dần. Như vậy dù một sự kiện nhỏ cũng có tầm ảnh hưởng lớn. Giá hàng hóa còn bùng nổ trong một thời gian nữa.

Theo DĐDN