Không để học trò khổ sở vì khai giảng!

07:00 | 23/08/2015

1,559 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế hệ phụ huynh học sinh bây giờ ai cũng có những ngày khai giảng đáng nhớ trong thời cắp sách. Đã bao nhiêu năm rồi, áng văn bất hủ của Nhà văn Thanh Tịnh về ngày tựu trường vẫn còn ghi đậm trong tâm trí nhiều người.

Năm học mới, cả nước sẽ khai giảng chung một ngày

Năm học mới, cả nước sẽ khai giảng chung một ngày

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số 4192/BGDĐT – VP gửi tới giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo cả nước thống nhất về việc tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chìa ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết”…

06-hoc-tro-kho-so-vi-khai-giang
Học sinh đội mưa dự khai giảng

Khai giảng ngày xưa là như vậy! Thế nhưng không hiểu vì sao, bây giờ người ta làm lễ tựu trường cứng nhắc, hình thức quá đáng. Còn nhớ dịp khai giảng năm học 2013 - 2014, đúng ngày mưa lớn trên diện rộng, khiến thầy trò các trường khổ sở vì khai giảng. Không biết bao nhiêu thầy trò phải đội mưa ướt như chuột lột để đón lãnh đạo, đón khách cấp trên về dự khai giảng. Mưa ướt làm tiếng trống khai giảng cứ kêu bùm bụp như đập mẹt. Đã có trò bị cảm lạnh phải nghỉ học vì khai giảng trong mưa. Ngày mưa đã vậy, ngày nắng thầy trò cũng cơ cực, khổ sở vì khai giảng. Lãnh đạo tốt tính, cả nể phải dự khai giảng nhiều trường trên địa bàn nên phải sau 10 giờ mới đến được. Thế là nháo nhào kèn trống nhễ nhại, trò ồn như vỡ chợ vì cấp trên đọc nhầm tên trường…

Ngày khai giảng mất hết ý nghĩa của ngày vui tựu trường, đến nỗi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải thốt lên rằng: “Chúng ta luôn nói thực sự vì học sinh nhưng có lúc làm, có lúc chưa vì học sinh. Ngày khai giảng là vì giáo viên hay vì người lớn?”. Ông Vũ Đức Đam lấy ví dụ sinh động ngay từ bản thân mình là từ nhiều năm nay, ông đã đi dự khai giảng nhưng có một điều ông thấy, ngày giờ khai giảng của các trường lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh, nhất là các cháu tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng.

Ông nói rằng: “Khi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu nhưng phần lớn các cháu có để ý ông phát biểu gì đâu. Năm nay, tôi đề nghị chọn một ngày để cả nước cùng khai giảng. Nghi lễ theo đúng trình tự gồm chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và sau đó đến phần hội của các cháu. Đề nghị chúng ta phải làm hết sức vì các cháu. Nhất định không để các cháu nhỏ phải đứng xếp hàng dưới nắng khổ sở đợi lãnh đạo, nghe những bài phát biểu mà không hiểu gì”.

Đề xuất của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong dư luận giáo chức cũng như phụ huynh học sinh.

Nhiều nhà giáo cho rằng, để tổ chức buổi khai giảng có ý nghĩa, để lại ấn tượng trong đời học sinh thì đừng bắt các em phải ngồi xếp hàng căng thẳng nghe đọc diễn văn... đặc biệt lưu ý tổ chức thật tốt buổi khai giảng dành cho học sinh lớp 1. Nên mời tất cả phụ huynh cùng đến để đưa các con vào phòng học, để thầy cô tận tay đón từng học sinh, còn bố mẹ tặng một món quà nhỏ cho các con nhân ngày đầu đi học, có thể chỉ là một quyển sách, một đôi giày, một cái bút... những hành động thân thương, ấn tượng ấy sẽ để trẻ ghi nhớ suốt đời.

Nhà giáo Văn Như Cương nhận xét, một học trò lớp 1 lần đầu đi học sẽ bỡ ngỡ lắm, nếu bố mẹ nó không dắt đi thì nó khóc, nó không muốn đi học. Nếu bắt nó xếp hàng ngồi đó nghe diễn văn thì chẳng có ý nghĩa gì. Nếu như được mẹ dắt vào lớp và giới thiệu: Đây, lớp của con đây, chỗ ngồi của con đây, cô giáo chủ nhiệm của con đây... Tất cả cái đó mới là thực chất. Cái gì làm cũng phải thực chất... Ở Trường THPT Lương Thế Vinh của PGS Cương, khai giảng là việc nội bộ không lệ thuộc vào quan chức cấp trên có về dự hay không. Ông chú ý cả học sinh vào đầu cấp và khi ra trường có một lễ tri ân, lễ cảm ơn thầy cô giáo, cảm ơn bố mẹ, một buổi chia tay bạn bè xúc động... điều đó mới để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Nhưng buổi chia tay đó không phải là nghi lễ hình thức, cho nên học sinh không khổ sở vì khai giảng, bế giảng.

Minh Nghĩa

Năng lượng Mới 450