Gặp “vua” hóa dầu đầu tiên của Việt Nam

15:13 | 07/04/2011

4,454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi không gọi anh là Tổng Giám đốc, mà thích gọi anh là ông “vua dầu mỏ” giống như cách người ta hay gọi ở cái xứ Ả Rập hay Cô Oét xa xôi nào đó mà tôi đọc qua sách báo mỗi ngày.

Chức danh đường đường chính chính được ghi trên các quyết định và ngay cửa chính phòng làm việc là Tổng Giám đốc Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, thuộc khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Đằng sau chức danh ấy, trên các quyết định còn nhiều chức danh khác đi kèm. Mà mỗi chức danh ấy tất tần tật đều đụng đến xăng dầu.

Cũng chính vì vậy mà tôi buột miệng gọi anh là ông “vua hóa dầu “ Nguyễn Hoài Giang – Tổng Giám đốc Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, hiện đang cai quản dây chuyền chế biến xăng dầu đầu tiên của đất nước hình cong chữ S này…

Lạc vào “vương quốc” hóa dầu made in VietNam

“Giang sơn” của người được gọi là “vua” hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam rộng hơn 337hecta mặt đất và 471 hecta mặt biển tại Khu kinh tế Dung Quất. Tổng tài sản mà anh được nhà nước giao quản lý gần 3 tỷ USD với một dây chuyền sản xuất chế biến xăng dầu đầu tiên của đất nước khá hiện đại sánh ngang với những ông vua xăng dầu nổi tiếng thế giới.

Thú thực, với Khu kinh tế Dung Quất tôi đã nhiều lần đặt chân đến và thuộc như lòng bàn tay. Ấy thế mà mỗi khi trở lại cái “vương quốc” xăng dầu của anh tôi như lạc vào mê cung với đường ngang ngõ tắt, với những tháp trụ, với những “thùng” chứa xăng dầu to vật vã như những tòa nhà bê tông hình trụ xếp hàng tăm tắp phơi mình dưới nắng đầu xuân.

Những tháp trụ, những tòa nhà ngang dọc trong một quần thể những sắt thép, đường ống dọc ngang nối giữa đất liền với biển giống như một thành phố thu nhỏ. Hay nói đúng hơn, đó là “vương quốc” xăng dầu đầu tiên của đất nước được hoàn thành sau hơn 4 năm xây dựng với bao mồ hôi, công sức và trí lực của hàng nghìn khối óc và bàn tay của những người con đất Việt.

Tổng Giám đốc Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, thuộc khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi.

Tôi không gọi anh là Tổng Giám đốc, mà thích gọi anh là ông “vua dầu mỏ” giống như cách người ta hay gọi ở cái xứ Ả Rập hay Cô Oét xa xôi nào đó mà tôi đọc qua sách báo mỗi ngày.

“Tôi không phải là người làm xăng dầu đầu tiên của đất nước. Tui chỉ là người được Đảng và Nhà nước giao phó quản lý cái nhà máy chế biến xăng dầu đầu tiên này. Đi trước tôi còn có rất nhiều người mà…” Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Giang gật nảy người đính chính khi tôi gọi anh là “Vua xăng dầu”.

Trò chuyện với “ông Vua” hóa dầu đất Việt

Hơn 1 giờ đồng hồ ngồi trò chuyện cùng anh giữa cái “vương quốc” xăng dầu nhỏ bé này tôi mới hiểu được cái khát vọng vươn xa của anh cùng hơn 1.500 “thần dân” được đào tạo bài bản từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước qui tụ về đây.

Cuộc trò chuyện giữa tôi với “vua xăng dầu” Nguyễn Hoài Giang bắt đầu câu hỏi: Hiệu quả của nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất? Không giống như những “ông vua” ở các ngành khác mà tôi từng gặp. Một chút trầm ngâm Nguyễn Hoài Giang bắt đầu nhỏ nhẹ: Hiệu quả hay không thời gian sẽ chứng minh. Nhưng để phát huy được hiệu quả như Chính phủ kỳ vọng, trước mắt cần có một chiến lược và đội ngũ lãnh đạo tài năng để điều hành. Nếu không, sẽ là Vinasin thứ hai lặp lại.

Còn trước mắt, sau hơn 1 năm vận hành và cho ra sản phẩm thương mại xăng dầu madein VietNam từ nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã có 9 loại sản phẩm cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến thời điểm này, nhà máy đã chạy 105 đến 107% công suất thiết kế, và ngọn lửa trên tháp của nhà máy không bao giờ tắt suốt trong hơn 1 năm qua.

Bằng con số minh chứng ngay tại thời điểm trò chuyện cùng tôi hôm 22-2, Nguyễn Hoài Giang chứng minh tính hiệu quả của nhà máy trong bối cảnh xăng dầu khan hiếm khi nhập khẩu. Nhiều cửa hàng đã găm hàng chờ giá. Do biến động của tỷ giá ngoại tệ.

Để cung ứng nguồn nguyên liệu dầu thô để sản xuất xăng dầu và các sản phẩm sau hóa dầu, nhà máy đã nhập 118 tàu. Trong đó có 110 tàu dầu thô nhập từ Bạch Hổ và 8 tàu nhập từ nước ngoài.

Tổng khối lượng xăng dầu chế biến thành phẩm hơn 8 triệu tấn và đã xuất bán ra thị trường trong nước hơn 7,9 triệu tấn xăng dầu cùng hàng trăm nghìn tấn sản phẩm sau hóa dầu. Đã đáp ứng hơn 30% lượng xăng dầu cho đất nước không phải nhập khẩu.

Nếu làm phép tính nhân đơn thuần, với hơn 30% xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thì hiệu quả nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã được minh chứng. Bởi Việt Nam đã giảm được gánh nặng phải dùng ngoại tệ để nhập xăng dầu nước ngoài giữa bối cảnh đồng ngoại tệ biến động.

Đến tại thời điểm này, nhà máy đã chạy vượt công suất từ 5 đến 7%. Nghĩa là sản phẩm từ nhà máy mỗi ngày xuất ra hơn 1.000 tấn, đem lại nguồn thu vượt hơn 2 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm, là sản phẩm xăng dầu của nhà máy mặc dù nhập dầu thô với giá quốc tế, nhưng sản phẩm lại bán ra bằng đồng Việt Nam. Chính điều này đã giảm được một phần áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước..

Hỏi về khát vọng và ước mơ? Mắt “ông vua” hóa dầu sáng bừng lên. Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn và có khát vọng tạo ra sản phẩm đặc thù để cạnh tranh trên thị trường thế giới trong tương lai gần. Còn trước mắt, mở rộng nhà máy và nâng công suất nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 9,5 triệu tấn/năm trong những năm đến để đáp ứng được 50% lượng xăng dầu trong nước không nhập của nước ngoài.

Và trong tương lai, một tổ hợp lọc hóa dầu của đất nước sẽ hình thành, khát vọng xuất khẩu xăng dầu Việt Nam ra thế giới với tính cạnh tranh cao không còn là ước mơ xa vời.

Chỉ tính trong năm 2010, từ khi chạy thử và đưa vào vận hành, mặc dù còn có những sự cố nhất định, nhưng doanh thu của nhà máy cũng đã đạt trên 53.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 9.500 tỷ đồng. Kế hoạch của nhà máy trong năm 2011, doanh thu sẽ đạt trên 74.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 14.500 tỷ đồng. Đó là con số nằm trong tầm tay của nhà máy.

Chỉ nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi để so sánh. Vào trước năm 2008 tỉnh Quảng Ngãi luôn phải xin ngân sách từ TW. Thì đến năm 2009, mặc dù nguồn thu từ việc xuất, nhập thiết bị qua các cảng phục vụ xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một phần ngân sách từ nhà máy lọc dầu đã đưa tỉnh này vào “câu lạc bộ” một ngàn tỷ đồng.

Đến năm 2010, thu ngân sách Quảng Ngãi trên 14.000 tỷ đồng. Tất nhiên có đến 80% nguồn thu ấy đều được thu từ Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.

Nguyễn Hoài Giang vẽ một vòng khoanh gọn nhà máy trên tấm bản đồ và khẳng định: “Ngọn lửa trên tháp vẫn cháy suốt hơn 1 năm nay. Tất cả các phân xưởng đang chạy vượt công suất 105-107%. Thế nhưng sản phẩm xăng dầu và sau hóa dầu vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng…”

Bất chợt tôi nhìn lên gương mặt vị “vua” hóa dầu đầu tiên của đất nước nét mặt rạng ngời với bao khát vọng một ngày mai Việt nam sẽ không còn phải dùng ngoại tệ để nhập xăng dầu, và cũng từ nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên này, trong tương lai không xa, đất nước sẽ làm chủ công nghệ lọc hóa dầu, đảm bảo an ninh năng lượng cho tổ quốc khi tổ hợp hóa dầu hình thành và ra đời.

Theo Năng lượng Dầu khí