Đúng quy định

21:31 | 28/06/2015

843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo văn bản của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thanh Bình báo cáo Quốc hội, sau 3 lần điều chỉnh mức lương cơ sở đã tăng thêm tới 57,5%. Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, từ ngày 1-1-2015 còn được tăng lương thêm 8%, cộng dồn là 65,5%.

Năng lượng Mới số 431

Cùng với điều chỉnh này là tăng chế độ phụ cấp công vụ áp dụng đối với người hưởng lương từ ngân sách với mức điều chỉnh tăng 10% từ ngày 1-5-2011 và từ 10% lên 25% từ ngày 1-5-2012. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vào tháng 5-2011, mức lương tối thiểu của công chức từ 730.000 đồng/tháng đã được tăng lên 830.000 đồng/tháng, thêm 100.000 đồng, bằng 13,7%. Đúng 1 năm sau tăng thêm 26,5% nữa,  lên thành 1.050.000 đồng/tháng và từ ngày 1-7-2013 tăng từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng/tháng (thêm 9,5%). Tuy vậy, mức lương công chức, viên chức còn rất thấp, chỉ bảo đảm khoảng 40-50% yêu cầu. Để khẳng định mức lương chưa hợp lý, người ta nhấn mạnh ngay cả lương bộ trưởng 14,4 triệu đồng/tháng cũng không đủ sống(!?). Trời đất ơi! Cả nước chỉ có mấy chục  bộ trưởng chứ có nhiều như “xe chở đấu đong” đâu mà đưa lương của các vị ra mà so sánh. Sao không so với lương của mấy ông giám đốc doanh nghiệp công ích lên cả tỉ đồng mỗi năm?

Đúng quy định

Cô Phạm Thị Sang Hiệu trưởng mầm non được hưởng lương hưu chưa đến 440.000đ/tháng

Dù điều chỉnh tăng lương, phụ cấp, chế độ nhưng thang bảng lương hiện nay còn nhiều hạn chế. Mức lương cơ sở hiện hành chỉ bằng 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp. Do mức lương cơ sở thấp đã kéo mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo. Tại phòng họp Diên Hồng, các đại biểu Quốc hội, yêu cầu việc cải cách tiền lương đều phải tính đến tất cả các yếu tố, cả thang bảng lương từ người thấp nhất đến mức cao nhất và nếu cần, phải điều chỉnh toàn bộ thang bảng lương chứ không thể ưu tiên một nhóm nào, tất nhiên phải chú ý các ngành nghề đặc thù theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội TP HCM, PGS.TS Trần Hoàng Ngân đánh giá: “Thang bảng lương hiện nay quá bất cập, méo mó ngay cả đối với mức lương của bộ trưởng. Mức lương 14,4 triệu đồng/tháng của bộ trưởng là thấp, chưa tương xứng với vị trí, trách nhiệm mà họ đang nắm giữ. Vấn đề là lương thấp nhưng vì sao người ta vẫn sống được?... Để xây dựng mức lương của công chức phải dựa vào mức bình quân GDP đầu người Việt Nam. Nếu GDP tăng thì lương tăng, GDP giảm thì giảm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, toàn bộ thang bảng lương của ta đang có “vấn đề”, do vậy cần phải điều chỉnh trên cơ sở tính đúng, tính đủ mức thu nhập thực sự và mức lương để công chức có thể sống được. Lâu nay, ai cũng nói lương không đủ sống nhưng có ai xin bỏ việc vì lương thấp đâu. Đã có nhiều thông tin về việc chạy vào biên chế mất một số tiền bằng 10 đến 15 năm lương trước các kỳ thi tuyển công chức làm lộ diện giá trị của cái ghế công chức Nhà nước. Do mức lương ngạch, bậc, chức vụ còn thấp nên người ta đã chế ra các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, gây bất hợp lý giữa các ngành nghề.

Bộ trưởng Bình cho biết, sắp tới đây sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. Nghe mông lung vì nhiều “nếu” quá… Trên diễn đàn, các đại biểu Quốc hội phát biểu rằng, nếu tiết kiệm 10% chi ngân sách sẽ có đủ tiền để thực hiện lộ trình tăng lương. Vậy thì những ai hưởng lương thấp cần tiết kiệm để tự cứu mình!

Đấy là người đương chức, chứ người nghỉ hưu thì sao? Thông tin mới nhất là hàng nghìn giáo viên mầm non có từ 20 đến 40 năm công tác, khi về hưu chỉ được nhận lương khoảng 500.000 đồng/tháng. Chẳng hạn, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa - cô Phạm Thị Sang - 57 tuổi vào ngành giáo dục từ tháng 9-1973, đến tháng 11-2013 thì nghỉ hưu sau 40 năm cống hiến cho bậc học mầm non. Cô Sang từng làm Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ nhà trường nhiều năm liền, nhưng khi về nghỉ hưu theo chế độ, cô Sang chỉ nhận được mức lương chưa đến 440.000 đồng/tháng là đúng quy định.

 Được biết, bảo hiểm xã hội các tỉnh đều có giáo viên mầm non lương hưu quá thấp đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin ý kiến, đồng thời đề xuất hướng xử lý phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Vừa qua, dư luận nói nhiều và đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến chuyện một giám đốc doanh nghiệp lĩnh lương hưu tới 65 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội khẳng định ông cựu giám đốc Bia Huda Huế lĩnh như vậy là đúng quy định. Những quy định kỳ quặc, lỗi thời cần mau chóng sửa đổi, như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội dù chưa có hiệu lực đã thấy bất hợp lý khiến Quốc hội phải thảo luận, xem xét việc sửa đổi. Và người dân hoan nghênh việc sửa đổi này!

Thọ Vinh