“Nhảy việc” - Chuyện cũ và mới

22:12 | 05/03/2024

2,248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra từ “nhảy việc”. Hai từ này xuất hiện quãng hơn hai chục năm nay, trùng với thời kỳ Internet vào Việt Nam. Thế nghĩa là chuyện cũ, năm nào cũng xảy ra, nhất là sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nhưng Tết Giáp Thìn này thì có nét mới - tình trạng nhảy việc giảm hẳn.
Lao động trẻ chú tâm vào... nhảy việcLao động trẻ chú tâm vào... nhảy việc
Bất mãn với thưởng Tết, phản ứng quyết liệt bằng cách… nhảy việc!Bất mãn với thưởng Tết, phản ứng quyết liệt bằng cách… nhảy việc!
“Nhảy việc” - Chuyện cũ và mới
Ảnh minh hoạ

Nói thêm về cái cũ, cái lý như thế này, không chỉ có ở nước ta mà các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... cũng đều có tình trạng bỏ việc để tìm công việc khác phù hợp hơn. Chẳng hạn như ở xứ sở Hoa anh đào, nhảy việc đã trở thành chìa khóa để tìm kiếm mức lương cao. Theo một điều tra gần nhất, thu nhập trung bình của người tìm việc ở độ tuổi trung niên đã tăng 3% trong năm 2023. Còn năm 2022, đã có 33% người đổi sang công việc mới được tăng 10% lương trở lên. Có anh kỹ sư công nghệ thông tin 28 tuổi ở Tập đoàn Simplex phấn khởi khoe trên facebook, mức lương hàng năm của anh đã tăng 15%, chạm mốc 51.600 USD sau khi bỏ công việc cũ.

Đương nhiên đấy là chuyện của xứ người. Ở ta, việc tăng lương chóng mặt như thế chắc là rất hiếm. “Đất lành chim đậu” là lẽ tự nhiên, nhưng tìm đất lành trong thời buổi khó khăn này đâu dễ. Theo dõi các thông tin từ các doanh nghiệp trong cả nước, có một tin mới, cần phân tích kỹ càng xem nguyên nhân do đâu. Tin mới ấy như sau: Sau Tết Giáp Thìn số công nhân, nhân viên nhảy việc giảm hẳn so với các tết trước.

Nếu như những năm trước đây, các doanh nghiệp luôn phải tìm cách giải bài toán hóc búa người lao động bỏ việc hàng loạt sau tết, phải chủ động tuyển người thay thế từ ba đến bốn tháng trước tết thì năm nay thấy nhẹ cả người.

Như ánh đèn pha sáng chói qua lớp sương mù báo hiệu thị trường lao động đang có xu hướng sáng sủa hơn. Điều này phản ánh chính sách đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp được chú trọng, do đó người lao động bước đầu cảm thấy yên tâm và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Xu hướng sáng sủa được dẫn chứng bằng con số ở TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát gần 3.300 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tỉ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết đạt trên 97%. Các nhà quản lý nhận định, nguyên nhân chủ yếu có thể là, tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2023 - năm tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 và biến động khó lường của kinh tế toàn cầu - vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì thế người lao động, đặc biệt là các lao động ở độ tuổi 25 đến 30 tuổi đều xác định, cần ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp, lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ.

Muốn các bạn trẻ gắn bó với nghề, với đơn vị thì cách đầu tiên bao giờ cũng là quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, trực tiếp nhất là có mức lương bảo đảm. “Nước lã mà vã nên hồ” chỉ là cách nói để khơi dậy quyết tâm, cổ vũ sáng tạo mà thôi. Lương không đủ sống, đủ trang trải cho những chi phí thiết yếu cho gia đình, con cái, thì người công nhân không thể nào yên tâm được. Được biết, trước kỳ nghỉ tết, ở hầu hết các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người lao động đều được nhận một khoản thưởng đủ chi tiêu trong dịp Tết. Ngoài việc thưởng tháng lương 13, một số doanh nghiệp còn đưa ra chính sách mua lại phép năm gấp 1,5 lần ngày công, cũng như nhiều giải pháp cụ thể khác để giữ chân người lao động.

Số người đi tìm cơ hội mới sau tết giảm hẳn còn là do mức thu nhập, tiền lương giữa các doanh nghiệp cùng ngành không chênh lệch đáng kể. Chính sách chăm lo, khuyến khích, tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động ở các đơn vị về cơ bản là thống nhất. Vì lẽ đó, chẳng có ai lại đi tìm những thứ mà ngay ở nơi mình đã có, khắc phục được tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Cái lý do muốn thay đổi nơi làm việc để thử thách, để phát triển hơn, hoặc bản thân không đáp ứng yêu cầu công việc, vẫn còn rơi rớt ở một vài người nhưng không là một làn sóng như các năm trước.

Có một nguyên nhân sâu xa nữa là tính bền vững, ổn định lâu dài của công việc. Giờ đây các bạn trẻ ai cũng muốn an cư lạc nghiệp, có việc làm ổn định để phấn đấu cho sự nghiệp. “Làm ngày nắng, ăn ngày mưa, làm ngày xưa, ăn bây giờ”, nghĩa là phải tính tới ổn định cuộc sống cho tới lúc về hưu. Nếu quen nếp làm việc thời vụ, công việc bấp bênh thì sẽ suốt đời trở thành kẻ học nghề, có khi phải lấy cái sở đoản thay cho cái sở trường.

Nay thì phải nhìn xa hơn, ổn định để phát triển, làm việc lâu dài, mong có chế độ BHXH, BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, lại có một khoản phòng thân khi đã nghỉ hưu.

Cố nhiên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp không chỉ bởi tiền lương cao hay thấp. Còn nhiều yếu tố khác như môi trường làm việc - từ môi trường chính trị, văn hóa, đến môi trường không khí. Đặc biệt, môi trường văn hóa, trong đó có văn hóa công sở rất cần phải được cải thiện, bởi môi trường tốt sẽ truyền cảm hứng, sẽ hóa giải được những áp lực nhiều khi vô hình nhưng lại rất nặng nề; sẽ góp phần cân bằng công việc và đời sống. Có doanh nghiệp đã tổ chức cho cán bộ, công nhân học cười hằng ngày là vì thế.

Xung quanh chuyện doanh nghiệp không bị áp lực chuyện người trẻ bỏ việc, nhảy việc sau tết sẽ còn nhiều điều đáng bàn. Dẫu sao đây cũng là một dấu hiệu tích cực. Một dấu hiệu có thể sẽ trở thành xu thế, động lực phát triển xã hội nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn, giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn đối với chương trình việc làm-đời sống.

Hải Đường