Doanh nghiệp phải làm gì khi gia nhập TPP?

11:13 | 10/05/2016

1,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gia nhập TPP vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Khi nền kinh tế hội nhập, đương nhiên sẽ có sự đào thải. Để “gỡ khó” cho các doanh nghiệp (DN), phóng viên Báo Năng lượng Mới tổng hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế để làm rõ vấn đề này.

TS Lê Bá Chí Nhân - Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Doanh nghiệp bắt buộc phải khắt khe hơn

doanh nghiep phai lam gi khi gia nhap tpp

Về nguyên tắc, gia nhập TPP dựa trên tinh thần hiệp thương trong 1 số nhóm nước được tham gia thỏa thuận ký. Khi gia nhập TPP, DN nước ta có những mặt thuận lợi. Khi xuất khẩu, một số mặt hàng không bị đánh thuế. Trong vấn đề này, giao thương không bị đánh thuế 2 lần, có những mặt hàng miễn thuế và trong chuỗi mặt hàng thì TPP tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất cho DN Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm.

Đây là một trong những yếu tố không phải ai cũng có thể gia nhập TPP. Quá trình đàm phán cũng phải qua một thời gian 5 năm và cũng phải có những tiêu chuẩn đàm phán. Ví dụ Việt Nam gia nhập TPP sẽ cạnh tranh về con tôm, thì con tôm xuất qua các nước không bị tính thuế nhưng để làm được điều này, con tôm phải sạch.

Sạch ở đây bắt đầu từ quá trình nhân giống tôm, nuôi tôm lớn, cho tôm ăn như thế nào, môi trường sinh trưởng ra sao, quá trình nuôi sống và chế biến phải theo chuẩn. Gia nhập TPP đòi hỏi sản phẩm rất khắt khe và có những tiêu chuẩn cụ thể. Hàng thực phẩm thì theo tiêu chuẩn châu Âu như Global-Gap, còn Việt Nam gọi là Viet-Gap. Rõ ràng, DN gia nhập TPP phải tuân thủ những nguyên tắc của vấn đề này.

Khi gia nhập TPP, DN phải cập nhật kiến thức nhiều hơn, tay nghề lao động cao hơn và hình dung ra chuỗi sản xuất sản phẩm. Nói chung, gia nhập TPP ưu đãi nhất là được miễn thuế. DN cần tìm hiểu kỹ để gia nhập TPP hoặc không đủ yếu tố đáp ứng yêu cầu thì rất khó khăn và khó khăn này là đối với DN. Thật sự ra, có những mặt hàng cần phải có tay nghề bậc cao.

DN sẽ tuyển những lao động có tay nghề mà nếu người dân trong nước không đáp ứng được thì sẽ tuyển lao động từ các nước khác để đáp ứng cho cuộc chơi gia nhập TPP. Thực tế, nguồn cung lao động Việt Nam dư thừa nhưng lao động tay nghề bậc cao lại không có.

Để đáp ứng được nhu cầu này, cần phải có trình độ và kiến thức chuyên môn theo ngành đó. Nếu như gia nhập TPP sẽ rất có lợi cho những DN đã chuẩn bị kỹ nhưng nếu DN không hiểu biết, không nhận thức, không chuyển mình từ ngay bây giờ, DN không liên kết và không có “chuỗi” thì DN sẽ thất bại ngay trên sân nhà.

Đây là một trong các yếu tố phải nhìn nhận ra được và trong thời gian sớm nhất, các DN phải làm được điều này để có thể cạnh tranh với các nước gia nhập TPP. Việt Nam chỉ mới gia nhập, hàng hóa chưa đạt trình độ cao, rõ ràng DN phải phụ thuộc vào công nghệ cao của nước ngoài. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nói về TPP.

Đối với Nhà nước, cần phải có thay đổi về tư duy cán bộ lãnh đạo để hỗ trợ DN. Việt Nam đã hội nhập thì nền kinh tế “chạy” rất nhanh, nếu Việt Nam không theo kịp hoặc cầm đèn chạy trước ôtô thì sẽ tụt hậu. Những cán bộ tập huấn, những cán bộ phụ trách về chuyên môn, chuyên ngành thì chúng ta phải đặt câu hỏi: Có bao nhiêu cán bộ hiểu biết về TPP và hiểu biết như thế nào?

Rõ ràng, cán bộ quản lý Nhà nước cũng phải nâng cao về chuyên môn cho người phụ trách ngành nghề nào đó. Khi cán bộ hiểu thì có thể đưa ra định hướng, phương án và kế hoạch để phát triển. Cán bộ trong tỉnh đó phải đưa ra được tiêu chí để giải quyết những vấn đề của DN trên địa bàn khi gia nhập TPP.

Cán bộ phải hiểu được “chuỗi” cho ra sản phẩm của DN của người dân mới có thể hướng dẫn cho DN và người dân làm đúng quy trình để theo kịp trên bước đường hội nhập. 

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển:

Hội nhập sẽ có đào thải

doanh nghiep phai lam gi khi gia nhap tpp

Đối với những DN có sản phẩm mang tính cạnh tranh bao gồm cạnh tranh về giá, có tính cạnh tranh về đặc tính của quốc gia hoặc địa phương thì nhập TPP rất thuận lợi. Các sản phẩm này có thêm thị trường rộng lớn và không bị hạn chế bởi hàng rào thuế quan và các thủ tục. Cụ thể, ngành dệt may Việt Nam được xem là ngành có lợi thế nhất vì được ưu đãi bởi thị trường lớn nhất hiện nay là thị trường Mỹ. Để hàng dệt may được ưu đãi thì việc đầu tư nguyên liệu, phụ kiện ở Việt Nam phải đồng bộ, nếu không khó thuận lợi ở thị trường các nước.

Xét về mặt thách thức, trước đây, các công ty bán ở thị trường nội địa dựa vào lợi thế từ hàng rào thuế quan và thuế nhập khẩu cũng như các thủ tục, quy định khác thì mất lợi thế. Tức là, các công ty này không còn được ưu đãi nữa và các công ty trong khối TPP. Do đó, sẽ không còn phân biệt giữa các công ty trong nước và công ty trong khối TPP nên DN phải cạnh tranh mạnh hơn trong thị trường nội địa.

Đối với các DN tại Việt Nam, nhiều DN muốn thu được lợi nhuận, tăng được thị trường đều dựa vào sự ưu đãi của nhà nước. Chúng ta đã sống lâu trong nền kinh tế chưa phải nền kinh tế thị trường vì các DN Việt Nam đều có xu thế đó. Khi hội nhập, các DN này đa phần lo lắng, than vãn nhiều hơn chủ động. Những DN bị thụ động thường gặp khó khăn. Như vậy, xét về số đông, về tính thụ động thì mặt thiệt nhiều hơn được.

Qua hội nhập, sẽ tạo ra sự đào thải và những công ty chủ động, có lao động sáng tạo sẽ có điều kiện bứt phá hơn. Các công ty này sẽ hình thành ra đội ngũ DN mới và đây là phần “được”. Phần “được” này không phải ngay lập tức mà xuất hiện theo thời gian. Trước đây, mỗi lần hội nhập chúng ta đều lo lắng cho DN trong nước nhưng sau một thời gian, các DN trong nước sẽ càng ngày càng trưởng thành hơn.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm:

Lãnh đạo và doanh nghiệp phải hiểu nhau

doanh nghiep phai lam gi khi gia nhap tpp

Để gia nhập TPP, tôi nghĩ rằng, giữa lãnh đạo Nhà nước với DN cần phải hiểu nhau nhiều hơn. Lãnh đạo và các DN sẽ đồng hành với nhau để nền kinh tế nước nhà có điều kiện phát triển, khó khăn được tháo dỡ. Doanh nhân luôn cần có những sự đổi mới và cần được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để yên tâm sản xuất kinh doanh.

Một nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì công nghiệp về giáo dục quan trọng nhất giống như nước Đức ở thế kỷ thứ XVI. Tất cả đều liên quan đến vấn đề xuất phát từ con người, vì con người điều chỉnh được máy móc. Do vậy, con người phải thay đổi từ hành vi ứng xử, mỗi người hy sinh một chút, chung sức, chung tay để cùng phát triển đất nước.

Chúng ta hãy vì mọi người trước khi vì bản thân mình. Tôi tin, nếu ai cũng suy nghĩ như vậy thì đất nước Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen:

Phải cải tiến thủ tục hành chính mạnh mẽ

doanh nghiep phai lam gi khi gia nhap tpp

Các DN gia nhập TPP cần nhất là Chính phủ phải cải cách hành chính mạnh mẽ để hỗ trợ DN. Nhưng thực tế, yếu tố về nhũng nhiễu DN, nhũng nhiễu của các công chức Nhà nước của bộ, ban, ngành hiện nay vẫn có và khá phổ biến. Mặc dù cán bộ tham nhũng bị phát hiện rất nhiều nhưng rõ ràng chưa đạt yêu cầu.

Trước đây Quốc hội từng bỏ phiếu tín nhiệm đối với các bộ trưởng, các thành viên của Chính phủ thì tôi nghĩ rằng, nếu Chính phủ kiên quyết hơn bằng cách thông qua các hiệp hội để cộng đồng DN bỏ phiếu tín nhiệm công chức thừa hành nhiệm vụ để phục vụ cho DN. Tôi nghĩ điều này sẽ cải thiện thái độ và nhận thức của đội quân công chức trong quá trình phục vụ cho DN.

Thực tế, chúng ta cũng thấy rõ là DN Nhà nước dù rất quan trọng nhưng trong nhiều năm qua, DN Nhà nước đã làm mất đi vai trò của mình, đã tạo sự trì trệ. Có thể nói, với thông điệp này tôi nghĩ, đã đến lúc không còn phân biệt giữa DN Nhà nước và DN tư nhân nữa mà gọi chung là DN Việt Nam. DN nào thuộc Top đầu của Việt Nam thì DN ấy sẽ dẫn dắt ngành đó trong nền kinh tế.

Tôi đang cảm nhận một sự bình đẳng về nhận thức chung. Chúng ta phải đặt lòng tự tôn dân tộc và vì sự cạnh tranh thành công trong hội nhập thì cộng đồng DN Việt Nam cần có cái nhìn chung, không nên tách biệt giữa DN Nhà nước và DN tư nhân.

Sau khi chúng ta hội nhập, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì các biện pháp phi thương mại, sau phi thuế quan vượt lên liên tục không phải thương mại, chống bán phá giá… Như tập đoàn của chúng tôi hiện nay phải đối mặt với 4 vụ kiện. Trước tiên, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành và đặc biệt là Bộ Công Thương, điều đó rất quan trọng. Năm ngoái, chúng tôi xuất khẩu hơn 300 triệu USD qua Mỹ, chúng tôi đang bị kiện ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Australia.

Hiện nay, chúng tôi đã vượt qua từng vụ kiện, có thể nói rằng đây là việc hằng ngày của DN. Và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cơ quan Chính phủ và đặc biệt là của Bộ Công Thương. Ví dụ như vừa rồi, ngài đại sứ của Việt Nam tại Thái Lan đã can thiệp mạnh vào vụ kiện này và hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình. Đây là một hành động mà tôi rất cảm ơn ngài đại sứ. Tôi mong rằng tất cả các cơ quan, ban ngành của Chính phủ luôn hỗ trợ DN và sẽ đồng hành cùng DN.

Theo tôi, với sự quan tâm rất lớn của Chính phủ cùng sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nhân sẽ có sự thay đổi. Nhưng để đạt được mục đích thực sự thì DN phải nỗ lực hơn. Chưa bao giờ nền kinh tế của đất nước chúng ta với đội ngũ tinh hoa, tinh thần trách nhiệm cao nhất đó là lòng tự tôn của dân tộc, tính chính trực để dẫn dắt nền kinh tế hội nhập và thành công. Đây là lúc mà 90 triệu người dân Việt Nam hy vọng.

Chúng ta có thể thấy rằng, Việt Nam có rất nhiều tỉ phú nhưng tôi nghĩ rất nhiều doanh nhân chân chính họ đã làm việc bằng sức lao động và trí tuệ của mình để DN thành công. Nhưng chúng ta mong rằng, tất cả doanh nhân Việt Nam đều hành xử với tinh thần chính trực và trách nhiệm cao nhất. Hãy tạo ra giá trị, đó là lợi nhuận. Cho nên đừng tạo ra lợi nhuận bằng mọi giá. Nếu tạo ra lợi nhuận bằng mọi giá là đồng lõa với sự tham nhũng và làm tổn hại đến đất nước này.

Có thể nói, đất nước chúng ta lạc hậu, phát triển chậm hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Nên việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn thấp. Thực tế do hoàn cảnh, khả năng tích lũy của từng DN và nội lực của nền kinh tế trong nước. Tất nhiên, trong tương lai vấn đề này sẽ được cải thiện và chúng ta phải hiểu lợi thế của chúng ta là cái gì và cái yếu là gì để xem chúng ta như một bàn cờ.

Chúng ta phải chơi trong thế yếu, phải chơi những con gì và sẽ đi những con gì đầu tiên? Người lãnh đạo của một quốc gia cũng vậy, phải là người chơi con cờ khôn ngoan, phải hiểu chúng ta hiện nay đang ở đâu và đi bước thế nào là phù hợp nhất. Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam và số doanh nhân Việt Nam sẽ đủ thông minh để quyết định được sẽ đi như thế nào.

Ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank:

Khơi dậy tâm thế doanh nghiệp

doanh nghiep phai lam gi khi gia nhap tpp

Trong quá trình phát triển của DN, có những khách quan, có cả hình thức mà nó cũng thể hiện rất rõ trong cộng đồng DN. Tôi gặp một số bạn bè cũng đã mang tâm thế hết sức phấn khởi, quyết liệt để cùng lãnh đạo mới phải làm sao để hội nhập không phải hiệp định trước đây mà hiệp định tới nữa trên một tinh thần trách nhiệm giữa doanh nhân điều hành DN và chính phủ.

Về thăng trầm của doanh nhân và DN thì tôi nghĩ, ở bất cứ thời kỳ nào cũng vậy, dường như đối với doanh nhân, chúng tôi phải có bản lĩnh để vượt qua. Nhưng phải nói rằng, trong thời kỳ này, qua những lần tiếp xúc và gặp gỡ, bạn bè doanh nhân thì cộng đồng doanh nhân chúng tôi hiểu, biết rất rõ.

Nói gì thì nói, trong suốt thời kỳ vừa qua, cộng đồng DN đã thể hiện được trách nhiệm với xã hội, tạo ra được giá trị gia tăng cho đất nước để cân bằng và giảm đi vấn đề nhập siêu. Thứ hai, chúng tôi cũng đã tạo ra được giá trị gia tăng cho khách hàng. Tới thời điểm hiện nay, An Phước, Kềm Nghĩa, Ôtô Trường Hải… một số sản phẩm không những có giá thành cạnh tranh mà chất lượng cũng phải đảm bảo bởi vì người tiêu dùng họ không phải có sản phẩm tốt là đủ nhưng giá cũng phải rẻ thì mới có sự cạnh tranh được trên sân nhà trong vấn đề cạnh tranh, gia nhập tới đây.

Vấn đề thứ ba, cộng đồng DN cũng đã tạo ra giá trị gia tăng cho cán bộ, công nhân viên để giảm đi sự thiếu hụt của chất xám. Điều này theo tôi trong nhiệm kỳ 2016-2021 với tinh thần quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ thì tôi cho rằng, những suy nghĩ này sẽ được đưa vào cuộc sống nhanh chóng và tự tin hơn.

Vấn đề gia tăng thứ tư, thời gian qua đã tạo giá trị gia tăng cho đồng vốn của mình và các nhà đầu tư thông qua nhiều thị trường vốn huy động rất tốt như thị trường chứng khoán. Họ cũng có những kế hoạch, những chiến lược rất tốt đáp ứng cho thị trường. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:

Cần tạo hành lang pháp lý tốt cho doanh nghiệp 

doanh nghiep phai lam gi khi gia nhap tpp

Gia nhập TPP, người dân cần phải chuẩn bị cho mình một tinh thần khởi nghiệp mà trước hết là trong thanh niên. Nhưng thực sự trên thế giới cũng có những người khởi nghiệp ở mọi lứa tuổi chứ không phải khởi nghiệp từ thanh niên. Chỉ có tinh thần mạnh mẽ này rất tốt và kỳ vọng rằng những điều này sẽ dẫn tới sức bật của toàn bộ nền kinh tế.

Nếu toàn dân chúng ta cũng với tinh thần khởi nghiệp này, gạt bỏ mọi rào cản, nhất là về mặt thủ tục hành chính, đó là trách nhiệm của người thi hành công vụ. Các cơ quan Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, hài hòa với nhau thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có những đổi mới để DN ngày càng phát triển.

Gia nhập TPP sẽ tạo ra một nguồn nhu cầu mới, nguồn nhu cầu tăng thêm của thị trường bất động sản. Sẽ có sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam để từ đó lực lượng chuyên gia và công nhân có kỹ thuật từ nước ngoài cũng sẽ vào Việt Nam. Trong cộng đồng thế giới ASEAN có 6 ngành nghề di chuyển lao động tự do trong khối ASEAN. Khi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, người ta đến đây toàn các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, những nhà quản trị, những nhà chuyên gia nên tăng nhu cầu nhà ở cao cấp cho các đối tượng này rất tốt.

Hiện nay, chính sách mở cửa ra cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà dễ dàng đã tạo động lực tốt cho cộng đồng DN trong thời gian tới và đặc biệt là thị trường bất động sản. Nhà nước cần phải có sự thay đổi về hệ thống hành chính, về trách nhiệm công vụ của viên chức, công chức Nhà nước để từ đó tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho DN Việt Nam phát triển.

 

Hưng Long - Võ Hiển

Năng lượng Mới số 521