Đạo diễn Nguyễn Tranh: Phim hài vẫn lên ngôi

08:48 | 13/08/2015

3,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điều đáng buồn nhất của phim Việt bây giờ là khán giả vẫn chỉ chuộng thể loại hài. Và chỉ làm phim này mới có thể chắc thắng về mặt doanh thu.

- Theo anh, sự khác biệt lớn nhất giữa phim do tư nhân sản xuất và phim được tài trợ của nhà nước là gì?

- Về cách thực hiện thì không có gì khác, chỉ khác về việc chọn kịch bản phim để làm. Với phim tư nhân sản xuất thì đề tài mang tính giải trí cao hơn, còn phim được tài trợ của nhà nước thì thường là những thể loại nghệ thuật, dự thi và kén khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Tranh

- Vậy theo anh thì làm thể loại phim nào khó hơn?
- Thực ra, đều khó như nhau. Làm phim tư nhân thì có nhiều lựa chọn về nhân sự, còn phim của nhà nước thì đa số là hãng phim nào thực hiện thì những người làm cho hãng đó đi làm. Mà trong làm phim thì chọn được một ê kíp hiểu nhau trong công việc là rất quan trọng, điều này cũng quyết định phần nào đó đến sự thành, bại của bộ phim. Chưa kể, nếu làm phim tư nhân mình sẽ mời được những người cộng tác tốt nhất có thể như đạo diễn, quay phim, thiết kế, ánh sáng… từ nam ra bắc.
Bản thân tôi khi đã nhận lời làm là phải chịu trách nhiệm về mọi mặt, từ kinh phí cho tới chất lượng phim, vì đó là tiền của và công sức của nhiều người. Không thể phân biệt của nhà nước hay tư nhân, và lại càng không thể làm việc vô trách nhiệm được. Phim nào thì đối tượng hướng đến cũng là khán giả, vì thế phim nào chúng tôi cũng muốn làm tốt nhất trong khả năng của mình.

Cảnh trong phim Tèo em

- Phim ra rạp thường khán giả chỉ nghe nói đến con số doanh thu tiền tỷ chứ ít ai được biết những khó khăn, vất vả mà đoàn làm phim phải trải qua. Là người trong cuộc, anh có thể nói gì về điều gì?
- Về sự vất vả khi làm phim thì tuỳ theo từng thể loại, tuỳ vào kịch bản phim. Ví dụ như khi tôi làm phim “Áo lụa Hà Đông”. Phim về thời xưa, chọn bối cảnh phải tránh né nhiều thứ mới của hiện tại. Nhân vật trong phim quá cực khổ, dầm mưa giãi nắng, xuống ruộng lên núi, di tản trong chiến tranh… Và đương nhiên, tất cả những sự cực khổ của nhân vật thì mình cũng trải qua y hệt vì phải đi, sống cùng với họ.
Rồi một bộ phim ra rạp thì trách nhiệm và áp lực của đạo diễn là rất cao. Không ít người mất ăn mất ngủ khi phim không có nhiều khán giả đến xem. Ngoài việc chi phí cho làm phim không hề ít còn có cả gánh nặng về tinh thần. Nặng nề lắm, ai làm phim cũng hy vọng tác phẩm của mình được đông đảo khán giả đón nhận, được khen làm phim tốt, hay.
Bộ phim nào cũng là đứa con tinh thần, cũng là công sức vật lộn suốt mấy tháng trời của cả đoàn làm phim, thế nên mỗi lần phim ra rạp thất bại là điều không dễ dàng chút nào. Có khi, điều đó ám ảnh chúng tôi hàng tháng trời…

“Ma dai” gây sốt với doanh thu 14 tỉ “Ma dai” gây sốt với doanh thu 14 tỉ
Khi phim hài không thể gây cười… Khi phim hài không thể gây cười…
Siêu phẩm hành động hài cuối cùng của Thành Long Siêu phẩm hành động hài cuối cùng của Thành Long

- Thế hiện giờ thị trường làm phim ra rạp có phải là mảnh đất màu mỡ không, thưa anh?
- Thị trường phim ra rạp sẽ là một thị trường rất tốt nếu ngày càng có nhiều phim hay. Còn tình hình hiện tại thì cũng khó nói. Như mọi người đã thấy, vẫn là những phim hài lên ngôi, lên ngôi về mặt doanh thu.
Tôi thấy người Việt rất thích xem phim Việt nhưng chất lượng phim mình chưa được như ý nên nhiều khán giả quay lưng là điều dễ hiểu.
- Thời của phim hài lên ngôi là một sự thử thách lớn cho việc làm phim nhà nước và cả phim tư nhân, có giải pháp nào cho câu chuyện này không, hay chúng ta vẫn phải theo trào lưu?
- Hiện tại phim hài đang lên ngôi về mặt doanh thu, khán giả số đông thích xem phim hài chăng? Hay do những thể loại phim khác ít có phim hay? Tôi không nghĩ là mình theo trào lưu, điều mình cần là những phim mới lạ mà nhận được sự ủng hộ của số đông khán giả mà không nhất thiết phải là phim hài. Bạn hỏi mình "có giải pháp nào không?" Thật sự khó nghĩ, mọi người làm nghề ai cũng mong tìm được một giải pháp nào đó và cho tới thời điểm này thì vẫn phải đang tìm thôi, hay giải pháp lại phải tính theo từng thời điểm khác nhau? Khán giả ngày xưa xem phim khác, hiện tại khác và sau này sẽ khác?

Thanh Huyền