Bẽ bàng danh xưng

07:00 | 14/11/2012

743 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Môi trường văn hóa giải trí nước nhà đang bị đầu độc và ngày càng sặc mùi “thảm họa”. Ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật ngày càng bị xóa nhòa khi không ít “nghệ sĩ”, “ngôi sao” với những xử sự đáng buồn của họ, sẵn sàng làm hỏng thẩm mỹ của công chúng, đánh đổi cả giá trị bản thân để được nổi tiếng.

Nền tảng thấp hơn tăm tiếng

Không phải ngẫu nhiên mà ca sĩ Nam Khánh, cựu thành viên nhóm AC&M, người đang đảm nhận vị trí hướng dẫn thanh nhạc cho các thí sinh Vietnamm Idol phải thốt lên: “Showbiz Việt đang có sự hỗn loạn. Các giá trị thật giả đang bị lẫn lộn”, khi nói về bộ mặt hiện tại của làng giải trí nước nhà. Suốt từ đầu năm đến giờ, không biết bao nhiêu vụ lùm xùm đã diễn ra trong showbiz khiến người ta ngán ngẩm. Đủ các góc khuất của đời sống văn hóa giải trí được phơi ra trên mặt báo.

Không lâu trước đây khắp các trang báo tràn ngập thông tin về vụ ca sĩ Thụy Anh - em gái Thanh Thảo tố cáo ca sĩ Ngô Kiến Huy làm cô có con rồi “quất ngựa truy phong”. Tất cả những bí mật riêng tư của cuộc tình giữa Thụy Anh và Ngô Kiến Huy đã được phơi ra giữa bàn dân thiên hạ bởi chính những lời tố tình của người trong cuộc. Tiếp sau đó, công chúng lại được một phen dậy sóng khi thông tin cô ca sĩ Lan Trinh gửi đơn tố cáo ông bầu Hoàng Vũ từng gạ tình, lừa tiền cô xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Lời qua tiếng lại giữa hai bên khiến công chúng được biết tường tận Lan Trinh giả dối ra sao qua lời tố của Hoàng Vũ và Hoàng Vũ bội bạc, “Sở Khanh” cỡ nào qua lời tố của Lan Trinh…

Không chỉ “tố tình”, các nghệ sĩ còn đua nhau tố giới tính. Mới đây, sau khi xảy ra vụ scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả The Voice Vietnam, người ta cũng được đọc và nghe đủ thứ về chuyện giới tính của vị nữ giám đốc âm nhạc này.Giữa lúc dư luận đang tò mò tột đỉnh thì bỗng ca sĩ Lê Minh, một người bạn thân thiết của Phương Uyên cũng lên báo kể về mối tình kéo dài 10 năm giữa bạn mình và cô Á hậu Lý Mỹ Dung. Phương Uyên cực chẳng đã, đành phải lên tiếng thừa nhận sự thật về giới tính của mình…

Những màn tố tình, tố giới tính của các nghệ sĩ trong làng giải trí Việt kể trên dù sao cũng không phải là mới và chắc chắn còn chạy dài về độ “độc” và “lạ”. Lễ hội nhập khẩu Halloween được giới showbiz Việt ồn ào đón nhận, “cải cách” và lợi dụng để trưng bày vẻ đẹp hình thể của họ: Nam hóa quỷ, nữ hóa nhân vật sexy vô tư, tiếp tục gây shock trong các trang mạng.

Ở một góc khác của showbiz Việt là những phát ngôn nhố nhăng, thiếu văn hóa của những người mang danh xưng “người của công chúng”. Chỉ mới cách nay vài tháng thôi, cô người mẫu Ngọc Trinh làm bàng hoàng dư luận vì những phát ngôn thật thà và thiếu suy xét, kiểu như: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à!!!”. “Đỉnh cao” của phát ngôn “gây sốc” gần đây nhất thuộc về người mẫu Xuân Lan. Cô trắng trợn và thách thức: “Phụ nữ không dùng hàng hiệu thì không có tương lai”. Đáng buồn hơn, về sau câu nói ấy được thừa nhận là cố ý dàn dựng theo lối nói sốc nhằm quảng cáo cho một nhãn hiệu. Những phát ngôn gây sốc như vậy cần được xem như hồi chuông báo động mạnh nhất về trách nhiệm xã hội của những người nổi tiếng đối với công chúng.

Cần được dạy dỗ

Bức xúc trước thực trạng showbiz Việt hiện nay, nhạc sĩ Dương Thụ mới đây đã đứng ra tổ chức một cuộc tọa đàm mang chủ đề: “Showbiz: Vấn đề nghệ thuật và văn hóa cho đại chúng”. Theo nhạc sĩ Dương Thụ, chưa bao giờ vấn đề văn hóa của giới showbiz lại nhức nhối như hiện nay, nhất là văn hóa ứng xử của giới nghệ sĩ với nghệ thuật, với nghề nghiệp và với công chúng… Sống trong một đất nước mà nền văn hóa truyền thống mang đặc trưng tôn trọng các giá trị cộng đồng, trước sự phát triển của Internet và sự hội nhập của các hình thức văn hóa từ phương Tây, sự giàu lên nhanh chóng so với thu nhập bình quân đầu người, rất nhiều nghệ sĩ Việt đã không kịp xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa vững chắc, một bản lĩnh sống để đối diện với những tình huống khó khăn và nhất là không hiểu được tầm quan trọng, sự ảnh hưởng từ một “người của công chúng”. Với tính chất là “người của công chúng”, thường xuyên đứng trên sàn diễn và được dư luận cả xã hội quan tâm, thì mỗi lời nói, một việc làm, mỗi thái độ thiếu văn hóa của họ đều ảnh hưởng, tác động lớn đến công chúng, làm xuống cấp văn hóa đại chúng, làm sai lạc chuẩn mực văn hóa ứng xử của cả xã hội.

Có một thực tế cần phải nhìn nhận lại là, hiện nay chúng ta chưa có một đề án nào cụ thể về việc tuyển chọn, quản lý và đào tạo những “người của công chúng”. Rất nhiều người mẫu, diễn viên, ca sĩ đã được lựa chọn một cách bột phát, chỉ đơn giản là có ngoại hình, có chiều cao, đường nét, khuôn mặt, có chút ít tài ca hát hay đóng phim… là có thể được khoác lên mình cái danh “nghệ sĩ”. Việc tuyển chọn một người mẫu hay một diễn viên, ca sĩ nhiều khi cũng rất dễ dãi, chẳng dựa vào một tiêu chuẩn nào về học thức, trình độ hay đạo đức.

Có thể có một bầu sô nào đó đi trên đường họ ghé vào các quán cà phê, hay đi về vùng sâu, vùng xa, thấy một người nào đó nằm trong tầm ngắm họ, thế là tìm cách tiếp cận rồi mời về đóng phim hay làm người mẫu. Nhất là trong thời buổi truyền thông hiện đại bùng nổ với đủ các công nghệ lăng-xê như hiện nay, rất dễ để có thể “thổi” một cô gái bán trà đá thành một người mẫu, ca sĩ hay diễn viên. Với những ca sĩ, người mẫu, diễn viên đi lên từ con đường như thế, không phải ai trong số họ cũng có được một nền tảng tri thức cũng như đạo đức vững chắc để có thể xứng đáng là người truyền bá văn hóa, nghệ thuật cho công chúng, để vượt qua được những cám dỗ, lợi lộc trong môi trường nghệ thuật. Và sa ngã, lạc lối nhiều khi là điều không tránh khỏi!

Một lần nữa, vấn đề nền tảng đạo đức, ý thức nghề nghiệp của một bộ phận “người của công chúng” lại trở thành mối lo lắng của những người có trách nhiệm với showbiz Việt. Nên chăng, cần có một chiến lược đào tạo từ đầu và đào tạo lại về đạo đức nghề nghiệp cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ sĩ tự do. Cũng cần phải có những yêu cầu khắt khe về đạo đức và tri thức nhất định trong khâu tuyển chọn người mẫu, diễn viên, ca sĩ… Môi trường nghệ thuật là một môi trường đặc biệt, nhiều cám dỗ, đồng thời có ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp xã hội. Chính vì thế, yêu cầu về nền tảng đạo đức, ý thức trách nhiệm với xã hội và nghề nghiệp là không thể thiếu. Chỉ khi được trang bị đầy đủ những yêu cầu này thì các nghệ sĩ trẻ mới có thể đứng vững được trước những cám dỗ mà không làm mất giá trị bản thân và hơn hết là giữ gìn sự trong sạch cho môi trường nghệ thuật cũng như cả xã hội.

Tâm Duyên