Bảo vệ trẻ em trước mặt trái của truyền thông

14:12 | 09/10/2017

1,128 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện “bảo vệ” trẻ em trước những tác động tiêu cực của truyền thông và các chương trình truyền hình thực tế đã và đang là vấn đề nóng hổi. Dù đã có những quy định về thời lượng, về nội dung, song khó có thể kiểm soát triệt để thông tin trên báo chí, phim ảnh, hay các chương trình truyền hình thực tế.  

Chậm và muộn

Vừa qua, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử, xuất bản phẩm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có hiệu lực từ ngày 1-10.

Cụ thể, thông tư quy định các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức như âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng.

bao ve tre em truoc mat trai cua truyen thong
Cảnh báo chương trình không dành cho trẻ em dưới 15 tuổi của kênh Star World (Mỹ)

Theo Bộ TT&TT, nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết. Việc cảnh báo phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ đọc, nghe, xem; chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem; nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi; nội dung không phù hợp với trẻ từ 6 đến dưới 11 tuổi; nội dung không phù hợp với trẻ từ 11 đến dưới 16 tuổi.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Lẽ ra những quy định thế này đã phải được xây dựng từ lâu, đặc biệt là khi bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin với sự dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin trên mạng, truyền hình... Đi kèm với quy định này cần có những hướng dẫn chi tiết không chỉ cho nhà báo, mà cho các bậc phụ huynh.

Hướng dẫn để họ hiểu rõ mức độ quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trong cuộc sống, không thể coi thường được, sẽ dẫn đến những hệ lụy khác mà hậu quả đối với từng em nhỏ có thể nhãn tiền cũng đôi khi không nhìn thấy ngay”.

Cảnh báo thế nào?

Có thể nói, việc ra đời Thông tư 09 là cần thiết, bởi hiện nay việc bảo vệ trẻ trước những lộn xộn của truyền thông gần như bị “bỏ bê”, phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Tuy nhiên, việc cảnh báo trên truyền hình, đặc biệt là truyền hình thực tế đang vấp phải nhiều khó khăn nhất định, dẫn tới tình trạng sau ngày 1-10, việc cảnh báo vẫn chưa được thực hiện.

Với các chương trình truyền hình thực tế hay sách báo… việc dán nhãn, cảnh báo nội dung khó như… lên trời. Bởi dù thông tư đã có, nhưng cảnh báo như thế nào, biểu tượng cảnh báo ra sao, kích cỡ, màu sắc là gì... vẫn còn chưa thống nhất.

Lâu nay, xã hội vẫn mặc nhiên coi phim truyền hình là thể loại giải trí dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những bộ phim nằm trong khung “giờ vàng” (20-22 giờ). Gần đây, những bộ phim “hot” trên sóng truyền hình như “Sống chung với mẹ chồng” hay “Người phán xử” cũng vấp phải sự phản đối của một bộ phận khán giả vì lý do quá bạo lực hoặc quá… tình cảm. Hoặc những bộ phim có nhiều cảnh nhạy cảm như phim “Hoa nắng” (2012), “Tuổi thanh xuân 2” (2016).

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất cho rằng, những bộ phim trên đều được chiếu vào khung giờ muộn, sau 21 giờ khi trẻ em đi ngủ nên việc phê phán phản cảm, dung tục, ảnh hưởng đến trẻ em là không chính xác.

Chuyên gia Nguyễn Trọng An phân tích: Trước đây, giờ ăn cơm tối, trẻ em được xem chương trình “Bông hoa nhỏ” hoặc phim hoạt hình… Nay các chương trình nhí ngập sóng truyền hình, nhiều khi kéo dài qua cả 12 giờ đêm. Chương trình cứ mặc kệ trẻ em, mặc kệ ăn uống, mặc kệ văn hóa… để quảng cáo kiếm tiền, từ thuốc “ông uống bà khen”, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc kích dục rồi đến các loại sâm cho nam giới… Đây là một sự lẫn lộn khó chấp nhận. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa”.

Thông tư 09 đã có hiệu lực, nhưng các đài truyền hình dường như vẫn chưa có cảnh báo gì trong các chương trình của mình. Và trước mắt, để bảo vệ cho con trẻ, có lẽ phụ huynh cũng nên hạn chế con em mình xem những chương trình không phù hợp bằng cách sử dụng mã pin, khóa kênh trước khi các đài truyền hình tự “hạn chế” đối tượng khán giả theo quy định.

Nước ngoài phân loại phim truyền hình ra sao?

Tại Philippines, Hội đồng Đánh giá và phân loại phim và truyền hình (MTRCB) nước này đã phân loại các chương trình truyền hình phát sóng thành 4 nhóm. Cụ thể, G là các chương trình dành cho mọi đối tượng khán giả bao gồm cả trẻ em và có màu nền xanh lá, PG là các chương trình trẻ em nên xem với sự giám sát của cha mẹ và có màu nền xanh dương, SPG khuyến khích cha mẹ cần cảnh giác hơn khi cho trẻ em loại chương trình này, có nền màu đỏ và X là loại bị cấm chiếu. Trước khi chiếu, một clip ngắn thông báo về loại chương trình đó cũng sẽ được phát trong khoảng 10 giây.

Tại Canada, các chương trình được phân loại C (Children) dành cho trẻ em dưới 8 tuổi phải được cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung có khả năng đe dọa đến cảm giác an toàn và tâm trạng của trẻ và gần như không có cảnh bạo lực.

Ngoài ra còn có các mức phân loại khác nhằm cảnh báo lứa tuổi được xem chương trình như C8 cho trẻ em trên 8 tuổi, G cho mọi lứa tuổi, PG cho trẻ em xem với sự giám sát của cha mẹ, 14+ cho trẻ trên 14 tuổi, 18+ cho người trưởng thành… Các chương trình sẽ được phát kèm biểu tượng màu trắng đen có ký tự phân loại ở bên góc trái màn hình trong khoảng 15-16 giây đầu, sau đó lặp lại tùy theo đội dài chương trình.

Trong khi đó, đài ABC của Mỹ phân loại các chương trình của mình thành G cho mọi lứa tuổi, PG cho trẻ em với sự giám sát của phụ huynh, M và MA15+ cho khán giả từ 15 tuổi trở lên. Biểu tượng của các loại chương trình này cũng sẽ được phát trước khi chiếu mỗi chương trình, đặc biệt các chương trình M và MA15+ sẽ có thêm cảnh báo bằng audio và thông báo trên màn hình.

Khánh An