Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2015)

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số

09:10 | 23/02/2015

5,519 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại mà còn là người bạn đồng hành của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Năng lượng Mới số 394

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, mùa Xuân Tân Tỵ năm 1941, Bác Hồ của chúng ta về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc giải phóng đất nước. Thay mặt đồng bào cả nước, bà con các dân tộc trên bản nhỏ của người Nùng ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đón Bác về. Sau cái đêm đầu tiên nghỉ lại tại nhà một đồng bào Nùng có cảm tình với cách mạng, hôm sau Máy Lỳ - người chủ nhà - dẫn Bác và mấy đồng chí vừa về nước, theo một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua rừng, lên một cửa hang sau được gọi là hang Pác Bó.

Ông Vũ Kỳ kể lại: “Hành trang theo Bác trở về Pác Bó vẻn vẹn chỉ có một chiếc vali xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ. Và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Quảng Tây, Trung Quốc do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước tết mấy hôm”.

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc

Ở Pác Bó, Bác thường mặc bộ quần áo dân tộc Nùng, màu chàm, ống tay rộng. Thức ăn của Bác và anh em chỉ có rau bí, rau rừng, măng đắng và ốc bắt ở suối. Tháng giáp hạt, nhân dân ăn độn ngô, Bác cũng ăn cháo, ăn ngô. Trời mưa, hang núi ướt lạnh thấu xương, từ các nhũ đá nước nhỏ giọt xuống đều đều không dứt. Để đỡ lạnh, mọi người phải đốt một đống lửa nhỏ. Thời gian này, Bác đã viết hàng chục bài thơ tuyên truyền cách mạng. Và cũng từ đây, trong hang đá đại bản doanh này, tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng ta đã họp, định ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những người giúp việc Bác đã tính được rằng, trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, trước sau Bác Hồ đã sống với đồng bào các dân tộc Việt Bắc trên 12 năm. Và những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên người dân tộc thiểu số luôn được Bác thương yêu, chăm chút như con cháu trong nhà. Câu chuyện anh chiến sĩ bảo vệ trẻ người dân tộc “dám” hỏi giấy Bác Hồ suýt bị kỷ luật lại được Bác khen, còn được kể mãi trong lực lượng cảnh vệ.

Và núi rừng Việt Bắc, chiến khu của cách mạng cũng đã là nơi tràn đầy tình sâu nghĩa nặng với Đảng, với Bác Hồ, trở thành niềm tin yêu, hy vọng của cả nước trong những ngày kháng chiến gian khổ. Nói đến Việt Bắc là nói đến “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”,  nói đến những an toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), Chiêm Hóa (Tuyên Quang) trong kháng chiến, nói đến Pác Bó, đã trở thành thơ, thành Di tích lịch sử cách mạng cho muôn đời con cháu!

Ý chí đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc ngày càng rõ hơn, cụ thể hơn, mãnh liệt hơn, sinh động hơn từ những ngày ở Pác Bó. Đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.

Theo Hồ Chí Minh, vấn đề dân tộc thiểu số có mối quan hệ gắn bó với vấn đề giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam. Cả dân tộc được giải phóng là điều kiện tiên quyết để các dân tộc thiểu số được giải phóng; cả dân tộc được phát triển là điều kiện cho sự phát triển các dân tộc thiểu số. Mặt khác, để giải phóng dân tộc Việt Nam không thể thiếu sự đóng góp của các dân tộc thiểu số; sự phát triển của các dân tộc thiểu số là một động lực cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã thể hiện nhất quán luận điểm trên trong quá trình hoạt động cách mạng của Người và phù hợp với nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn.

Trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Bác đã trực tiếp chọn và huấn luyện nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số trong các lớp học được mở tại Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc).

Ngay sau khi về nước, Hồ Chí Minh đã tiến hành các hoạt động vận động quần chúng. Người trực tiếp biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ, trong đó Người yêu cầu cán bộ phải: “Tìm hiểu phong tục, tập quán, học tiếng địa phương v.v…”. Người giao cho một số cán bộ người dân tộc mở lớp huấn luyện quân sự và tổ chức nhiều hội nghị để củng cố sự đoàn kết giữa các dân tộc…

Người đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, trong đó đại bộ phận  là người các dân tộc thiểu số.

Với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã mời đại diện các dân tộc thiểu số tham gia Chính phủ hoặc giữ trọng trách ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Ngày 19-4-1946, Người có thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleicu, trong đó Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…”.

Trên chiến khu, Người giao cho các ngành hữu quan mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự và cử con em các dân tộc thiểu số sang Trung Quốc, Liên Xô học tập.

Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân tộc, dân chủ và hòa bình. Trong thời kỳ mới, vấn đề dân tộc thiểu số ở nước ta đã được Hồ Chí Minh đặt ra và giải quyết trên bình diện mới, có nội dung mới, phản ánh những nhu cầu cơ bản của các dân tộc thiểu số, từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội v.v… trong đó đoàn kết vì sự phát triển của các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trung tâm.

Trong các dịp đi thăm đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, Tây Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Người nhấn mạnh, đồng bào dân tộc thiểu số cần có chữ viết của mình; cần đẩy mạnh việc xóa nạn mù chữ, học tập văn hóa, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc… Người đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan thành lập nhiều trường dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Người còn căn dặn việc trồng cây; giữ gìn vệ sinh làng bản, nhà ở, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an ninh… Người nhắc nhở phải đoàn kết, giữ gìn tình hữu nghị với nhân dân các nước có chung biên giới. Người yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền: “Phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân… áp dụng chủ trương, chính sách phải sát hợp với tình hình mỗi nơi.

Trong quan điểm Hồ Chí Minh, đồng bào kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.

Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Người đối với các dân tộc thiểu số được thể hiện nhất quán trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta mà nhiều lần Người nhấn mạnh là: “Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Có thể nói, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Người coi trọng công tác dân vận đồng bào, từ việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số để đồng bào có được ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, làm cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất để từng bước đưa đời sống đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo lạc hậu.

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại mà còn là người bạn đồng hành của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thọ Vinh