2 điểm làm chùn bước nhà đầu tư nước ngoài

10:44 | 04/06/2011

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 2752011, đa số các doanh nghiệp đánh giá, tính minh bạch và vấn đề cải cách thủ tục hành chính đang làm chùn bước nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore đánh giá cao những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm cắt giảm và tinh giản thủ tục hành chính. Cụ thể, đó là những biện pháp nhằm giải quyết vấn đề lạm phát, mất giá của đồng tiền và sự mất cân bằng cán cân thương mại. Cũng đồng quan điểm trên, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) rất hoan nghênh những tác động thực sự của Đề án 30 (Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010) đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, ông Alain cho rằng, điều quan trọng nhất là không cần phải cho ra đời thêm các đề án cải cách thủ tục hành chính mới nữa khi mà việc triển khai Đề án 30 vẫn đang được tiến hành. Đồng thời, ông bày tỏ sự quan ngại rằng, các thủ tục hành chính cũ không dễ dàng được thay thế bằng các thủ tục hành chính mới. Những biện pháp mà Chính phủ đưa ra dường như chỉ là để chữa triệu chứng chứ không thực sự chữa trị căn nguyên.

Dẫn chứng cho điểm trên, ông Seck Yee Chung lý giải, ví dụ như đối với các biện pháp kiểm soát giá, cấp phép nhập khẩu tự động, danh mục hàng hoá không khuyến khích nhập khẩu…, đang phản tác dụng khi làm cho nền kinh tế và môi trường kinh doanh trở nên kém minh bạch và kém hiệu quả hơn.

Đặc biệt, phần lớn đại diện các phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam đều cho rằng, tính minh bạch đang bị suy giảm một cách nghiêm trọng ở Việt Nam. Báo cáo năm 2010 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, sự suy giảm trong hầu hết mọi chỉ số minh bạch so với năm trước. Khả năng tiếp cận cả văn bản kế hoạch liên quan các doanh nghiệp kinh doanh và văn bản pháp luật đều bị giảm sút một cách đáng lưu ý. Trên thang điểm 1-5 (trong đó 1 là không thể tiếp cận và 5 là dễ dàng tiếp cận), khả năng tiếp cận các văn bản đạt điểm trung bình là 2,31, giảm từ 2,44 trong năm 2009 và đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
“Đây là xu hướng đáng lo ngại và cần phải được thay đổi. Một trong những chiến lược để thay đổi xu hướng này là tiếp tục các nỗ lực cải cách hành chính”, ông Alain nói.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý là, hơn 75% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, “quan hệ” rất quan trọng để có thể tiếp cận được thông tin cấp tỉnh và 70% các công ty thường xuyên xuất nhập hàng hóa cảm thấy họ phải trả tiền hối lộ để đẩy nhanh thủ tục hải quan. “Các bằng chứng này có thể mang tính giai thoại nhưng rõ ràng tham nhũng tiếp tục là một vấn đề đối với nhà đầu tư”, ông Christopher Twomey, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam nói.

Hiện nay, các bộ, ngành phụ trách vẫn đang trong quá trình triển khai các quyết định của Đề án 30. Kết quả là riêng cấp Trung ương phải điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ 1.016 thủ tục hành chính, bao gồm 42 Luật, 12 Quy định, 183 Chỉ thị, 37 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 313 Quyết định của Bộ trưởng, 336 Thông tư và 93 văn bản pháp luật khác. Ông Alain Cany nhận xét: “Đây là nhiệm vụ lớn lao và giờ là lúc tất cả nhân viên các bộ, ngành được giao phụ trách công việc quan trọng này phải ra sức hỗ trợ”.

Ông Seck Yee Chung chia sẻ, việc cắt giảm các thủ tục hành chính được trông đợi là sẽ mang lại một nền kinh tế hiệu quả và năng động hơn trong cách mà hàng hóa và dịch vụ được cung cấp và tin rằng, cuối cùng sẽ mang lại nhiều đầu tư hơn, chi phí giảm xuống, giá cả cạnh tranh và tạo ra nhiều công ăn việc làm. “Do vậy, chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục quá trình cắt giảm các thủ tục hành chính và đồng thời không đưa ra các biện pháp phản tác dụng”, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động thường niên diễn ra trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam khai mạc ngày 27-5 tại Hà Nội. Chủ đề diễn đàn lần này là:“Vượt qua 2011 – Mục tiêu dài hạn của Việt Nam” với nội dung thảo luận chính: Ngân hàng – thị trường vốn, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Đây là sự kiện do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức. Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011 sẽ được tổ chức tại Hà Tĩnh trong hai ngày mồng 8 và mồng 9-6.

An Thu