Yếu tố địa chính trị đối với giá dầu Brent trong dài hạn

10:24 | 24/02/2022

1,124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể tiếp tục giữ giá dầu Brent ở mức cao, bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới và khả năng Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trang tin Oilcapital.ru mới đây đã có bài viết phân tích về sự ảnh hưởng của tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine đến giá dầu trong dài hạn.
Yếu tố địa chính trị đối với giá dầu Brent trong dài hạn

Giá dầu vẫn vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Theo dữ liệu của Refinitiv, giá hỗn hợp các loại dầu Brent, Forties và Oseberg ở Biển Bắc vào ngày 14/02 đã lên tới 101 USD/thùng trên thị trường giao ngay. Trong những ngày sau đó đã diễn ra đợt điều chỉnh. Sáng ngày 21/02, giá hỗn hợp 3 loại dầu trên đã giảm xuống còn 95,8 USD/thùng và giá dầu Brent tương lai trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đã giảm xuống còn 93 USD/thùng.

Sự trở lại của dầu thô Iran

Nhiều tin tức tích cực xung quanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đã góp phần vào tình hình giá dầu. Thứ trưởng ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani (16/02) cho biết, sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, các bên đàm phán đang tiến gần đến một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Thông điệp này làm dấy lên sự kỳ vọng về việc khôi phục Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCAP), đã được ký kết vào năm 2015 bởi bảy quốc gia (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran). Kế hoạch liên quan đến việc cắt giảm chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran.

Kế hoạch đã kéo dài trong ba năm. Đến tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCAP, đồng thời áp dụng dần các lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran. Đầu tiên và từ tháng 11/2018, quyền nhập khẩu dầu thô Iran chỉ chỉ được áp dụng đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp. Đến tháng 5/2019, Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia trên nếu tiếp tục nhập khẩu dầu thô Iran. Kết quả là xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm nhiều lần, từ 2,6 triệu bpd (tháng 4/2018) xuống còn 900.000 bpd (tháng 4/2019) và xuống còn 400.000 bpd vào tháng 4/2020.

Với việc được quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới, Iran có thể trở lại TOP 4 các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của OPEC, hiện đang bị chiếm giữ bởi Kuwait (xuất khẩu 1,9 triệu bpd), UAE (xuất khẩu 2,6 triệu bpd), Iraq (xuất khẩu 3,5 triệu bpd) và KSA (xuất khẩu 7,2 triệu bpd). Điều quan trọng nhất vẫn là sự trở lại của nhà sản xuất Iran sẽ dẫn đến thặng dư trên thị trường toàn cầu. Sự trở lại của Iran cũng giúp OPEC+ không bị tụt lại phía sau kế hoạch tăng sản lượng của chính mình.

Hiệu ứng của kỷ luật yếu

Kể từ tháng 8/2021, liên minh OPEC+ đã triển khai kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 bpd mỗi tháng. Tuy nhiên, sản lượng tăng thực tế lại khiêm tốn hơn. Ví dụ vào tháng 12/2021, theo ước tính của S&P Global Platts, mức tăng thực tế của liên minh chỉ đạt 310.000 bpd và đến tháng 01/2022 là 320.000 bpd. Tính đến sự chậm trễ so với kế hoạch tăng sản lượng ban đầu, trong tháng 01/2022, OPEC+ đã sản xuất ít hơn 700.000 bpd so với hạn ngạch đã được thiết lập là 38,74 triệu bpd. Trong số các nguyên nhân dẫn đến sự “tụt hậu” về sản lượng là sự tăng chậm sản lượng của các nước thành viên ngoài OPEC. Cần lưu ý rằng, các thành viên ngoài OPEC chỉ tăng sản lượng thêm 10.000 bpd so với mức tăng hạn ngạch mà họ được phân bổ là 145.000 bpd.

Tại Nga có một lý do khách quan cho việc tăng chậm sản lượng là những đặc trưng của quỹ giếng. Theo Cục điều tiết năng lượng, Bộ Năng lượng Nga, trong giai đoạn từ tháng 01-11/2021, trong cơ cấu vận hành các giếng mới, chỉ có 6% số giếng tự phun tương đối dễ kiểm soát và điều chỉnh sản xuất. Trong khi đó, có tới hơn 90% số giếng khai phải áp dụng các biện pháp tăng cường thu hồi dầu. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao số giếng khai thác liên tục tăng trong hai năm 2020 - 2021 (tăng từ 128.538 giếng lên 154.875 giếng) nhưng các nhà sản xuất Nga lại không thể đáp ứng hạn ngạch được phân bổ trong OPEC+. Theo số liệu của S&P Global Platts, sản lượng khai thác của Nga trong tháng 01/2022 đã thấp hơn 42.000 bpd so với mức hạn ngạch được phân bổ.

Lãi suất cao gây áp lực đến giá dầu

Việc sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ tăng chậm đóng vai trò chính đẩy giá dầu tăng cao. Tuy nhiên trong những tháng tới, áp lực lên giá dầu sẽ gia tăng do FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, vốn đã được lên kế hoạch để ngăn chặn gia tăng lạm phát hàng năm. Trước đó, lạm phát của Mỹ từ tháng 01/2021 đến tháng 01/2022 đã tăng từ 1,4% lên 7,5%. Theo dự báo của Reuters, lãi suất cơ bản của Mỹ (một trong những công cụ quan trọng của FED) sẽ tăng từ phạm vi 0-0,25% lên 1,25-1,5% trong quý IV/2022 và tiếp tục tăng lên 2-2,25% trong quý IV/2023.

Cùng với việc cắt giảm chương trình mua lại trái phiếu trên thị trường mở đã được công bố, động thái của FED có thể sẽ giúp “hạ nhiệt” thị trường hàng hóa giống như những gì đã xảy ra trong năm 2014 - 2015. Tại thời điểm đó, FED đã bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, sau đó quyết định tăng lãi suất cơ bản. Chính sách tiền tệ lúc đó của FED đã đẩy giá dầu Brent từ 99 USD/thùng xuống còn 52 USD/thùng (năm 2014) và từ 52 USD/thùng xuống còn 44 USD/thùng (năm 2016). Để hỗ trợ giá dầu, nhóm các nước OPEC và ngoài OPEC (liên minh OPEC+) đã ký kết thỏa thuận sản lượng lần đầu tiên vào cuối năm 2016. Trong năm 2022, hiệu ứng của thỏa thuận OPEC+ sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung gia tăng từ Mỹ, quốc gia đã sản xuất trên 11,5 triệu bpd trong vòng 3 tháng gần đây và cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Tiến Thắng