Yêu cầu đánh giá thực chất số DN phá sản

15:56 | 21/05/2012

403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ sáng 21/5, các ủy ban của QH muốn nhìn sâu hơn các mặt tồn tại, về từng chỉ tiêu không đạt, và nguyên nhân đằng sau, nhất là nguyên nhân chủ quan “để thấy rõ thực trạng, có giải pháp khắc phục và tăng tính thuyết phục hơn”.

Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Quốc hội lưu ý khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh.

Cụ thể, GDP quý I tăng trưởng ở mức 4% – thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, thấp hơn dự kiến của Chính phủ, như vậy sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm.

Doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp bị đình đốn, kim ngạch nhập khẩu giảm, sức tiêu thụ chậm là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Theo nghị trình, sáng 24/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách 2011 và những tháng đầu năm 2012

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu phân tích, với tình hình có đến 53.792 doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2011, tăng 24,7% so với năm 2010 cho thấy những khó khăn đối với việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mới và gây áp lực gia tăng tỉ lệ thất nghiệp.

QH cho rằng cần đánh giá thực chất số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, nhất là những tác động tiêu cực đến đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu hút số lượng lao động trong năm 2011 và mức độ ảnh hưởng những năm tiếp theo.

Hơn nữa, xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng ở mức khá (22,1% so với cùng kỳ) nhưng xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp trong nước tăng rất thấp, chỉ 4,3%; một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm.

Thanh khoản của một số ngân hàng đã cải thiện đáng kể thể hiện qua thị trường liên ngân hàng đã bớt căng thẳng thời gian gần đây. NHNN đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ thanh khoản. Qua kênh mua ngoại tệ, NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 130.000 tỉ đồng; đồng thời bơm ròng khoảng 30.000 tỉ qua các kênh hỗ trợ thanh khoản… Thế nhưng, gần 4 tháng đi qua đến ngày 20/4/2012 tổng dư nợ tín dụng vẫn còn tăng trưởng âm, chỉ số lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Điều này, như ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, đã tác động mạnh hai mục tiêu: rất tích cực và hiệu quả đối với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng khá ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và yêu cầu tăng trưởng hợp lý. Đến tháng 3/2012, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng ước giảm 2,13% so với tháng 12/2011.

Số liệu NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng của toàn bộ hệ thống chỉ giảm hơn 1%, nếu loại bỏ yếu tố tăng trưởng ảo thì chỉ sụt giảm 0,4%. Mặc dù vậy, đây vẫn là chỉ báo bất thường nếu so sánh với các năm trước đây. Tại thời điểm 10/3/2011, tăng trưởng tín dụng đạt 3,68% so với tháng 12/2010; cuối quý 1/2010, tăng trưởng tín dụng 2,95% so với cuối 2009; tương tự cuối quý 1/2009 là tăng trưởng 2,67%… Đến 20/4, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,35%.

Rủi ro dư nợ xấu gia tăng và nhằm đảm bảo an toàn vốn là nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch dòng tiền tín dụng sang các kênh đầu tư, kinh doanh an toàn hơn trong vài tháng qua như mua trái phiếu Chính phủ và tín phiếu của NHNN thay vì tăng trưởng dư nợ.

Chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh các chỉ tiêu chủ yếu nhưng QH đề nghị Chính phủ cần có phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình.

Việc xử lý giữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2012 đặt ra yêu cầu kết hợp thật chặt chẽ, liên tục giữa các cơ chế, chính sách, giải pháp trước mắt và cho cả trung, dài hạn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất hơn để phát huy tối đa sức mạnh nội lực, trong đó duy trì và củng cố niềm tin, kịp thời thông tin chính xác, đưa ra các tín hiệu chính sách vĩ mô đúng để định hướng thị trường và tạo điều kiện cho thị trường tự vận động theo quy luật khách quan là yếu tố quan trọng, ông Giàu nói.

Chủ nhiệm UB Kinh tế ghi nhận, việc các thành viên Chính phủ tổ chức đối thoại trực tiếp với công chúng gần đây đã gia tăng lòng tin, nhất là những vấn đề nhạy cảm về thị trường và xã hội; cách làm này vừa minh bạch thông tin, vừa tăng trách nhiệm giải trình của các thành viên Chính phủ.

Lo các vụ việc phát sinh

Bên cạnh đó, các ủy ban của QH cũng lo ngại về một số vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo của công dân xử lý chưa dứt điểm. Đến hết năm 2011 cả nước còn 528 vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng kéo dài.

Có những vụ việc xử lý chưa đúng pháp luật, gây bức xúc trong xã hội, đơn cử như việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Vẫn còn tình trạng lợi dụng các vụ khiếu kiện đông người về đất đai, các vụ đình công để kích động biểu tình, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Tình trạng tham nhũng chưa có xu hướng giảm; kết quả thanh tra, kiểm toán tuy đã phát hiện được nhiều tiêu cực, tham nhũng gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước nhưng việc xử lý còn nhẹ, nặng về xử lý hành chính.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, một số vụ việc phát sinh ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tác động xấu trong dư luận xã hội, nhất là những vụ liên quan khiếu kiện đất đai và các vi phạm ở một vài tập đoàn kinh tế nhà nước mà Thanh tra Chính phủ công bố gần đây.

Báo cáo thẩm tra của QH điểm ra một số vụ việc: Tiên Lãng, Văn Giang, thủy điện Sông Tranh 2, thu phí bảo trì đường bộ, kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến tổng công ty Sông Đà, tập đoàn dầu khí Quốc gia, vấn đề tăng giá điện, xăng…

Riêng với vấn đề phí, Chủ nhiệm UB Kinh tế lưu ý, việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, không gây khó khăn thêm cho người người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.

Theo nghị trình, sáng 24/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách 2011 và những tháng đầu năm nay. Phiên thảo luận tại hội trường sẽ diễn ra cả ngày 7/6.

Thường xuyên tuần tra biên giới

Các ủy ban của QH lưu ý Chính phủ cần tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, chủ động ngăn ngừa và loại trừ những nguyên nhân có thể dẫn đến làm phức tạp tình hình.

Thường xuyên tuần tra biên giới, bầu trời và vùng biển kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ViệtNamNet