Y tế tư nhân khổ vì “phân biệt đối xử”

06:50 | 20/04/2015

694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù được coi là lực lượng góp phần giảm tải đóng góp không nhỏ vào hoạt động chữa trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thế nhưng y tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử bất công khi chịu nhiều bó buộc trên bước đường phát triển.

Năng lượng Mới số 414

Theo bác sĩ Phạm Thành Vận, Chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân Việt Nam, y tế tư nhân đang phải chịu khó khăn, bó buộc từ thủ tục hành chính trong xin phép thành lập bệnh viện cho đến hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao công nghệ của y tế công rồi cả Luật Bảo hiểm y tế hạn chế sự phát triển của hệ thống y tế này…

Y tế tư nhân khổ vì  “phân biệt đối xử”

Bệnh viện Vinmec, một trong những bệnh viện ngoài công lập tại Hà Nội

Cụ thể như ông Vũ Thế Hùng, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tràng An, Hà Nội phản ánh: “Năm 2009, chúng tôi xin nâng cấp từ phòng khám lên bệnh viện, riêng khâu hồ sơ đã làm hết 2 năm nhưng một vị cán bộ của bộ phận chức năng ở Bộ Y tế đã không phê duyệt. Mỗi lần đến trình hồ sơ lên vị này đều bảo chờ mà không có bất cứ lý do gì. Phải đến khi Trưởng phòng Quản lý y tế tư nhân, Sở Y tế Hà Nội phải đi cùng chúng tôi lên “khóc lóc” mới giải quyết được.

Tương tự, bác sĩ Phạm Thành Vận chia sẻ: “Các bệnh viện phòng khám tư nhân phải đối mặt với những khó dễ, rườm rà về mặt giấy tờ hành chính, tốn thời gian chờ đợi khá nhiều để giải quyết các vấn đề cần thiết. Chưa kể đến có tuần bệnh viện chúng tôi phải tiếp đến 7 đoàn thanh tra. Nhưng điều đáng nói là có những thanh tra không có chuyên môn, mặc dù là bác sĩ song cứ bắt chúng tôi phải trình an toàn bức xạ trong khi cộng hưởng từ chẩn đoán là nam châm vĩnh cửu và radio. Hay có ngày chúng tôi phải nhận đến 20 công văn với nhiều nội dung khác nhau. Chỉ ngồi đọc và hiểu số công văn đó thôi cũng đã đủ khiến người hành nghề tư nhân khốn đốn và còn thời gian đâu chữa trị cho bệnh nhân…”.

Bác sĩ Vận nói tiếp: “Y tế tư nhân đang bị chính các cơ quan quản lý hành!”.

Trước vấn đề này, ngay ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Trên thực tế, rất nhiều bệnh viện công đang nợ giấy phép nhưng vẫn được hoạt động, cụ thể như nhiều bệnh viện công chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Nhưng với bệnh viện tư phải có đủ các giấy phép theo quy định mới được hoạt động”.

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Hội Hành nghề y tế tư nhân Việt Nam mới đây, hầu hết lãnh đạo các bệnh viện y tế tư nhân đều cho rằng xã hội hóa y tế là một trong những chủ trương được Nhà nước ưu tiên. Tuy nhiên, thông qua những phiền phức trên đây cùng với nhiều nhiêu khê khác mà y tế tư nhân đang phải chịu cho thấy thực tế việc xã hội hóa này chỉ là hình thức.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quảng, phòng khám Lê Hữu Trác, Hà Nội dẫn chứng: “Y tế tư nhân có truyền thống từ xa xưa. Tại các quốc gia khác, lĩnh vực y tế tư nhận được ưu tiên phát triển và chiếm đại đa số các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam đang tập trung phát triển y tế công, việc đầu tư vừa tốn kém về ngân sách, công sức, trí tuệ nhưng thực tế rất đáng buồn. Chủ trương xã hội hóa y tế đã có nhiều năm nay song muốn xã hội hóa để cống hiến sức mình cho đất nước cũng không được”.

Đồng quan điểm, bác sĩ Vũ Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân Việt Nam nêu vấn đề, trong khi y tế tư nhân đang phải tự thân vận động về nguồn vốn, tự mua đất hoặc thuê đất xây dựng, dốc hết tài sản ra để đầu tư phòng khám, bệnh viện, trong khi bệnh viện Nhà nước được cấp đất, ở vị trí đắc địa vậy mà vẫn “bị hành”.

Vậy “Chủ trương xã hội hóa là như thế nào, thực tế đã triển khai ra sao? Đây là vấn đề cần làm rõ, không thể đánh đồng khái niệm để lấy thành tích, nỗ lực của cá nhân hay tập thể đạt được làm thành tựu của xã hội hóa lĩnh vực y tế”, ông Hùng khẳng khái.

Không chỉ trong khâu thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức xã hội hóa mà ngay cả Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế mới đây cũng được nhận định đang gây khó dễ cho y tế tư nhân, đặc biệt là trong việc thu hút bệnh nhân đến khám, chữa trị. Điển hình như luật quy định bắt buộc phải có lý lịch tư pháp khi yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi bác sĩ đã có đầy đủ văn bằng, lý lịch cá nhân thì yêu cầu này theo các bác sĩ đang hành nghề tại cơ sở y tế tư nhân hiện nay là không cần thiết.

Chưa kể đến thời gian làm lý lịch tư pháp phải mất vài tháng đến cả năm mới xong cho nên khoảng thời gian đó coi như là thời gian “chết” của các bác sĩ.

Bác sĩ Phạm Thành Vận kiến nghị: “Đề nghị bỏ lý lịch tư pháp vì chúng tôi không phải tội phạm, chưa quốc gia nào trên thế giới có điều luật lạ lùng như thế này”.

Cũng liên quan đến Luật Khám chữa bệnh, bác sĩ Vận cho rằng phải có quy định bổ sung về việc cấp chứng chỉ cho bác sĩ đã qua 18 tháng thực tập và đã học chuyên khoa 1 năm thuộc các chuyên khoa hiếm như: chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa, xét nghiệm, sinh học phân tử… để tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ làm việc. Chứ hiện nay quy định này đang bó buộc các bác sĩ chuyên khoa nói trên trong việc hành nghề.

Còn Luật Bảo hiểm y tế quy định, người có thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh trái tuyến tại các trạm y tế xã, phường và tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện khác, trong đó có phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế.

Điều đó có nghĩa là khi bệnh nhân bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh trái tuyến ở phòng khám tư nhân phải chi trả 100% chi phí. Như vậy, theo các bác sĩ thuộc hệ thống y tế ngoài công lập đây chính là nguyên nhân làm cho các phòng khám tư không thể thu hút bệnh nhân, dù họ muốn lựa chọn nơi đây vì dịch vụ tốt, chất lượng khám chữa bệnh cao.

Mặt khác, luật này còn quy định việc chi trả bảo hiểm y tế phải phân theo xếp hạng bệnh viện chứ không dựa theo chất lượng dịch vụ đã làm cho y tế tư nhân không thiết tha đầu tư chất lượng dịch vụ, kỹ thuật cao vì thu sẽ không đủ bù chi trong trường hợp đầu tư như vậy. Mà nếu vậy thì rõ ràng xã hội hóa y tế theo chủ trương của Nhà nước không đạt hiệu quả cao.

Một bác sĩ đã đề xuất: “Phải tạo công bằng giữa khối y tế tư nhân và y tế công lập trong việc cùng tham gia khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế bằng cách bỏ quyền được phân thẻ bảo hiểm y tế hằng năm và để nhân dân tự chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu theo đúng Luật Bảo hiểm y tế…”.

Trước các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải thừa nhận: “Có cái gì đó chưa thực sự công bằng giữa y tế tư nhân và Nhà nước. Chúng tôi sẽ xem xét và điều chỉnh”.

 Tuy nhiên, trước mắt theo Bộ trưởng, các giải pháp đưa ra tháo gỡ khó khăn cho khối y tế tư nhân sẽ là đề nghị các Sở Y tế đơn giản hóa thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời ban hành chính sách để bệnh viện tư nhân tham gia vào hệ thống bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh và tham gia vào đề án chuyển giao chuyên môn kỹ thuật (Đề án 1816).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu để có thông tư hướng dẫn cho cả y tế Nhà nước và y tế tư nhân trong việc giải quyết các trường hợp tai biến y khoa nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh và bảo vệ y, bác sĩ trong quá trình hành nghề. Bộ cũng đã yêu cầu các sở y tế và cấp thẩm quyền liên quan hoàn tất việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người đủ điều kiện từ nay đến hết ngày 31-12-2015.

Tú Anh