Xuất khẩu nông - thủy sản: Cách nào để bền vững?
Thu hoạch dưa hấu ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Nông sản sụt giảm
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tháng 5 ước đạt 1,8 tỉ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ là sắn và các sản phẩm từ sắn ước tăng 47,5%, nhân điều tăng 25,6%, rau quả tăng 17,8%; các mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ là thủy sản ước đạt 2,44 tỉ USD, giảm 16,1%; cà phê ước đạt 1,2 tỉ USD, giảm 38,2%; gạo ước đạt 1,1 tỉ USD, giảm 10,7% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%.
Cũng theo Bộ Công Thương, sự sụt giảm của nhóm hàng nông - thủy sản cùng với một số mặt hàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vào Trung Quốc như dưa hấu, thanh long, hành tím, vải... gặp khó khăn đã khiến cán cân thương mại 5 tháng thâm hụt hàng tỉ USD.
Như vậy kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã không như kỳ vọng và liệu nó có khó khăn hơn trong thời gian tới nữa hay không vẫn là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, đánh giá chung về tình hình xuất khẩu những tháng gần đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã có những chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng dù không cao, thị trường được mở rộng theo phương châm đa dạng, đa phương hóa; cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có nhiều thay đổi theo hướng có trọng tâm ít bị phụ thuộc.
Trong số 14 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD trong tháng 4-2015 thì có 9 thị trường ở châu Á, 3 ở châu Âu và ở Mỹ, Úc. Kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng tại 14 thị trường này đạt gần 35,2 tỉ USD, chiếm tới 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (8,6% so với 6,9%). Trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu vào một số thị trường còn cao hơn, như Hongkong (tăng 43,4%), Hà Lan (28,9%), Hàn Quốc (21,4%), Indonesia (19,5%), Hoa Kỳ (15,7%), Đức (14,8%), Anh (11,3%), UAE (10,5%).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, dù đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng vẫn trong thời gian qua đã nổi lên một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể tăng trưởng các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ; việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn; nhập siêu có xu hướng tăng; tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nhất là tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nông nghiệp của doanh nghiệp và nhân dân.
Doanh nghiệp cần chủ động
Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận rằng, mặc dù chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm qua chế biến bắt đầu gia tăng. Tuy vậy, xét về tổng thể, năng lực cạnh tranh của nhóm mặt hàng chủ lực “thuần Việt” vẫn chưa được cải thiện nhiều. Cụ thể, chất lượng một số sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng và đồng đều… trong khi đó doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt từ các nước có cùng chủng loại sản phẩm ở các quốc gia khác. Thêm vào đó, các quốc gia nhập khẩu tiếp tục đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là nhóm hàng có nguồn gốc thực phẩm (bằng chứng là có nhiều lời cảnh báo, thậm chí đã có lô hàng trả về)...
Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do chúng ta chưa có một chiến lược bền vững trong nông nghiệp. Việc nuôi trồng, đánh bắt, thu hoạch, sản xuất hiện nay được thực hiện một cách phân tán, tự phát với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí phá vỡ quy hoạch, dẫn đến việc khó có thể kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, khâu quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến, xử lý sau thu hoạch cũng chưa thực sự được chú trọng trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của sản phẩm xuất khẩu.
Để thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản mang tính bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần khắc phục các yếu điểm trên. Nhưng quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cần chủ động tích cực vào cuộc bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước; đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nhưng cần chú trọng đến thị trường nội địa, nghĩa là phải đi bằng cả hai chân.
Đối với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án, tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung cầu để kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối nhằm quản lý theo chuỗi hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng cường xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mới như châu Phi... Tận dụng các hiệp định thương mại song phương đã và sẽ được ký kết để xuất khẩu hàng hóa.
Với thị trường nội địa, doanh nghiệp cần tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sản phẩm dịch vụ và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng của hơn 90 triệu người Việt Nam, khơi dậy sự tin tưởng, ủng hộ và ưu tiên mua sắm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.
Về phía Bộ Công Thương, đã và đang tiếp tục duy trì các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kiểm soát nhập khẩu hiệu quả, đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu năm 2015. Đồng thời, thành lập đoàn công tác làm việc với phía Trung Quốc về thương mại gạo, nông sản, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thay thế Hiệp định về “mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” ký năm 1998 và các nội dung có liên quan. Chủ trì cùng các đơn vị liên quan và tỉnh Lạng Sơn để xây dựng khu trung chuyển tập kết hàng nông sản, rau quả... phục vụ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực nông - thủy sản, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về giải pháp sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu nông sản; xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Vũ Sơn
(Năng lượng Mới)
-
Tin tức kinh tế ngày 7/5: Trung Quốc vượt Mỹ dẫn đầu về nhập thủy sản Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 2/4: Tín dụng bật tăng ngay từ đầu năm
-
Tin tức kinh tế ngày 16/3: Cổ phiếu BĐS khu công nghiệp tăng tốc mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 18/2: Hoa Kỳ tăng nhập khẩu chè từ Việt Nam
-
Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh thuế quan mới của Hoa Kỳ
-
Goldman Sachs: Tổng thống Trump muốn giá dầu ở ngưỡng 40-50 USD
-
SelectUSA Investment Summit 2025: Bước tiến chiến lược trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ
-
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững
-
Hàng loạt các thỏa thuận năng lượng giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út
-
Vén màn mạng lưới bí ẩn đưa dầu Iran sang Trung Quốc, Mỹ bất ngờ ra tay