Xét tuyển NV2: Điểm chuẩn cao ngất

09:58 | 16/09/2013

752 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết thúc đợt xét tuyển đợt 1, nhiều trường ĐH công bố điểm chuẩn NV2 cao hơn điểm chuẩn NV1.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau ngày 10/9 các trường ĐH, CĐ phải công bố mức điểm chuẩn NV2 và thí sinh trúng tuyển. Trường còn thiếu chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển NV3 đến ngày 31/10. Điểm xét tuyển nguyện vọng sau của trường không được thấp hơn nguyện vọng trước.

Điểm NV2 cao hơn NV1 5,5 điểm

Trường ĐH Xây dựng công bố một số ngành có mức điểm chuẩn NV 2 tăng từ 3 - 5,5 điểm so với NV1. Ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn cao nhất 25,50 điểm, tăng 5,50 điểm so mức điểm chuẩn NV1; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 24,25 tăng 5,25; Cấp thoát nước 21,50 điểm, tăng 4,50 điểm.

Trường ĐH Điện lực Hà Nội cũng có mức điểm chuẩn NV2 tăng từ 2-3 điểm. Điểm NV2 trường công bố, khối A đối với ngành Hệ thống điện cao nhất 23,5 điểm, tăng 2,5 điểm so với điểm chuẩn NV1; Điện công nghiệp và dân dụng 21 điểm, tăng 1 điểm. Ngành Điện lạnh có mức điểm chuẩn thấp nhất, 19 điểm cũng bằng với mức điểm chuẩn NV1.

Điểm chuẩn NV2 của một số trường tăng mạnh.

Tiếp đó, Trường ĐH Lao động Xã hội công bố điểm chuẩn NV2 tăng 3-4 điểm so mức điểm NV1. Khối A, ngành Kế toán, Quản trị nhân lực có mức điểm cao nhất 19,5 điểm, tăng 5,5 điểm so với điểm chuẩn NV1; ngành Bảo hiểm có điểm 18,5 điểm, tăng 4,5 điểm.

Ở các trường khối C, mức điểm trúng tuyển cũng tăng khá mạnh. ĐH Công đoàn tuyển 80 chỉ tiêu cho ngành xã hội học với mức điểm 15 điểm cho cả hai khối C và D. Tuy nhiên, điểm chuẩn xét tuyển là 20 điểm với khối C và 17,5 điểm với khối D.

Trong khi việc xét tuyển ở các trường công khá "thuận buồm xuôi gió" thì tại các trường tư, tình hình khá ảm đạm. Công bố điểm chuẩn xét tuyển chỉ bằng điểm sàn nhưng nhiều trường vẫn không đủ chỉ tiêu.

Như vậy, các trường "khát" sinh viên vẫn còn cơ hội ở hai đợt xét tuyển tiếp theo, nhất là khi tính cạnh tranh ở các đợt này sẽ giảm do nhiều trường công đã tuyển đủ chỉ tiêu và không tham gia.

Nơi dư, nơi “khát” hồ sơ

Nhiều lãnh đạo trường đại học nhận định kỳ thi năm 2013 đề thi ở mức cơ bản, nhiều thí sinh đạt điểm thi cao, do đó điểm đầu vào ở các trường cũng tăng cao so với năm 2012.

Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Điện lực cho biết, chỉ tiêu NV2 gần 300 thí sinh trong khi đó lượng hồ sơ nhận được là 1.200 hồ sơ. Như vậy, số hồ sơ dư là gần 1.000 hồ sơ.

Theo ông Hiền, chỉ tiêu nguyện vọng 2 trường lấy khoảng 250 thí sinh nhưng trường vẫn gửi giấy báo cho 300 thí sinh để sau đó loại đi một số hồ sơ ảo. Trường không xét tuyển nguyện vọng 3 do đủ chỉ tiêu.

“Điểm chuẩn một số ngành cao tới 23,5 điểm cũng một phần do trường muốn lấy thí sinh có điểm cao nộp hồ sơ vào học tại trường để đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao chất lượng đầu ra”, ông Hiền nói.

Các trường ĐH top trên không tuyển thêm NV3 vì đã đủ chỉ tiêu.

Ông Phạm Xuân Anh, Trưởng phòng đào tạo ĐH Xây dựng cho hay, trường xét tuyển 760 chỉ tiêu nguyện vọng 2. Tuy nhiên, kết thúc đợt xét tuyển NV1 trường nhận được gần 5.500 đơn xét tuyển, trong đó phần lớn thí sinh đạt tổng điểm 3 môn trên 20 điểm. Cũng do vậy, mà điểm chuẩn NV2 một số ngành được đẩy lên cao từ 3-5 điểm so với mức điểm chuẩn NV1.

Trái ngược với các trường “hot”, năm nay trường ngoài công lập và trường ĐH vùng (địa phương) đang thông báo xét tuyển nhiều chỉ tiêu ở NV3. Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết: NV2 năm nay đăng ký vào trường cũng lớn. Tỷ lệ đăng ký cao và điểm xét tuyển NV2 nhiều ngành rất cao. Đặc biệt, ngành Sư phạm phải tăng lên từ 3 đến 4 điểm so với điểm chuẩn trước đây.

Tuy nhiên, các khối ngành nông nghiệp, kỹ thuật rất ít thí sinh nên trường ĐH Thái Nguyên đã thông báo tiếp tục xét tuyển NV3 với gần 3.500 chỉ tiêu, trong đó có 1.200 chỉ tiêu hệ CĐ nhưng rất ít thí sinh đến đăng ký. 

Hiện nay, NV3 hầu hết là những ngành khó tuyển, ví dụ như là ngành nuôi trồng thủy sản, công nghệ rau quả, cảnh quan, ngành nông nghiệp, ngành kỹ thuật công nghệ thông tin…

Nguyên nhân của tình trạng khó tuyển là do điều kiện để liên thông mới của Bộ GD-ĐT. Trong đó yêu cầu thí sinh muốn liên thông phải có quá trình công tác, hoặc phải tham gia thi ĐH nên đòi hỏi các em phải đầu tư ôn thi thì có khó khăn hơn cho nên số lượng đăng ký vào CĐ năm nay thấp hơn năm ngoái.

Qua việc xét tuyển NV2 cho thấy, vẫn còn phổ biến tình trạng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường chưa cập nhập hết thông tin dẫn đến nghịch lý trường thừa, thiếu thí sinh. Đây là kinh nghiệm cần được lưu ý đối với những thí sinh và người nhà thí sinh trong đợt xét tuyển NV3 tới đây.

Khánh An