World Cup 2014: Khi bóng đá nhuốm màu chính trị (Bài cuối)

06:40 | 24/06/2014

1,316 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xung đột sắc tộc, tôn giáo… có thể dẫn đến chiến tranh nhưng vác súng bắn nhau vì quả bóng thì ít khi xảy ra. Màu sắc chính trị trên quả bóng còn thể hiện ở nhiều yếu tố khác, khi quả bóng biến thành công cụ cho chính trị…

Năng lượng Mới số 331

>> World Cup 2014: Khi bóng đá nhuốm màu chính trị (Bài 1)

Bài cuối:  “La guerra del fútbol” (Chiến tranh Bóng đá)

Chiến tranh bóng đá

Sự kiện “La guerra del footbal” (Chiến tranh bóng đá) xảy ra giữa El Salvador và Honduras năm 1969 là một trường hợp điển hình. Thập niên 60 của thế kỷ trước, bang giao El Salvador và Honduras bắt đầu căng thẳng, khi Honduras thực hiện luật đất đai mới cho phép chính phủ lấy lại những miếng đất vốn bị người nhập cư El Salvador chiếm trái phép. Cùng luật đất đai điều chỉnh, Honduras cũng thắt chặt luật nhập cư nhằm hạn chế làn sóng di dân từ El Salvador. Vòng tranh bán kết khu vực để giành vé vào vòng chung kết World Cup 1970 giữa hai nước đã trở thành ngòi lửa cuối cùng làm nổ thùng thuốc súng giữa hai bên.

Trận thứ nhất tổ chức tại Tegucigalpa (thủ đô Honduras) - Honduras thắng; trận thứ hai tại San Salvador (thủ đô El Salvador) - El Salvador hạ đối phương. Báo chí Honduras tức giận tường thuật loạt tấn công và đốt xe nhằm vào người Honduras tại El Salvador trong sự kiện mừng chiến thắng trên. Cùng lúc, báo chí El Salvador cũng làm đậm các vụ tấn công “man rợ” đối với thành phần nhập cư nước họ gây ra bởi dân và lực lượng an ninh Honduras. Ngày 26/6/1969 (một ngày trước khi đội tuyển hai nước gặp nhau trong trận đọ sức cuối cùng ở Mexico với kết quả El Salvador thắng 3-2), El Salvador cắt đứt mọi quan hệ với Honduras.

Bóng đá là công cụ chính trị có sức ảnh hưởng mạnh tại Iran

Tiếp đó, chiều 14/7/1969, không quân El Salvador bắt đầu chiến dịch thả bom xuống nhiều địa điểm Honduras; và chiều hôm sau, lính bộ binh của El Salvador kéo vào đánh chiếm nhiều thành phố… Honduras phản công bằng chiến dịch quân sự tương tự (kém thế hơn, họ được nhà độc tài Nicaragua Anastasio Somoza Debayle hỗ trợ súng ống đạn dược). Một ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, Tổ chức các nước châu Âu - Mỹ (OAS) họp khẩn, kêu gọi hai nước ngừng bắn.

Trù trừ rút quân, El Salvador yêu cầu Honduras bồi thường thiệt hại từ các vụ tấn công thường dân El Salvador cũng như đảm bảo an toàn cho những người El Salvador định cư ở nước này. Cuối cùng, thỏa thuận ngừng bắn được dàn xếp vào đêm 18/7, có hiệu lực ngày 20/7/1969 (đến 2/8/1969 El Salvador mới chịu rút quân khỏi các vùng chiếm đóng ở Honduras). Cuộc chiến 100 tiếng đồng hồ kết thúc với hậu quả để lại là quan hệ không bao giờ êm đẹp giữa hai nước đến nay…

Xin nhắc lại, cũng tại World Cup 1998 ở Pháp, cảnh sát châu Âu đã phá vỡ âm mưu khủng bố của một nhóm Hồi giáo. Kế hoạch khủng bố được tiết lộ khi 7 tên người Algeria bị bắt ở Bỉ vào ngày 3/3/1998. Ngày 26/5, hàng chục ngôi nhà tình nghi bị khám xét và gần 100 người bị bắt. Cuộc tấn công dự kiến xảy ra vào ngày 15/6/1998, khi Đội tuyển Anh gặp Tunisia tại Marseilles; sau khi tấn công đội Anh, nhóm khủng bố xông vào khách sạn và “cắt cổ bọn Mỹ”. Nhiều tên khủng bố bị bắt khai rằng chúng thuộc nhóm Al-Qeada...

Bóng đá trở thành công cụ chính trị ở Trung Đông

Năm 1997, khi tuyển Iran hạ Úc để lọt vào vòng chung kết World Cup 1998, hàng ngàn phụ nữ Iran đã phấn khích ào xuống sân bóng. Vài người trong số họ còn lột cả khăn choàng mặt. Tại khắp góc phố, người ta nhảy múa và thậm chí ôm hôn nhau, bất chấp luật Hồi giáo nghiêm khắc cấm đoán. Sự phấn khích lại lên cao trào khi tuyển Iran đánh bại tuyển Mỹ 2-1 tại World Cup 1998... Khi Iran tỏ ra có cơ hội lọt vào vòng chung kết World Cup 2002, những tiệc mừng ngoài đường phố lại bùng lên.

Ban đầu, không khí chỉ mang màu sắc bóng đá nhưng sau đó “đổi màu” sang chính trị. Tại vài thị trấn, người ta tấn công các ngân hàng nhà nước và trụ sở chính quyền. Họ kêu to: “Tử hình bọn đại giáo sĩ!” và bày tỏ ủng hộ sự trở lại của gia đình cựu hoàng Shah (bị lật đổ từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979). Hàng ngàn người đã bị bắt. Cuối cùng, khi Đội tuyển Quốc gia Iran bị loại khỏi World Cup, người ta cho rằng Chính phủ Tehran đã… ép đội nhà phải thua để tránh hỗn loạn!

Một trong những trớ trêu cho chính trường Iran là mùa bầu cử tổng thống vào tháng 6 mỗi 4 năm lại trùng với vòng chung kết bóng đá thế giới. Người ta vẫn còn nhớ sự kiện xảy ra ngày 17/6/2009 khi Đội tuyển Quốc gia Iran đá với Hàn Quốc tại Seoul để tranh vé vào World Cup 2010 tổ chức ở Nam Phi. Tỉ số hòa 1-1 đã không đủ “vốn” cho Iran đến Nam Phi. Thế là dân tình xúm vào chỉ trích Tổng thống vừa tái đắc cử Mahmoud Ahmadinejad.

Đêm đó, gần 70.000 cổ động viên tại Sân vận động Seoul, hàng trăm phóng viên báo chí và hàng triệu khán giả truyền hình thế giới đã chứng kiến cảnh 6 cầu thủ Đội tuyển Quốc gia Iran xuất hiện trên sân bóng Seoul với dải lụa xanh - dấu hiệu ủng hộ Mir Hussein Moussavi, ứng cử viên tổng thống vừa thất bại trước Ahmadinejad. Theo New York Times (12/6/2013), chỉ vài giờ sau trận cầu Iran - Hàn Quốc ở Seoul, hàng đoàn người biểu tình tại Tehran đã tràn ra đường với ảnh 6 cầu thủ trên.

Từ khi đắc cử tổng thống năm 2005, Ahmadinejad liên tục đến thăm đội tuyển quốc gia. Đích thân ông can thiệp việc chọn huấn luyện viên đội tuyển quốc gia cũng như cầu thủ. Trong trận đấu bảng vào World Cup 2010 tổ chức tại Bắc Hàn ngày 6/6/2009, Ahmadinejad đã cho đội tuyển quốc gia sử dụng chuyên cơ tổng thống để đội tuyển có thể trở về nhanh nhằm chuẩn bị cho trận kế tiếp với Tiểu vương quốc Arập thống nhất diễn ra 4 ngày sau...

Với một quốc gia mà bóng đá có thể ảnh hưởng chính trị mạnh như Iran, tiếng nói của các cầu thủ nổi tiếng luôn có sự lôi kéo nhất định. Năm 2004, cầu thủ huyền thoại Iran Nasser Hejazi ra tranh cử tổng thống (mùa 2005) nhưng bị khước từ với lý do thiếu kinh nghiệm hoạt động chính trị. Trong mùa bầu cử 2009, Hejazi ủng hộ Mir Hussein Moussavi. Sự kiện tưởng niệm cái chết của ông vào tháng 5/2011 đã biến thành cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ. Năm nay, Ahmadinejad không còn ngồi ở ghế tổng thống để lo sợ dân biểu tình. Hơn nữa, Đội tuyển Iran cũng lọt được vào vòng chung kết World Cup 2014.

Tại Ai Cập, bà Saha al-Hawari đang đòi quyền bình đẳng nam nữ trong bóng đá

Tương tự Iran, bóng đá và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ tại các nước Trung Đông khác. Ở Ai Cập, hai đội bóng từng có sức ảnh hưởng mạnh là Al-Ahly và Zamalek. Al-Ahly là nơi khai sinh phong trào sinh viên cách mạng và bản thân Tổng thống Gamal Abdul Nasser cũng từng làm thủ lĩnh câu lạc bộ này. Trong khi đó, Zamalek lại thuộc phe bảo hoàng. Các tổ chức thánh chiến Hồi giáo quá khích và thủ lĩnh tinh thần tại Trung Đông đã khôn khéo sử dụng bóng đá làm công cụ chính trị. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tại Ai Cập từng tính thành lập một câu lạc bộ bóng đá riêng vào năm 2011, tương tự câu lạc bộ bóng đá của Hezbollah tại Lebanon.

Trong khi đó, nhóm Al-Shabab tại Somalia lại hành quyết những ai xem bóng đá! Cũng tại Ai Cập, Saha al-Hawari, con gái một trọng tài, đã cùng Hoàng tử Jordan, Ali, thực hiện chiến dịch đòi “nữ quyền” trong bóng đá. Họ yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Tây Á tuyên bố phụ nữ có quyền theo đuổi bóng đá như một nghề chuyên nghiệp. Cần nhấn mạnh, trong làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, các tổ chức người hâm mộ bóng đá có một vai trò rất mạnh.

Bóng đá và thời sự

Khi viết thư cho FIFA vào tháng 3/2014, đề nghị cấm Nga dự vòng chung kết World Cup 2014, đồng thời tước quyền đăng cai World Cup 2018 của nước này, hai thượng nghị sĩ Mỹ Mark Kirk và Mark Coats cáo buộc Nga “không tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của FIFA cũng như luật quốc tế”. Lá thư dẫn lại Điều 3 Luật FIFA trong đó nói rằng “sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào chống lại một nước, cá nhân hay tổ chức liên quan đến nguồn gốc sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay bất cứ lý do nào khác đều bị cấm tuyệt đối và có thể bị trừng phạt bằng án treo hoặc trục xuất”. Lá thư viện dẫn trường hợp Nam Tư bị cấm tham gia vòng chung kết vô địch châu Âu năm 1992 và World Cup 1994.

FIFA không trả lời, tuy nhiên, phía Nga phản ứng bằng cách gửi lá thư đề ngày 11/3/2014, cũng viện dẫn Điều 3 Luật FIFA, nói rằng sự gây hấn của Mỹ nhằm vào các nước có chủ quyền, đặc biệt Nam Tư, Iraq, Libya và Syria, đã khiến họ đáng bị trừng phạt và không thể tham dự World Cup (năm nay Mỹ có mặt). “Đừng cho phép Mỹ có mặt tại vòng chung kết World Cup 2014. Chấm dứt tư cách thành viên FIFA của họ ngay!” - Aleksandr Sidyakin, thành viên đảng Thống nhất Nga, một trong những người ký tên trong lá thư gửi từ Nga…

Mạnh Kim