Vụ trụ điện “bê tông trộn đất”: Nếu không sai sao phải sợ?
![]() |
Anh Vũ Ngọc Hồi - người đứng ra tố cáo việc dùng "bê tông trộn đất" làm trụ điện trên công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định. |
Vụ việc trụ điện “bê tông trộn đất” trên công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định đang khiến dư luận xã hội cũng như các cơ quan quản lý rất bất bình. Một công trình trọng điểm quốc gia, một dự án được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, là một cấu phần nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – nền tảng phát triển của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ - lại bị tố cáo là bị rút ruột, có dấu hiệu tham nhũng.
Và điều đáng nói ở đây, người tố cáo là anh Vũ Ngọc Hồi đã lên tiếng khẳng định những nội dung tố cáo về sai phạm tại công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định, đoạn do Công ty cổ phần Sông Đà 11 thi công là đúng, là “100% sự thật” và sẵn sàng bỏ tiền túi để làm rõ trắng – đen, nếu sai thì sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng ở chiều hướng khác, phía Công ty cổ phần Sông Đà 11 – người bị tố cáo là có sai phạm – lại có những hành động hết sức khó hiểu. Đó là việc tự ý đưa máy móc vào đào bới khu vực trụ móng bị tố cáo là có rút ruột, dùng “bê tông trộn đất” để đổ trụ điện. Đó là việc phía Công ty cổ phần Sông Đà 11 lên tiếng cho rằng người tố cáo là anh Vũ Ngọc Hồi có khả năng vì mâu thuẫn cá nhân nên đã dàn dựng clip vụ trụ điện “bê tông trộn đất”.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 24/5, khi được “mục sở thị” một số hình ảnh về quá trình thi công công trình bị tố cáo sai phạm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tỏ ra vô cùng bất ngờ và khẳng định nếu những hình ảnh đó là thật thì việc làm của đơn vị cấp dưới là “không thể chấp nhận được”.
Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 11.7 – đơn vị trực tiếp thi công phần công trình bị tố cáo là dùng “bê tông trộn đất” – Đỗ Quang Cường tại buổi làm việc trên cũng nhấn mạnh rằng lương tâm nghề nghiệp không bao giờ cho phép những người làm công tác xây dựng đổ đất xuống hố móng.
Và sau khi khẳng định như vậy, cả 2 vị lãnh đạo này đều cam kết sẽ cho kiểm tra ngay và làm rõ những phản ánh tiêu cực tại công trình công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định.
![]() |
Công ty cổ phần Sông Đà 11 tự kiểm tra trụ móng bị tố cáo có sai phạm. |
Khẳng định là vậy, cam kết là vậy nhưng rồi ông Tuấn cũng đặt vấn đề là không loại trừ khả năng có sự dàn dựng. Cái lý của ông Tuấn là “ban đầu anh đứng lên tố cáo được thuê máy trộn bêtông nhưng anh này ép giá nên anh em không thuê nữa thì có thể lúc đấy anh ta không hài lòng. Không dám khẳng định nhưng rất có thể động cơ cũng vì kinh tế do không được tiếp tục thuê nên anh này hậm hực.
“Tôi khẳng định là không bao giờ công ty tôi tổ chức hoặc làm được việc như thế. Chưa bao giờ làm cái này và có thể hình ảnh là do dàn dựng. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng đào tung lên để kiểm tra, thẩm định...” – ông Tuấn nói.
Phản ứng và cách đặt vấn đề của lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 11 là có thể hiểu được. Nhưng khi những vấn đề đáng nhẽ phải công khai, phải minh bạch để có thể chứng minh sự trong sạch của mình thì phía Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã không thực hiện. Công ty đã tự ý đưa máy móc vào đào bới phần công trình bị tố sai phạm với cái lý là để kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình kiểm tra, kiểm định này, Công ty cổ phần Sông Đà 11 lại “tự biên, tự diễn”, không hề có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Công ty cổ phần Sông Đà 11 lại có những hành động khó hiểu như vậy? Họ - những người hiện đang là trung tâm của vụ việc – đáng nhẽ phải hiểu hơn ai hết rằng, vào lúc này, mọi sự công khai, minh bạch sẽ chứng minh cho khẳng định “lương tâm nghề nghiệp không bao giờ cho phép những người làm công tác xây dựng đổ đất xuống hố móng”. Họ cũng phải hiểu hơn ai hết rằng, việc các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc làm rõ trắng – đen sẽ có ý nghĩa, giá trị hơn gấp ngàn, gấp vạn lần những lời khẳng định hay hết kết luận của họ.
Có thể thấy, chỉ với chừng đấy chi tiết dù có không muốn thì người ta vẫn cứ phải tin rằng việc thi công trụ móng cột điện trên công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định của Công ty cổ phần Sông Đà 11 có vấn đề. Bởi nếu không có vấn đề thì tại sao Sông Đà 11 không đường đường chính chính mời cơ quan chức năng có thẩm quyền vào kiểm định khi mà chi phí cho việc này, người tố cáo đã khẳng định sẵn sàng bỏ tiền túi để thuê cơ quan chức năng kiểm định và sẽ chịu hoàn toàn trước trách nhiệm trước pháp luật.
Nếu làm như vậy, rõ ràng, Sông Đà 11 vì thế sẽ có rất nhiều cái lợi trong vụ trụ điện “bê tông trộn đất”. Cái lợi đó trước hết là không phải bỏ chi phí mà vẫn chứng minh được sự trong sạch của mình. Và thứ nữa, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp chắc chắn được khẳng định, củng cố và nâng cao khi vấn đề thi công các công trình điện thời gian gần đây đang bị đặt nhiều dấu hỏi.
Được nhiều cái lợi như vậy mà Sông Đà 11 không làm thì rõ là người ta nghi vấn, đặt dấu hỏi là phải vì nếu “không sai thì sao phải sợ”?
![]() | Vụ trụ điện “bê tông trộn đất”: Người tố cáo nói gì trước cáo buộc trả thù? |
Bất thường vụ trụ điện "bê tông trộn đất" | |
![]() | “Trụ móng làm bằng bê tông trộn... đất”: EVNNPT nói gì? |
Thanh Ngọc
-
4 tháng đầu năm, tiêu thụ xăng dầu tăng gần 6%
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm
-
Vì sao sản lượng của OPEC+ giảm mặc dù đã cam kết tăng sản lượng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm