Vũ khí viba

07:02 | 23/12/2013

5,003 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thành phố thanh bình bỗng dưng xuất hiện từ đâu đợt sóng hỗn loạn quét sạch mọi thứ trong một mili giây. Không điện thoại, không máy tính, không điện chiếu sáng, không còn gì. Không ai chết nhưng thành phố bị san thành bình địa. Không cục gạch vỡ và không giọt máu rơi nhưng vạn vật dường như bất động… Nguyên nhân là một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm mà các nhà khoa học đang đề cập đến ngày càng nhiều.

Năng lượng Mới số 284

Vũ khí viba là gì?

“E-bomb” không phải bom điện tử ám chỉ đến những đợt tấn công bằng virus máy tính mà thứ vũ khí tuyệt đỉnh trong lịch sử quân sự này được gọi là bom điện trường (electromagnetic bomb, hay e-bomb). Để chế được loại bom trên, không cần đầu tư hàng triệu USD hay cần một bộ não kỳ quái cỡ Albert Einstein mà chỉ cần tạo ra một đợt sóng viba siêu mạnh. Hậu quả: Mọi thứ hoạt động bằng điện sẽ bị tê liệt, nhanh chóng và tác hại đem lại thật khôn lường. Nguy cơ e-bomb không phải mới nhưng nhiều năm qua người ta từng cố lảng tránh đề cập đến. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà khoa học đứng ra cảnh báo mối nguy e-bomb.

Tên lửa viba CHAMP của Boeing

Trong cuộc chiến chống Nam Tư của NATO, Mỹ đã âm thầm dùng e-bomb để phá hỏng hệ thống radar Nam Tư. Bí mật của e-bomb chỉ nằm ở chỗ tạo ra những xung điện cực mạnh, truyền xuống một ăngten để tạo ra một đợt sóng điện trường có dãy rộng nhiều tần số. Dãy tần số càng rộng thì nguy cơ các thiết bị điện bị hấp thu càng cao. Khi hấp thu luồng điện trường này, thiết bị điện sẽ bốc cháy thành đồ phế liệu trong tích tắc. Chẳng hạn, nếu một dây cáp máy tính bị nhiễm, máy tính sẽ bị nướng khô! Để tạo ra sóng viba tần số cao, người ta cần xung điện biến thiên cực nhanh, trong khoảng 100 pico giây (tức bằng 1/10 tỉ của một giây). Một trong những cách thực hiện điều này là dùng máy phát điện đặc biệt. Các máy phát điện loại này hiện đang được thử nghiệm cho không lực Mỹ do nhà sản xuất Applied Physical Sciences (APS) tiến hành. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, APS từ chối không tiết lộ chi tiết, nhưng Jon Mayes thuộc APS cho biết mục tiêu của họ là gắn loại máy phát điện có tên Marx lên máy bay không người lái hoặc thậm chí tên lửa để tạo ra một “bãi mìn” vô hình khổng lồ trên không trung mà bất cứ máy bay hay tên lửa nào của phe đối phương lọt vào đều bị phá hỏng.

Phương pháp thứ hai là tạo ra một quả bom điện trường, được chế tạo bằng ống tuýp kim loại có dây kích nổ ở một đầu. Ống tuýp này sau đó được luồn vào một ống xylanh mà mặt vách trong có lót dây điện cuộn tròn suốt chiều dài ống. Ở đầu cuối của xylanh, có một ăngten. Cuối cùng, dòng điện được đưa vào cuộn dây đồng trong thành xylanh để tạo ra điện trường. Để bom hoạt động, người ta kích ngòi nổ của ống tuýp, tạo ra một nguồn năng lượng chạy dọc ống tuýp với vận tốc kinh khủng 6.000m/giây. Kết quả là phần cuối của ống tuýp bị nổ tung, thoát ra một luồng lửa, đồng thời tạo ra luồng điện trường cực mạnh. Khi luồng lửa bốc cháy ở một đầu xylanh, điện trường bị ép mỗi lúc mỗi nhỏ và cuối cùng tạo ra một xung điện ampere cực lớn với vận tốc 500 pico giây. Lúc toàn bộ xylanh bị cháy, xung điện tràn vào ăngten và thoát ra ngoài. Toàn bộ quá trình trên chỉ diễn ra chưa đến 1/10 mili giây nhưng xịt ra một terawatt điện có sức phá hủy kinh khủng. Thiết bị này đủ gọn để cầm tay - theo Ivor Smith, kỹ sư điện thuộc Đại học Loughborough, người từng bỏ nhiều năm nghiên cứu đề tài.

Quân đội Mỹ đang đầu tư khá mạnh vào vũ khí viba. Tháng 9/2013, Phòng Thí nghiệm năng lượng điều khiển thuộc không quân đã thực hiện cuộc thử nghiệm thành công tại căn cứ Kirtland (New Mexico) với hệ thống vũ khí của Boeing gọi là CHAMP (Counter-electronics High-powered Microwave Advanced Missile Project). Trong thử nghiệm, quả tên lửa viba CHAMP đã phá hủy toàn bộ hệ thống điện tử và xóa sạch toàn bộ dữ liệu tại địa điểm mục tiêu. Trước đó, trong cuộc thử nghiệm ngày 16/10/2012, một tên lửa CHAMP đã bay qua lộ trình được cài đặt sẵn (kéo dài một giờ) ngang sa mạc Utah và nó cũng “nướng” trụi toàn bộ hệ thống điện tử - dữ liệu của 7 mục tiêu khác nhau. Trong một tòa nhà nằm trên lộ trình của CHAMP, toàn bộ màn hình máy tính đang hoạt động bỗng tối đen. Keith Coleman, quản lý dự án của Boeing Phantom Works, nói: “Kỹ thuật này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của chiến tranh hiện đại. Trong tương lai gần, nó có thể được dùng để biến hệ thống dữ liệu và điện tử đối phương thành vô dụng thậm chí trước khi những toán quân hoặc máy bay đầu tiên (của Mỹ) xuất hiện”. Dự kiến, tên lửa viba sẽ được gắn trên UAV hoặc F-35 khi tác chiến.

Mối nguy vũ khí viba

Không đổ máu, không làm sụp một căn nhà nhưng tác hại của e-bomb thì ai cũng có thể tưởng tượng được, khi thế giới đang lệ thuộc gần như 100% vào điện năng. Hơn nữa, việc dùng e-bomb cũng an toàn cho quân đội Mỹ vì sóng viba có thể truyền dễ dàng trong khí quyển. Điều đó có nghĩa một khi sử dụng, quân đội Mỹ có thể ngồi cách xa mục tiêu nhiều dặm và rung đùi nhìn qua màn hình sự phá hủy của e-bomb (một e-bomb phát nổ ở độ cao vài trăm mét có thể quét sạch mọi thiết bị điện trong bán kính 500m). Người Mỹ gọi hình thức phá hủy này là “sự giết người êm ả” (soft kill).

Toàn bộ hệ thống điện tử đối phương sẽ bị phá hủy trước sức công phá của vũ khí viba (minh họa)

Sự cảnh báo của một số nhà khoa học không phải thừa. Theo Bill Radasky - chuyên gia về điện từ trường thuộc Đại học Metatech ở Goleta (California), vấn đề không dừng lại ở cuộc chiến quy ước mà có thể một ngày nào đó khi chẳng may vũ khí viba lọt vào tay tội phạm thì an ninh thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Không như bom nguyên tử, chỉ cần vài trăm USD đã có thể có trong tay một e-bomb để mang ra hù dọa gã láng giềng. Loại thiết bị nhỏ bỏ gọn vào thùng xe hơi hoàn toàn có thể phá hỏng một máy tính cách đó 100m. Ngoài ra, các linh kiện chế ra vũ khí viba cũng có thể mua dễ dàng. Vào trang web một trung tâm thiết bị điện tử, người mua sẽ được giao hàng tận nhà bất cứ gì mình yêu cầu. Trong thực tế, có nhóm tội phạm nào đã dùng vũ khí viba? Bob Gardner - Chủ tịch Ủy ban Chống tác hại điện trường thuộc Liên minh khoa học vô tuyến quốc tế ở Ghent (Bỉ) - cho biết rằng, một nhóm tội phạm gốc Nga từng dùng thiết bị viba để phá hỏng hệ thống an ninh ngân hàng và hệ thống liên lạc cảnh sát. Một báo động khác của cảnh sát châu Âu cho biết thêm, hiện có một ngân hàng tại London đang là mục tiêu của tội phạm “đẳng cấp viba”.

Hoang mang của Gardner đã được củng cố bằng cảnh báo của Daniel Nitsch thuộc Viện Khoa học quân sự Đức. Phát hiện mới đây của Daniel Nitsch khiến nhiều người lo ngại. Nitsch cho biết, máy tính thế hệ mới dễ có nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí viba hơn máy tính thuộc thế hệ cũ. Các máy tính thuộc thế hệ cũ đều được lắp loại vật liệu nhằm tránh tình trạng máy hấp thu tín hiệu điện tử từ bên ngoài và thùng máy còn có sợi đồng quấn chèn ở các điểm nối nhằm tránh cho máy không hấp thụ sóng viba. Máy thế hệ mới thiếu cách đề phòng này. Hơn nữa, máy càng mạnh càng dễ bị tấn công. Để máy “chạy nhanh” (vận hành các chương trình nhanh), người ta đã giảm điện áp (voltage) nhằm bảo đảm rằng dòng điện phụ không làm cho bộ vi xử lý (processor chip) bị nóng. Trong thập niên 80, hầu hết máy tính đều hoạt động ở mức 5 volt nhưng máy hiện nay hoạt động ở mức gần 2 volt, khiến tín hiệu dễ bị phá vỡ. Mạng máy tính càng dễ trở thành mục tiêu hơn, vì hàng trăm mét dây cáp nối mạng có thể bị biến thành một ăngten thu sóng vô tuyến hiệu quả!

Mạnh Kim