Vì sao phương Tây dồn dập đánh Putin?

09:58 | 30/01/2016

5,281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một tuần qua, cá nhân Tổng thống Nga Putin liên tiếp là đích ngắm của truyền thông và chính khách phương Tây. Nào là vụ ám sát nhà đối lập Nga Litvinenko, đến việc ông Putin tham nhũng thế nào. Tất cả nhằm mục đích gì?
tin nhap 20160130094033

Tổng thống Putin tại cuộc họp báo thường niên năm 2015

Đầu tiên là vụ tố cáo Tổng thống Putin ra lệnh ám sát nhà đối lập Alexander Litvinenko tại London. Ngày 21/1, trong bản kết luận điều tra về cái chết cựu điệp viên KGB, Alexandre Litvinenko, được công bố tại London, thẩm phán về hưu người Anh Robert Owen đứng đầu nhóm điều tra, khẳng định: “rất có thể” Tổng thống Vladimir Putin đã chấp thuận cho hai nhân viên tình báo Nga ám sát ông Litvinenko.

Cuộc điều tra còn nói Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của Nga chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ hạ sát Litvinenko. Thẩm phán Owen cho biết ông cũng đã kết luận rằng "hoạt động của FSB nhằm trừ khử ông Litvinenko" có lẽ đã được giám đốc FSB khi đó là Nikolai Patrushev, cũng như Tổng thống Vladimir Putin, phê chuẩn.

Litvinenko là một điệp viên của FSS, cơ quan tình báo Nga ra đời sau cơ quan tương tự thời Xô Viết là KGB. Nhưng sau khi gay gắt chỉ trích ông Putin năm 1998, ông đã phải bỏ chạy khỏi Nga để sang xin tị nạn ở Anh.

Khi ở Anh, ông tiếp tục làm phật lòng Điện Kremlin khi công kích cá nhân Tổng thống Putin, mà trong đó có một bài báo gọi là lãnh đạo này là “kẻ ấu dâm”. Sau đó, Kremlin đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Đầu tháng 11/2006, Litvinenko đồng ý gặp hai điệp viên Nga là Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun tại khách sạn Millennium ở trung tâm London, chỉ cách đại sứ quán Mỹ vài mét. Các quan chức Anh nói rằng hai người này đã trộn chất phóng xạ được sản xuất ở Nga vào trà mà ông Litvinenko uống. Lugovoi và Kovtun sau đó trở về Nga.

Sau cuộc gặp này, Litvinenko lâm bệnh và tử vong trong bệnh viện 23 ngày sau đó. Các bức ảnh chụp ông trên giường bệnh cho thấy ông bị rụng tóc và hốc hác.

Thẩm phán Owen tuyên bố: “Tôi chắc chắc là hai ông Lougovoi và Kovtoun đã bỏ chất polonium-210 vào bình trà ngày 1/11/2006, nhằm mục đích đầu độc ông Litvinenko”. Cũng theo viên thẩm phán này, dường như nhà đối lập Nga cũng đã bị uống một liều polonium ít hơn vào ngày 16/10, trước khi bị uống một liều mạnh hơn vào ngày 1/11, dẫn đến tử vong.

Thẩm phán người Anh tuyên bố những bằng chứng mà ông nêu ra đã xác định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước Nga trong cái chết của ông Litvinenko.

Kế đến là ngày 26/1, đài BBC đã phát hành bộ phim tài liệu có tựa đề “Sự giàu có bí mật của Putin”.  Bộ phim cũng đã thu hút sự chú ý. Kênh truyền hình Anh cáo buộc ông Putin “tham nhũng” trên cơ sở những bằng chứng mà trên thực tế chỉ là lời tuyên bố của một số cá nhân. Một người trong số đó — nhà chính trị học Stanislav Belkovsky  — nói  về “khối tài sản” của Tổng thống Nga dựa vào những nguồn tin bí mật mà ông ta không thể tiết lộ. BBC còn huy động được cả Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Adam Szubin vào cuộc để tố cáo ông Putin.

Các cuộc đánh dồn dập này nhằm mục đích gì? Để hiểu được điều này cần đặt nước Nga vào bối cảnh quốc tế hiện nay.

Ngày 26/1, hãng Bloomberg cho biết rằng, năm 2016 có thể là năm cuối cùng áp dụng lệnh trừng phạt chống lại Nga. Hai ngày sau đó, nhà phân tích của Forbes Kenneth Raposa xác nhận rằng, giới kinh doanh phương Tây quan tâm đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron  trước khi sang thăm Nga đã tuyên bố rằng, cần phải bãi bỏ lệnh trừng phạt nếu các bên thực hiện đầy đủ thoả thuận Minsk. Và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhắc nhở về việc châu Âu cần phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga để giải quyết cuộc xung đột Syria.

Đó là những tín hiệu có lợi cho phía Nga. Tuy nhiên, theo Sputnik, việc các phương tiện truyền thông phương Tây nhắm vào cá nhân ông Putin là nhằm hạ uy tín của Nga trên trường quốc tế trước khi hội nghị hòa bình về Syria tại Geneve bắt đầu.

Sputnik cho đây là nguyên nhân chính của cuộc tấn công thông tin vào Tổng thống Nga.  Ngày 29/1, tại Geneve bắt đầu cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và các đại diện phe đối lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Tại đây Nga là một trong những yếu tố quyết định giải quyết cuộc xung đột Syria. Nga đã thực hiện thành công một loạt chiến dịch quân sự chống IS, và duy trì liên lạc ngoại giao với chính quyền Bashar al-Assad. Tình hình đang phát triển có lợi cho Moskva. Rõ ràng là, nếu Nga có thể duy trì vai trò chủ chốt trong quá trình giải quyết ở Syria, thì trên bản đồ địa chính trị sẽ diễn ra những thay đổi quan trọng. Nhưng, xét theo các cuộc tấn công thông tin,  có những người không hài lòng với triển vọng này. Đó là nguyên nhân của các cuộc tấn công thông tin bài Nga.

Ngày 29/1, Dmitry Peskov Thư ký báo chí của Tổng thống Nga tuyên bố, Moskva chờ đợi Mỹ sẽ có giải thích cần thiết liên quan đến những phát ngôn của đại diện Bộ Tài chính Mỹ Adam Szubin chuyên trách vấn đề lệnh trừng phạt của Mỹ chống Nga trong phóng sự cũa kênh truyền hình BBC.  Szubin đã gọi ông Putin là "hiện thân của nạn tham nhũng".

"Những lời xúc phạm như vậy nhắm vào nguyên thủ quốc gia là hoàn toàn vô căn cứ. Thẳng thắn mà nói, điều đó rõ ràng đến mức khó mà phân tích. Đối với chúng tôi thì hoàn toàn không thể hình dung nổi chuyện đó, tôi nói thật là giả sử  tôi buông ra những lời lẽ lăng mạ Tổng thống Mỹ kiểu như vậy thì chắc chắn tôi sẽ bị sa thải ngay lập tức”-Thư ký báo chí của Tổng thống Nga tuyên bố.

Nh.Thạch

Sputniknews.