Vì sao Nga quyết định ngoảnh mặt với Kaddafi?

08:42 | 04/06/2011

337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất tại Hội nghị thượng đỉnh G8 vừa qua chính là tuyên bố của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev về việc "Kaddafi đã đến lúc phải ra đi". Phía Nga còn khẳng định sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho kế hoạch "hạ cánh an toàn" của Kaddafi.

 

Tổng thống Medvedev của Nga đã gây bất ngờ với tuyên bố khẳng định: Kaddafi sẽ phải ra đi.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự thay đổi bất ngờ trong quan điểm của Moskva, nhưng cục diện cuộc chiến tại Libya chắc chắn sẽ có một bước ngoặt mới kể từ sau sự kiện này. Kaddafi tuyên bố sẽ từ chức với điều kiện có được lời cam kết đảm bảo an toàn cho bản thân ông ta cũng như gia đình. Vấn đề quan tâm hiện nay là liệu phương Tây có chấp nhận một lối thoát dành cho vị thủ lĩnh Libya?…

Bước ngoặt bất ngờ

“Chính quyền của Kaddafi đã đánh mất tính hợp pháp. Ông ta cần phải rời bỏ cương vị lãnh đạo đất nước” – đó là một phần nội dung trong tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Dmitri Medvedev trước giới báo chí trong khuôn khổ Hội nghị thượng định G8 tại Deauville (Pháp). Ông Medvedev còn cho biết, Nga sẵn sàng đứng ra làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng Libya. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga không nói rõ, Kaddafi sẽ được thuyết phục từ bỏ quyền lực như thế nào, cũng như số phận tiếp theo của ông ta.

Sự kiện trên chắc chắn được coi là một thay đổi bất ngờ trong quan điểm của Moskva, nếu biết rằng Nga là quốc gia ngay từ đầu đã phản đối chiến dịch can thiệp quân sự của NATO tại Libya. Nếu như Thủ tướng Putin gọi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ là “một cuộc thập tự chinh” chống lại Libya, thì Tổng thống Medvedev cũng không ít lần chỉ trích gay gắt các cuộc không kích của NATO, cho rằng đó là những hành động vượt ra ngoài khuôn khổ của nghị quyết.

Xem xét một cách có hệ thống những sự kiện xảy ra gần đây ta có thể dễ dàng nhận thấy, khi cuộc xung đột Libya đang lâm vào bế tắc, vai trò của một cường quốc đang “đứng ngoài cuộc” như Nga bắt đầu được các bên liên quan quan tâm nhìn nhận. Tất nhiên với vị thế mới này, Moskva bắt đầu chịu nhiều tác động và cả sức ép từ nhiều phía, khiến họ khó có thể khoanh tay đứng nhìn. Hai vị Tổng thống Obama và Sarkozy trong Hội nghị thượng đỉnh G8 vừa qua đã chính thức đề nghị Nga nên “thử sức” với tư cách người kiến tạo hòa bình tại Libya. Trong vài tuần qua, Moskva cũng phải liên tục đón tiếp các đoàn đại biểu của cả bên ủng hộ cũng như phản đối chế độ Kaddafi.

Trong bối cảnh như vậy, Moskva đã đến lúc buộc phải có một quan điểm rõ ràng về cuộc chiến Libya. Và quan điểm đó đã chính thức được đưa ra – Kaddafi sẽ phải ra đi và Nga sẽ làm trung gian trực tiếp cho tiến trình này. Trong một bước đi cụ thể đầu tiên, đại diện đặc biệt Mikhail Margelov của Nga tại Trung Đông và châu Phi thông báo, ông ta đã được giao trọng trách tới Benghazi (được coi là thủ phủ của phe nổi dậy tại Libya) để đàm phán với phe đối lập cũng như tìm hiểu các quan điểm điều hành đất nước của giới lãnh đạo phe này trong tương lai.

Động thái nói trên từ phía Nga đã nhận được phản ứng giận dữ của Tripoli. Thứ trưởng Ngoại giao Khaled Kaaim phát biểu ngay trong cuộc họp báo mới đây rằng, Libya đã trông đợi từ Nga một cử chỉ của tình đoàn kết, chứ không phải một thỏa hiệp nhằm giúp Nga xích lại gần các cường quốc phương Tây, trong đó có cả nỗ lực nhằm loại bỏ Kaddafi. Cũng theo ông này, chính quyền Libya sẽ không chấp nhận bất cứ một sáng kiến ngoại giao nào của Moskva, nếu như Nga không đề xuất chúng thông qua Liên minh châu Phi (AU), từ lâu vẫn được coi là một đồng minh của Kaddafi.

Đâu là động cơ làm thay đổi quan điểm của Nga?

Giới phân tích đã đưa ra một loạt những giả thuyết khác nhau dẫn tới sự thay đổi quan điểm đột ngột của Nga. Trước đó nhiều người vẫn cho rằng, Moskva luôn ủng hộ cho chế độ của Kaddafi vì những lý do kinh tế của riêng mình. Tháng 4-2008, người tiền nhiệm của Medvedev là Vladimir Putin đã từng ký kết tại Tripoli một tuyên bố chung về việc tăng cường tình hữu nghị và phát triển hợp tác giữa hai nước, một cơ sở để hai bên triển khai một loạt các dự án hợp tác quy mô cả về chính trị và kinh tế. Những minh chứng đáng chú ý nhất trong số này là các thỏa thuận của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya với Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga, những hợp đồng xây dựng các tuyến đường sắt tại Libya, những thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự, trong đó có cả các hợp đồng mua bán vũ khí rất có giá trị dành cho ngành công nghiệp quân sự của Nga v.v…

Lý giải cho việc từ bỏ những lợi ích kinh tế quan trọng trên tất nhiên cũng bằng những nguyên nhân… kinh tế. Theo Hãng tin AP, sau cuộc gặp mặt riêng với Medvedev vào ngày 26-5, Barack Obama và Nicolas Sarkozy đã thuyết phục được Tổng thống Nga có được cách tiếp cận quan điểm gần gũi hơn so với phương Tây. Chỉ một ngày sau, đại diện Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga cho biết, Nga đã đạt được thỏa thuận bán cho Mỹ 21 chiếc trực thăng đa năng MI-17V5 để trang bị cho lực lượng không quân Afghanistan (giá mỗi một chiếc trực thăng hiện đại trên vào khoảng 17 triệu 500 ngàn USD). Trước đó, hai bên đã phải đàm phán trong suốt hơn một năm về thương vụ trên. Về phần mình, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng xác nhận về việc đồng ý về nguyên tắc bán cho Nga các tàu sân bay dành cho máy bay lên thẳng Mistral – một loại tàu chiến đổ bộ hiện đại nhất của Pháp có khả năng chở tới 450 binh sĩ, 16 máy bay lên thẳng và hàng chục chiếc xe tăng, xe cơ giới.

Báo chí phương Tây dựa trên một số nguồn tin cao cấp khẳng định, đằng sau thay đổi về quan điểm của Moskva còn có một loạt những thỏa hiệp hay nhượng bộ qua lại giữa Nga và phương Tây. Theo đó, Nga rất có thể đã nhận được lời cam kết giúp đỡ để có thể nhanh chóng gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Còn có thông tin Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu USD cho việc truy lùng tên trùm khủng bố Doku Umarov, hiện đang được coi là kẻ thù số 1 của nước Nga. Một năm trước đó, Mỹ trước sự hoan nghênh của Nga đã chính thức đưa cái tên Doku Umarov vào danh sách những tên khủng bố quốc tế bị truy nã. Thậm chí còn có nhận định rằng, Mỹ rất có thể sẽ đồng ý với một phương án do Nga đề xuất về việc hợp tác trong khuôn khổ chương trình phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu, một vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa Moskva và Washington từ nhiều năm nay.

Một số chuyên gia khác lại nghiêng về khả năng về cái gọi là “chính sách thực dụng” của Nga, theo đó việc thay đổi quan điểm của Moskva là để nhằm bảo vệ “các quyền lợi về đầu tư” của chính mình tại Libya. Trong thập niên gần đây, Nga đã có nhiều nỗ lực nhằm khôi phục ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, trong đó coi Kaddafi là một trong những đối tác hàng đầu trong khu vực. Trước xu hướng Kaddafi đang ngày càng bị cô lập cùng với mức độ không kích của NATO ác liệt của NATO, Nga không thể khoanh tay đứng nhìn các quyền lợi kinh tế đã đầu tư vào quốc gia này bị tổn hại. Nói cách khác, Moskva không thể ủng hộ và tin tưởng mãi vào mãi một “thây ma đang còn sống” như Kaddafi. Điều quan trọng nhất với Moskva vào lúc này là phải nhanh chóng kết thúc cuộc chiến đang tàn phá Libya, đồng thời xúc tiến đàm phán để đảm bảo các quyền lợi của mình đối với phe nổi dậy, những người chắc chắn sẽ trở thành chủ nhân của đất nước này thời hậu Kaddafi.

Tóm lại theo như nhận xét của tờ “The New York Times”, bằng cách đồng thuận gia nhập vào thông cáo chung của Hội nghị thượng định G8, Medvedev chỉ bằng một bước đi đã biết cách biến Nga trở thành “một tay chơi trung tâm trong các sự kiện đang diễn ra tại Bắc Phi”.

Tương lai nào cho Kaddafi?

Khi đã mất một đối tác hậu thuẫn quan trọng như Nga, nhà lãnh đạo Libya tất nhiên đã hiểu được tình thế nguy ngập của mình. Nếu như vẫn giữ những quan điểm “cứng đầu” như cũ, những ngày tháng tại vị của Kaddafi chắc chắn sẽ không còn bao lâu. Đúng như nhận định của giới quan sát, những tín hiệu “thức thời” đầu tiên đã xuất hiện từ Tripoli. Tờ báo Arập Asharq Alawsat hôm 29-5 đã tung ra một thông tin khẳng định, nhà lãnh đạo Kaddafi đã đồng ý rút lui khỏi chính trường với điều kiện nhận được lời cam kết đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như các thành viên khác trong gia đình.

Câu hỏi về số phận tương lai của Kaddafi đang đặt ra cho Moskva một sứ mạng khá nhạy cảm. Nếu không thuyết phục được Kaddafi từ chức, nỗ lực gia tăng ảnh hưởng đối ngoại của Nga sẽ bị tổn thất nặng nề về uy tín, chưa kể Moskva còn khó ăn khó nói với những hành động leo thang chiến tranh tiếp theo của NATO. Còn nếu sứ mạng trên thành công, nước Nga phần nào lại phải chịu trách nhiệm về an ninh của chính Kaddafi. Vấn đề là Moskva liệu có thể đảm bảo được, Kaddafi sẽ không phải ra trước tòa án La Haye. Trong quá khứ, Nga từng bị ê mặt vì một tiền lệ xấu: nguyên Thủ tướng Chernomydin trên tư cách đại diện đặc biệt của Tổng thống đã thuyết phục được Milosevic từ chức vào năm 1999, tất nhiên là với một số hứa hẹn đảm bảo an toàn. Nhưng sau đó, nhà lãnh đạo Nam Tư đã bị trao cho tòa án La Haye xét xử và chết vì bệnh tật trong tù.

Những nguồn tin nội bộ cho biết, các thành viên G8 đã đề xuất một vài phương án cho tương lai của Kaddafi – có thể là cuộc sống thầm lặng của một người du mục trong hoang mạc, hay chiếc ghế dành cho ông ta tại tòa án La Haye. Cũng không loại trừ khả năng, Kaddafi còn phải ra trước tòa án quân sự của phe nổi dậy sau khi lực lượng này giành được chính quyền. Cho dù Nga có thể thành công trong việc thuyết phục Kaddafi ra đi, nhưng đối tác này lại không thể nắm quyền quyết định tương lai của ông ta. Quả bóng khi đó sẽ nằm ở phần sân của các cường quốc phương Tây: Liệu họ có chấp nhận để ngỏ một lối thoát cho Kaddafi hay ép cho ông ta phải chiến đấu tới giọt máu cuối cùng?

Hồng Sơn