Vì sao Nga làm sống dậy vũ khí laser?

07:00 | 21/11/2012

3,429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 13/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết khôi phục việc chế tạo tia laser quân sự. Vì sao khi Mỹ đã từ bỏ loại vũ khí này thì Nga lại khôi phục nó và triển vọng nào đối với vũ khí laser trong tương lai?

 

Nga vừa khôi phục việc nghiên cứu và chế tạo vũ khí laser

Theo báo Izvestia, Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga theo đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng đã quay lại khai thác laser quân sự. Trong năm 2013, có ngay ba công ty của Nga nhận được nhiệm vụ chế tạo máy laser, có khả năng đốt cháy vỏ máy bay, vệ tinh nhân tạo và tên lửa đạn đạo. Thông tin này được tờ Izvestia nhận được từ một nguồn tin trong khu phức hợp công nghiệp quân sự của Liên bang Nga. Thêm vào đó, tổ hợp khoa học - kỹ thuật Taganrog mang tên Beriev bắt đầu hiện đại hóa phòng thí nghiệm bay A-60 trên cơ sở máy bay vận tải IL-76. Máy bay đóng tại sân bay nhà máy ngoại ô Taganrog ở miền nam nước Nga. Trong thời gian hoạt động từ năm 1991 đã tiến hành các thí nghiệm quang học đánh lạc hướng các tên lửa dẫn đường quang học tự tìm mục tiêu. Tuy nhiên, trong năm 2011, công tác này tạm ngưng do thiếu kinh phí. Hiện nguồn tài chính đã được bổ sung, trang thiết bị quang học sẽ được củng cố bằng tia laser mạnh hơn, và phòng thí nghiệm bay sẽ được hiện đại hóa toàn bộ.

Điều đáng nói là Nga khôi phục vũ khí laser tại thời điểm mà Mỹ từ bỏ chương trình ABL (Airborne Laser). Những nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này bắt đầu ở Mỹ trong những năm 70 của thế kỷ trước, khi xây dựng máy bay NKC-135ALL, chuyển đổi từ máy bay tiếp dầu KC-135. Trên phòng thí nghiệm bay đã được thiết lập tia laser carbon dioxide (laser CO2), nặng 10 tấn và công suất 0,4-0,5 MW của công ty United Technologies. Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80, máy bay đã trải qua một loạt các thử nghiệm và chứng minh khả năng lý thuyết về việc tạo ra một hệ thống như vậy. Tuy nhiên, phạm vi của laser không vượt quá một vài km, vì vậy không thể nghĩ đến bất kỳ ứng dụng nào cho hệ thống quân sự.

Năm 1985, trong thời gian thử nghiệm mặt đất Mỹ đã thành công trong việc dùng chùm tia laser để làm nóng và phát nổ bình nhiên liệu của tên lửa "Titan-1", đặt ở khoảng cách một cây số, mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô. Những cuộc thử nghiệm đó đã được tiến hành với tư cách là một phần của SDI (Strategic Defense Initiative), tuy nhiên không đưa ra được khả năng để tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa thực sự trên cơ sở của "laser bay". Hầu hết các vấn đề kỹ thuật vẫn chưa được giải quyết.

Một lần nữa công trình thành lập laser bố trí trên không ở Mỹ bắt đầu vào nửa cuối những năm 1990, khi cần lập hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ. Ban đầu có kế hoạch xây dựng hai nguyên mẫu và 5 máy bay sản xuất vào năm 2012. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm hệ thống cực kỳ tốn kém và phức tạp này không được ban lãnh đạo quân sự Mỹ ủng hộ nên dự án đã bị huỷ bỏ.

Trong khi đó, Nga tiếp tục làm việc với dự án A-60. Xuất phát từ những động cơ nào? Không loại trừ là câu trả lời nằm trong các mục đích khác nhau của chương trình. Hệ thống Mỹ đã được tạo ra như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, mà toàn bộ dự án ban đầu có quy mô quá nhiều thách thức và kỳ vọng cao. Chương trình ban đầu của Nga có sự tập trung hẹp hơn: tia laser quân sự trong nước chủ yếu được dùng để tiêu diệt vệ tinh, tự nó là một nhiệm vụ đơn giản.Đồng thời, không bị loại trừ là sẽ sử dụng laser cho mục đích chống tên lửa. Trong đó, nhiệm vụ chính có thể là đánh chặn tên lửa tầm trung.

"Trident" và "Minutemen" của Hải quân và Không quân Mỹ không phải là mục tiêu của laser Nga: học thuyết trong nước vẫn dựa trên thực tế rằng đảm bảo tốt nhất để không phóng chúng là sự sợ hãi trước những đòn trả đũa không thể tránh khỏi.

Dự án Airborne Laser của Mỹ đã bị đóng băng

Triển vọng nghiên cứu vũ khí laser Nga

Nga tiếp tục sáng chế các vũ khí laser theo hướng phòng không và chống tên lửa, dựa trên máy bay. Đó là thông báo của ông Vladislav Menshikov Tổng giám đốc tập đoàn Almaz-Antei.

Những thí nghiệm với vũ khí laser đã được tiến hành ngay từ thời Liên Xô. Trang bị laser phòng không được thiết kế trong khuôn khổ chương trình "Omega". Theo thông tin không chính thức, mục tiêu bị hạ ở độ cao 40 km. Vũ khí dựa trên những nguyên tắc vật lý mới, hiển nhiên là đầy hứa hẹn, nhưng cần hiểu rằng khối lượng công tác nghiên cứu và chế tạo cũng sẽ hết sức to lớn, - Trưởng biên tập tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko nhận xét. “Nhìn dưới góc độ tài chính thì đây là hướng nghiên cứu chế tạo vũ khí và trang thiết bị quân sự rất tốn kém. Rõ ràng là trong vòng 30-40 năm tới, các tên lửa điều hướng sẽ là phương tiện chủ yếu để tiêu diệt các mục tiêu trên không cũng như đạn đạo. Trong triển vọng sẽ sáng chế những tổ hợp laser quân sự dựa trên cơ sở khác nhau nhằm đẩy lùi những cuộc tấn công từ trên không và vũ trụ”.

Lĩnh vực chính tiếp nhận laser quân sự là hệ thống phòng thủ tên lửa. Chuyên viên Nga dự đoán, trong triển vọng tương lai Mỹ sẽ thực hiện quân sự hóa vũ trụ với quy mô lớn.  Vì vậy, ở đây sẽ mở ra một cuộc chạy đua vũ trang mới  đủ gay gắt. Với Nga điều quan trọng là để không bị cuốn vào đó, mà cố gắng ở mức hợp pháp, thông qua các thỏa thuận quốc tế  tương ứng, để đạt  tới lệnh cấm rõ ràng về việc bố trí trong không gian vũ trụ các hệ thống vũ khí, trong đó có laser quân sự.

H.Phan (Tổng hợp)