Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Vì sao “đuối sức” tăng trưởng?

06:01 | 27/06/2019

439 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam nổi trội hơn hẳn về những lợi thế lớn, hội tụ và có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đào tạo nhân lực chất lượng cao, được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh, là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Thế nhưng, hiện nay tăng trưởng của vùng KTTĐ phía Nam đang “đuối sức” do nhiều nguyên nhân. Báo Năng lượng Mới xin lược ghi một số ý kiến tại Hội nghị phát triển vùng KTTĐ phía Nam được tổ chức tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mới đây.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ: Khó khăn sẽ trở thành điểm nghẽn

vi sao duoi suc tang truong

Vùng KTTĐ phía Nam có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế của vùng bắt đầu có xu hướng chậm dần. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng chung cả nước, nhưng giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước. Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,5 - 9%.

Đáng chú ý, tỷ trọng hai ngành mũi nhọn trong GRDP của vùng KTTĐ phía Nam giảm dần theo từng năm trong mấy năm gần đây. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2018, ngành công nghiệp xây dựng giảm từ 57,63% xuống 57,11%; ngành dịch vụ từ 49% giảm còn 46,12%. Trong sản xuất công nghiệp không có thêm sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp của vùng. Đáng chú ý, 35 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của vùng có đến 28 sản phẩm truyền thống như may mặc, giày dép, thức ăn gia súc, bột giặt, bánh kẹo, thuốc lá, ván ép, hạt nhựa, bao túi, sợi vải... có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công cao. Các sản phẩm cao cấp có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như bản vi mạch điện tử, điện thoại di động, camera, ôtô, dược phẩm, phần mềm... chiếm tỷ trọng thấp so với vùng KTTĐ Bắc Bộ.

Vùng KTTĐ phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2%, nhưng GDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Xuất khẩu của vùng KTTĐ phía Nam cũng liên tục giảm. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 199,4 tỉ USD, không đóng góp cho thặng dư thương mại của cả nước, đồng thời nhập siêu tới 0,2 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu của TP HCM chiếm hơn 38% của vùng, nhưng đóng góp cho tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm dần: Năm 2006 chiếm 43,3%, năm 2011 là 29,1%, năm 2016 còn 18%, đến năm 2018 chỉ còn 15,6%.

Tại vùng KTTĐ phía Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; xuất khẩu giảm so với nhập khẩu; sự gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến sự quá tải của hạ tầng; công tác điều phối chưa có cơ chế đủ mạnh, kết nối hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa thực sự đóng vai trò là trung tâm trung chuyển của vùng... Nếu không tháo gỡ kịp thời, những khó khăn đó sẽ trở thành điểm nghẽn trong thời gian tới.

vi sao duoi suc tang truong
TP HCM là trung tâm logictics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh đối với vùng KTTĐ phía Nam; hỗ trợ các dự án trọng điểm và thúc đẩy liên kết vùng theo hình thức đầu tư công, đầu tư công - tư trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch. Một số tuyến giao thông chính cần ưu tiên theo thứ tự đầu tư: Thứ nhất là đoạn đường bộ cao tốc thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Thứ hai là tuyến đường cao tốc nối TP HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các tuyến đường vành đai thuộc khu vực TP HCM; Thứ ba là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh để kết nối với đường xuyên Á; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối TP HCM với thành phố Vũng Tàu và thành phố Cần Thơ...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

vi sao duoi suc tang truong

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Bộ Giao thông Vận tải tập trung nguồn lực để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng. Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các địa phương thuộc vùng KTTĐ phía Nam; nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương, tạo nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Bộ Công Thương ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics vùng KTTĐ phía Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, để từ đó là hạt nhân của ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tiếng nói của vùng chưa có “sức mạnh”

vi sao duoi suc tang truong

5 năm trở lại đây, vùng KTTĐ phía Nam đang phát triển chậm lại do vướng mắc nhiều vấn đề. Thiết nghĩ, cần có thể chế phát triển vùng, không thể để các tỉnh ngồi lại bàn luận với vai trò như “anh em”. Tình trạng này vẫn diễn ra chắc chắn không tạo ra động lực.

Hiện tại, trong giai đoạn thể chế vùng chưa hình thành, cần có các giải pháp, gồm cả phân cấp, phân quyền, có nguồn lực phải mạnh. “Cấp” phải đi với “quyền” và “nguồn lực mạnh” mới làm được việc.

Những năm tới, cần phải đề xuất với Quốc hội để có được thể chế vùng, làm động lực cho các vùng khác hoạt động. Mặt khác, Tổ tư vấn phát triển vùng cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, vì hiện nay tiếng nói của vùng chưa thể hiện được “sức mạnh”. Làm sao để ý kiến của Tổ tư vấn phát triển vùng có thể đề xuất lên Chính phủ, các bộ, ngành. Đồng thời cần tạo sự kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

vi sao duoi suc tang truong

Hội đồng vùng KTTĐ phía Nam phải ngồi lại, sắp xếp danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016-2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn đầu tư công sắp tới để đầu tư.

Hiện nay, các địa phương đang có các ý kiến trái ngược nhau. Nếu như tỉnh Đồng Nai “sốt ruột” muốn đầu tư kết nối hạ tầng với TP HCM nhưng TP HCM lại thấy bình thường. Hay tỉnh Bình Dương lại “sốt ruột” muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng...

Làm sao để hệ thống giao thông được kết nối, các tỉnh, thành phố đều cần đến nhau, cùng nhau triển khai đầu tư, thực hiện?

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân: Nghịch lý về hạ tầng giao thông

vi sao duoi suc tang truong

Chỉ số nào của vùng KTTĐ phía Nam cũng cao hơn cả nước nhưng giao thông lại yếu kém hơn. Mật độ dân số của vùng gấp 2,8 lần bình quân cả nước nên vận chuyển hàng hóa lưu thông trên thị trường gấp 2,5 lần, trong khi đường xá thì nhỏ bé, chật hẹp. Cả nước hiện có 800km đường cao tốc nhưng vùng KTTĐ phía Nam mới chỉ có 91km, chiếm 11,5%. Tại TP HCM hiện cứ 10km2 mới chỉ có 2,1km đường. Như vậy, để đạt chuẩn km đường trên km2 thành phố phải mất 50 năm nữa mới làm xong. Chưa kể dân số thành phố không ngừng tăng cao, 5 năm tăng 1 triệu người, kéo theo xe máy, ôtô cùng tăng theo.

Bài toán giao thông của TP HCM chưa giải quyết được chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế thành phố, đồng thời phần nào đó giảm bớt vai trò là địa phương mang tính trụ cột của kinh tế vùng. Nên tập trung nguồn lực để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông trọng điểm liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại TP HCM.

Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của TP HCM tuy vẫn đứng trong Top 10 nhưng đã tụt hạng so với năm 2016 và 2017, còn Đồng Nai đứng thứ 26, Tiền Giang 38, Bình Phước 61... Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam vẫn ở nhóm thấp và nhóm trung bình thấp của cả nước.

Không chỉ yếu về hạ tầng giao thông, vấn đề ngân sách đáp ứng cho đầu tư cũng cần xem lại. Những năm gần đây, đầu tư cho vùng KTTĐ phía Nam chỉ chiếm 27% tổng đầu tư của cả nước nhưng tạo ra 45% GDP, 42% ngân sách Nhà nước. Mức đầu tư đó có bền vững hay không? Đề nghị phải tính toán lại để vùng KTTĐ phía Nam có điều kiện phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần: Giao thông luôn trong tình trạng ách tắc

vi sao duoi suc tang truong

Long An là cầu nối phát triển giữa hai vùng KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi trung chuyển hàng hóa, nhưng ngặt nỗi giao thông luôn trong tình trạng ách tắc. Điểm kết nối giữa TP HCM với Long An tại Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 quá hẹp trong khi lưu lượng phương tiện, hàng hóa lưu thông rất lớn dẫn đến tắc đường thường xuyên. Đường vành đai 3, vành đai 4 - TP HCM, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ quy hoạch đã lâu nhưng chưa có kế hoạch và nguồn vốn đầu tư. Sông Soài Rạp, nơi có cụm cảng số 5 của quốc gia và cảng quốc tế Long An đi vào hoạt động với lượng tàu thuyền đi lại rất đông nhưng luồng lạch bị bồi lắng làm hạn chế các tàu có trọng tải lớn. Cần sự điều phối mạnh mẽ hơn để mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông thủy, bộ.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: Không thể đầu tư kiểu “liệu cơm, gắp mắm”

vi sao duoi suc tang truong

Giao thông trở thành tiền đề để giải quyết hai vấn đề lớn. Đó là liên kết phát triển kinh tế và phát triển chuỗi vùng đô thị. Phát triển đô thị mà giao thông không kết nối thì không thể thành công. Câu hỏi đặt ra là, làm sao khai thác hiệu quả vùng động lực này? Nếu vùng KTTĐ phía Nam mất đi vai trò thì “bầu sữa” của cả nước sẽ khó khăn.

Về quy hoạch giao thông vùng KTTĐ phía Nam, kể cả kế hoạch của TP HCM, tất cả các đường cao tốc, đường vành đai đến nay vẫn chưa làm được so với các quy hoạch các cấp đã lập. Theo quy hoạch đường vành đai, đường vành đai 2 dài 64km chưa khép kín; đường vành đai 3 dài 89km đang làm dang dở; đường vành đai 4 dài 197km còn nằm nguyên trên giấy...

Không chỉ yếu về hạ tầng giao thông, vấn đề ngân sách đáp ứng cho đầu tư cũng cần xem lại. Những năm gần đây, đầu tư cho vùng KTTĐ phía Nam chỉ chiếm 27% tổng đầu tư của cả nước nhưng đã tạo ra 45% GDP, 42% ngân sách Nhà nước.

Thời gian tới, cần tập trung và phải quyết tâm về chính trị để hệ thống giao thông vùng được kết nối. Nên chia ra phần nào là giao thông quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải có lộ trình làm, còn phần nào của vùng thì các địa phương của vùng ngồi lại tính toán phương án cụ thể, không nói chung chung nữa. Cần có bước đi thích hợp, tính toán mọi nguồn lực để thực hiện. Nếu đầu tư kiểu “liệu cơm, gắp mắm” như hiện nay thì không bao giờ làm được.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty BECAMEX IDC: Cần có những “quả đấm thép”

vi sao duoi suc tang truong

Những mục tiêu, định hướng tương lai của vùng KTTĐ phía Nam rất rõ nét, cơ hội và thách thức cũng tỏ tường, nhưng không hiểu tại sao chưa được triển khai hiệu quả?

Vùng KTTĐ phía Nam càng cần phải đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tăng sức cạnh tranh, các quy hoạch phải có tính khả thi, có các giải pháp cụ thể để kịp thời triển khai hiệu quả. Cơ chế điều phối vùng cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cụ thể hơn, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo Chính phủ có thể trực tiếp chỉ đạo vùng KTTĐ phía Nam. Cần những quyết định quyết liệt, có những “quả đấm thép” để thúc đẩy kinh tế vùng đi lên, không thể duy trì mãi tình trạng hiện nay.

Trong tương lai, vùng KTTĐ phía Nam cần hướng đến tạo ra những giá trị gia tăng mới; tập trung đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung các chương trình dịch vụ cao cấp; đẩy mạnh chuỗi cung ứng, trước hết là logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng như đường sông, đường biển, đường bộ, đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa ra không những riêng các địa phương trong vùng mà cả các khu vực xung quanh.

Thanh Hồ