Vì sao biểu tình Hongkong thoái trào?

15:00 | 08/12/2014

1,602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Diễn ra từ ngày 28/9, đến nay, phong trào biểu tình đòi cải cách bầu cử tại đặc khu Hongkong đang dần đi vào thoái trào. Đâu là những yếu tố khiến cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng với những thời điểm vô cùng căng thẳng này lại đang trên đà kết thúc?

GS. Đới Diệu Đình và 2 lãnh đạo khác của phong trào “Chiếm trung tâm” tới trụ sở cảnh sát hôm 3/12.

Ngày 3/12, ba người khởi xướng phong trào Chiếm trung tâm bao gồm GS. Đới Diệu Đình, TS. Trần Kiện Dân và ông Chu Diệu Minh đã đến cảnh sát trình diện, đồng thời kêu gọi chấm dứt hành động chiếm giữ đường phố. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, Hiệp hội sinh viên Hongkong đang xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng rút khỏi các cuộc biểu tình.

Trước đó, vào ngày 1/12, Hongkong lại “dậy sóng” sau hơn 1 tuần yên ắng bởi cuộc đụng độ giữa cảnh sát và hàng trăm người biểu tình được cho là tồi tệ nhất từ khi phong trào nổ ra. Vì vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra đó là nguyên nhân nào đã khiến cuộc biểu tình rầm rộ này “tan đàn xẻ nghé”?

Thứ nhất, phong trào “Chiếm Trung tâm” đã kéo dài hơn 2 tháng nhưng chưa đem lại kết quả mong đợi.

Ngoài việc tạo ra cuộc đối thoại giữa chính quyền Hongkong với các lãnh đạo sinh viên vào tối ngày 21/10 thì những yêu cầu khác của người biểu tình vẫn chưa được đáp ứng, như việc Trưởng đặc khu Hongkong Lương Chấn Anh không từ chức hay việc xem xét lại hình thức bầu cử vẫn không diễn ra. Chính lãnh biểu tình Chu Diệu Minh đã phải thừa nhận rằng phong trào đang rơi vào tình trạng bùng nhùng và không biết phải tiếp tục như thế nào.

Thứ hai, có thể nhận thấy nhân tố chính nuôi dưỡng phong trào này là cách xử lý của cảnh sát hay nói cách khác là phản ứng quá mạnh mẽ của chính quyền Hongkong.

Cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông biểu tình ngày 28/9

Tuy nhiên, theo thời gian, các cơ quan chức năng tại đây đã có cách xử lý ôn hòa hơn. Thay vì sử dụng đạn hơi cay, cảnh sát đã chuyển sang chủ yếu dùng dùi cui để giải tán biểu tình giúp căng thẳng giảm xuống. Bên cạnh đó, chính quyền đặc khu cũng đã rất “cao tay” khi nhường lại một số khu phố sầm uất cho người biểu tình tụ tập và chọn cách chờ đợi không phản ứng. Sự kiên nhẫn đó đã làm lu mờ ý chí của phe ủng hộ cải cách.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất quyết định sự thành bại của bất cứ phong trào chính trị hay phong trào xã hội nào đó là sự ủng hộ từ dân chúng. Tuy nhiên, phong trào “Chiếm trung tâm” lại đang dần mất đi điều đó.

Kết quả điều tra tâm lý của Đại học Hongkong vào tháng 11 cho biết 82,9% số người được hỏi cho là họ muốn chấm dứt biểu tình. Số lượng ủng hộ chính quyền lập tức giải tán biểu tình đang ở mức cao - 68%.

Người dân tại quận Mong Kok phản đối người biểu tình bởi những tác động tiêu cực của phong trào tới cuộc sống.

Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực của phong trào tới cuộc sống của người dân. Trong những ngày diễn ra biểu tình, giao thông tắc nghẽn, đặc biệt là tại những tuyến phố chính của các trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính như Mong Kok, Causeway Bay khiến hầu hết hoạt động kinh doanh đình trệ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung Quốc, tiêu dùng bằng thẻ tại các địa điểm bị chiếm lĩnh đã giảm từ 40-50%. Mới đây, ngân hàng HSBC đã công bố chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) tháng 11 của Hongkong đạt 48,8 điểm - mức thấp nhất trong 3 năm qua và nằm trong vùng thể hiện sản xuất bị thu hẹp. Vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, ở Hongkong đã dấy lên phong trào ký tên yêu cầu trả lại đường phố cho nhân dân và khôi phục trật tự. Kết quả thu được là hơn 1,8 triệu chữ ký ủng hộ.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc biểu tình này nhiều khả năng sẽ phải dừng lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người dân Hongkong sẽ ngừng đấu tranh. Thay vì chiếm lĩnh đường phố, người biểu tình sẽ chuyển sang thâm nhập vào các khu dân cư thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Tại trụ sở cảnh sát hôm 3/12, ông Chu Diệu Minh tuyên bố: “Chúng tôi ra trình diện cảnh sát nhưng không có nghĩa chúng tôi bỏ cuộc. Tôi tin những gì chúng tôi làm hôm nay sẽ đem lại sự thay đổi cho xã hội Hongkong”.

Hà My (tổng hợp)