Về ý đồ hạ mực nước hồ Suối Hai để xây khách sạn

17:08 | 26/12/2013

2,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chủ trương hạ thấp mực nước hồ Suối Hai từ cốt +24,85m xuống +23m để tăng thêm diện tích 200ha các đảo nổi giao cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch của UBND TP Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến phản biện. Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc này đem lại giá trị kinh tế trước mắt, nhưng sẽ để lại những hậu quả lâu dài về sau. Petrotimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Khổng Doãn Điền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cơ học Hà Nội về vấn đề này.

PV: Xin được đi thẳng vào vấn đề, ông có quan điểm thế nào về chủ trương hạ thấp mực nước hồ Suối Hai từ cốt +24,85m xuống +23m để tăng thêm diện tích 200ha?

PGS. TS Khổng Doãn Điền: Trong buổi tiếp xúc chuyên đề với ĐBQH tháng 2/2012, tôi có nêu ra 5 vấn đề về Khoa học Công nghệ của TP Hà Nội. Một trong năm vấn đề đó là chủ trương hạ mực nước hồ Suối Hai để lấy hơn 200 ha đảo nổi lộ ra giao cho một công ty kinh doanh du lịch. Việc đó, đã có công văn truyền đật ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về vấn đề này.

Ngày 9/11/2012, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hà Nội đã có công văn số 2069/SNN-KH báo cáo UBND Thành phố cho giữ nguyên các cao trình mực nước theo thiết kế của hồ, đồng thời đề nghị tiếp tục cho nghiên cứu, tính toán việc thay đổi mục đích của hồ và lấy ý kiến của các nhà khoa học.

Ngày 22/11/2013, tôi nhận được giấy mời tham gia Hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan quản lý chuyên ngành về việc “Nghiên cứu thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai – Ba Vì”, kèm theo báo cáo số 359/BC-SNN ngày 22/11/2013 của Sở NN&PTNT.

Khi tôi có ý kiến với ĐBQH về vấn đề hạ mực nước hồ Suối Hai, Ban chấp hành Hội Cơ học Hà Nội đã họp và yêu cầu tôi trình bày rõ về vấn đề này. Trong cuộc họp đó, ngoài việc trình bày những tác hại do việc hạ mực nước hồ Suối Hai gây ra, tôi còn báo cáo BCH về việc đã có hàng chục quyết định phê duyệt và công văn của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND TP Hà Nội về việc xây dựng, nâng cấp hệ thống tưới Trung Hà để thay thế nhiệm vụ của Hồ Suối Hai. Vấn đề này làm cho mấy chục nhà khoa học đầu ngành của BCH Hội Cơ học Hà Nội chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, vì một vấn đề hệ trọng như thế đã được quyết định một cách đơn giản và dễ dàng như vậy.

PGS.TS. Khổng Doãn Điền

PV: Lý do gì khiến ông suy nghĩ như vậy, bản chất của sự việc này là như thế nào?

PGS. TS Khổng Doãn Điền: Lý do để chúng tôi suy nghĩ như vậy rất dễ hiểu, đó là: Nếu được phát biểu một cách thẳng thắn thì không một kỹ sư thủy lợi nào đồng tình với cách làm như vậy. Tôi tham gia giảng dạy ở trường Đại học Thủy lợi từ năm 1969, đến hôm nay, học trò tôi dạy lứa đầu đã có 5 khóa nghỉ hưu. Các học trò của tôi làm việc theo đúng lương tâm nghề nghiệp sẽ có quan điểm là: Hạ mực nước hồ và thay đổi nhiệm vụ tưới của hồ bằng Trạm bơm Trung Hà được nâng cấp là một việc hết sức vô lý, phản kinh tế và không một thầy nào, không một nhà trường nào dạy làm như vậy.

Tại sao một dự án quan trọng như vậy lại không có được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia Thủy lợi công tác tại chính Sở NN & PTNT của hai địa phương này?

PV: Những hệ lụy từ việc hạ mực nước hồ Suối Hai là gì, thưa ông?

PGS. TS Khổng Doãn Điền: Hồ Suối Hai, cũng như cụm công trình đại Thủy nông Bắc-Hưng-Hải, được chính Bác Hồ, lãnh tụ của chúng ta trực tiếp chỉ đạo, cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị phục vụ, giá trị khoa học, giá trị lịch sử và cả tâm linh. Những công trình này được xây dựng trong những năm đầu sau hòa bình lập lại năm 1954, là biểu tượng, là thành tựu vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta.

Nói như thế để thấy rằng, hồ Suối Hai là một công trình thủy lợi đặc biệt, không ai được phép đụng đến. Nếu có ý định thay đổi nhiệm vụ của công trình này là vi phạm nguyên tắc quản lý Nhà nước. Nếu muốn làm phải xin ý kiến cấp trên, và phải được sự đồng thuận của cộng đồng, cấp tỉnh, thành phố không có quyền làm việc đó.

Hồ Suối Hai làm nhiệm vụ tưới tự chảy cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Nếu thay đổi nhiệm vụ tưới của hồ bằng phương thức tưới động lực (dùng điện để bơm nước từ trạm bơm Trung Hà). Lãng phí này ai chịu trách nhiệm? Trong tương lai, chất lượng nước sông Hồng không còn tốt nữa, việc khai thác nước ngầm cho Hà Nội chắc chắn sẽ bị đình chỉ (vì hàm lượng Asen quá cao. Khi đó, hồ Suối Hai sẽ là một mỏ nước ngọt quý giá trước hết cho 3 triệu dân phía Tây Thủ đô và nếu nghiên cứu cung cấp nước từ Hồ Hòa Bình về thì nó trở thành kho tập trung nước ngọt của cả vùng đông bằng Bắc Bộ.

Quang cảnh hồ Suối Hai

PV: Ông có đề xuất gì về việc sử dụng nguồn nước từ hồ Suối Hai?

PGS. TS Khổng Doãn Điền: Hồ Suối Hai là một tài sản đặc biệt, vô giá của Nhà nước và của nhân dân. Nó phải được đưa vào diện bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt của cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi đề nghị: cần tuân thủ nghiêm ngặt quan điểm chỉ đạo của Thanh ủy và UBND Thành phố là bảo vệ và quản lý tốt các hồ hiện có của Thủ đô.

Mặt khác, vì hồ Suối Hai là một công trình thủy lợi nên nhiệm vụ phục vụ công tác thủy lợi là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ số một. Các yêu cầu phục vụ kết hợp khác như du lịch, dịch vụ… chỉ là các nhiệm vụ thứ yếu kèm theo, nếu kết hợp được là tốt.

Dù phục vụ nhiệm vụ gì đi nữa thì phải giữ nguyên tắc: Tuyệt đối bảo vệ an toàn chất lượng nước hồ, không phải chỉ cho hôm nay, mà cho cả thế hệ mai sau.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hải Hậu (thực hiện)