Về sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2

10:52 | 24/03/2012

1,140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Về sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: “Rò rỉ là do thi công ẩu”…

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

PV: Thưa ông, việc rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đã làm dư luận hoang mang trong thời gia vừa qua. Đã có nhiều ý kiến từ BQL dự án, từ một số chuyên gia xây dựng khác nói về nguyên nhân dẫn đến sự cố trên. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự cố này?

Ông Trần Viết Ngãi: Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế tương đối kiên cố, chân đập có bề ngang là 75m, lên đến mặt đập là 8m. Tổng khối lượng bê tông là hơn một triệu mét khối. Thông thường, tất cả các đập thủy điện được xây dựng tại Việt Nam từ trước tới này đều có lõi là đất sét như thủy điện Trị An, sông Hinh, Yaly… Đập thủy điện Sông Tranh 2 là bê tông nhẹ, các đập bê tông trọng lực thi công với công nghệ đầm lăn bao giờ cũng có các rãnh nhiệt để đảm bảo cho việc co giãn của đập, bảo đảm đập luôn an toàn.Theo lý thuyết, đập thủy điện này sẽ có độ bền vĩnh viễn.

PV: Thông tin từ BQL dự án thủy điện 3 – Chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 – đã thừa nhận công trình này đang có vấn đề do lỗi kỹ thuật. Vậy, lỗi kỹ thuật ấy là như thế nào?

Hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí phía hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt như mọi người lầm tưởng. Các khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập (theo thiết kế có tổng cộng 30 khe nhiệt). Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình sau này. Các khe nhiệt này xuyên suốt từ thượng lưu về hạ lưu.

Sai sót ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là do chủ đầu tư, do tư vấn thiết kế giám sát và do các nhà thầu thi công rất ẩu, không xử lý triệt để đường ống rãnh nhiệt theo thiết kế. Trong quá trình thi công, các nhà thầu thi công cũng như tư vấn giám sát không giám sát kỹ việc xử lý đường ống nhiệt đó theo đúng thiết kế để cho nước thâm nhập nhiều vùng, mở ra rãnh to hơn, lớn hơn. Do đó nước ồ ạt chảy xuống khi mực nước trong đập dâng lên. Công tác khắc phục sự cố lại quá ẩu và thô sơ. Cách người ta nhét giẻ vào các vết rò rỉ là cách làm “vớ vẩn” nhất mà tôi từng thấy.

Vết nứt nước tuôn chảy thành thác hai bên vai của cống xả lũ trên hồ chứa đập thủy điện Sông Tranh 2

PV: Tình trạng rò rỉ nước ở đập thủy điện sông Tranh có gây nguy hiểm gì không, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Tất nhiên sẽ là nguy hiểm khi chúng ta không có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu cứ để nguyên như thế, vết rò rỉ sẽ càng loét ra rộng hơn, sức nước lớn hơn và sẽ bào mòn bê tông nhanh hơn. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài thì việc rò rỉ là “rất sợ”, nhưng nếu được xử lý sẽ không có vấn đề gì đáng ngại. Không thể có chuyện vỡ đập vì vết rò rỉ nằm ở phần trên đập. Bên cạnh đó, lượng nước chảy xuống chỉ khoảng 30 lít/giây (tương đương 0,033m3/giây) là rất nhỏ so với vận tốc quay tuarbin, nên nếu xử lý sớm thì chưa ảnh hưởng đến an toàn đập.

PV: Phương pháp tối ưu để xử lý sự cố này theo ông là gì?

Ông Trần Viết Ngãi: Thông thường với những đập không chịu lực thì để khắc phục, người ta sẽ phụt một loại keo hóa chất đặc biệt (chứ không phụt ximăng), cụ thể là hóa chất poluethan. Loại hóa chất này được phụt vào thân đập, gặp nước nó sẽ trương nở ra như caosu và bít kín các lỗ hổng. Còn với những đập chịu lực như đập thủy điện Sơn La thì phun hoá chất epucci, vì khi phun vào sẽ cứng. Theo tôi, phương pháp tối ưu nhất là phải tìm cách hạ mức nước xuống để tạo khoảng trống thi công lại khe nhiệt. Phải cho tăng lưu lượng nước phát điện để giảm mực nước hạ lưu xuống và tiến hành đục, khoan để làm theo đúng thiết kế, chỗ nào bê tông hỏng phải đúc lại ngay. Phương án dự phòng là phải làm chụp để ngăn nước ở phía thượng lưu không cho chảy về hạ lưu.

Việc xử lý sự cố phải được tiến hành càng sớm càng tốt, nếu không vào mùa mưa nước xói mòn thân đập rất nguy hiểm, gây hỏng đập…Với những lỗi như ở thủy điện Sông Tranh 2 thì chỉ mất khoảng vài ba tuần là giải quyết xong.

PV: Chi phí để khắc phục sự cố này có khoảng bao nhiêu, đơn vị nào sẽ chịu chi phí này?

Ông Trần Viết Ngãi: Tôi cho rằng, xử lý sự cố này sẽ chi phí trên dưới ba trăm triệu đồng. Đương nhiên, phía nhà thầu, tư vấn, giám sát công trình sẽ phải tự bỏ chi phí mà khắc phục. Nhà nước sẽ không bỏ tiền cho những sự cố như thế này. Tôi hy vọng rằng các bên liên quan từ chủ đầu tư đến đơn vị thi công hãy khoan đổ lỗi cho nhau mà cần phối hợp với nhau để ngay lập tức xử lý sự cố trước mắt.

PV: Xin cảm ơn ông!

V.M.T