Ưu đãi, hỗ trợ bằng tiền thường không tác dụng
PV: Được biết, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016, VCCI đã đưa ra nhận định, khả năng kết nối giữa DN trong nước với khu vực FDI là yếu. Vậy xin ông cho biết đâu là căn cứ để VCCI đưa nhận định này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải nói rằng, Việt Nam đã rất thành công trong việc huy động vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta lại không đạt được hiệu quả trong việc tạo sức lan tỏa về công nghệ, năng lực quản trị… của khu vực FDI vào khu vực DN trong nước. FDI vẫn như một “ốc đảo” trong nền kinh tế. Và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã không kết nối được với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này một phần là do chính sách của chúng ta còn chưa thực sự khuyến khích trong xu hướng kết nối. Thứ nữa là năng lực của khu vực DN vừa và nhỏ không đạt được chuẩn mực toàn cầu nên không có khả năng kết nối. Đặc biệt, bản thân các FDI cũng chưa thực sự có động thái tích cực trong việc kết nối với DN trong nước.
![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc |
PV: VCCI có kiến nghị gì để đẩy mạnh mối quan hệ này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, để có thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành đối tác với các FDI thì cần phải nâng cấp được các DN Việt Nam. Nâng cấp để đạt đến các chuẩn mực quốc tế về cả quản trị, công nghệ, trách nhiệm xã hội và những yêu cầu hết sức quan trọng như tính minh bạch, sự liêm chính, bảo vệ bản quyền… Đây đều là những nhu cầu tối thiểu khi hội nhập quốc tế mà các DN phải đáp ứng. Và muốn các DN Việt Nam đáp ứng các yêu cầu này thì cần phải có một chương trình hỗ trợ họ thông qua việc cung cấp thông tin, tư vấn… để họ có thể nâng cấp quản trị DN.
Cùng với đó, chúng ta cũng phải có một chương trình để kết nối họ với các tập đoàn xuyên quốc gia. Ở đây, để làm được điều này thì cần phải có trách nhiệm đồng bộ của cả nền kinh tế, của không chỉ Chính phủ, cộng đồng DN trong nước mà cả DN nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, trong chương trình kết nối này, hạt nhân chính của nó là các công ty xuyên quốc gia với sự hỗ trợ và vai trò trung gian của các hội, hiệp hội.
PV: Mỗi khi nói đến hỗ trợ là người ta thường nghĩ ngay đến sự ưu đãi. Tuy nhiên, có vẻ câu chuyện này không còn đúng trong bối cảnh hiện nay?
Ông Vũ Tiến Lộc: Đúng là như vậy. Những biện pháp ưu đãi và đặc biệt là những ưu đãi về mặt tiền bạc thường tỏ ra không hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Cái ưu đãi tốt nhất của nhà nước cho cộng đồng DN, đặc biệt là cho DN vừa và nhỏ là hỗ trợ nâng cao năng lực của họ thông qua tăng cường cung cấp thông tin, tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực của họ, cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong các DN, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối DN… Tôi nghĩ những biện pháp hỗ trợ kỹ thuật như vậy sẽ giúp nâng cao năng lực các DN vừa và nhỏ thực chất hơn để kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Môi trường đang nổi lên là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Vấn đề này được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thế nào khi đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải nói rằng, nội dung về môi trường, vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những nội dung lớn được các DN quan tâm. Các DN đều bày tỏ mong muốn chúng ta có một chính sách nhất quán và thực hiện được những chủ trương để có thể vừa thúc đẩy kinh tế và vừa bảo vệ môi trường. Bởi đây là điều kiện nền tảng đảm bảo cho sự phát triển bền vững không chỉ của DN mà với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt kỷ cương và tăng cường hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường thì việc đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư theo đúng những cam kết của Chính phủ cũng rất quan trọng.
Tôi nghĩ rằng, các DN có vi phạm trong pháp luật bảo vệ môi trường thì cần phải chịu những chế tài, sự trừng phạt. Nhưng đồng thời Chính phủ cũng cần tạo điều kiện để cho họ thực hiện những cam kết của mình. Đây sẽ là sự đảm bảo tin cậy của môi trường đầu tư kinh doanh và đây sẽ là thông điệp hết sức quan trọng để đảm bảo cho họ đầu tư kinh doanh lâu dài ở Việt Nam.
PV: Phản hồi của các nhà đầu tư về việc thắt chặt quy định về môi trường như thế nào?
Ông Vũ Tiến Lộc: Phải nói rằng, hiện nay thì cộng đồng DN thể hiện sự quan tâm sâu sắc vấn đề này. Định hướng phát triển theo hướng bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững là định hướng cộng đồng DN quốc tế rất quan tâm. Họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về vấn đề này. Đặc biệt, tại VBF 2016, rất nhiều DN quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm, tăng cường hoạt động tại Việt Nam và sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam, DN Việt Nam những công nghệ tốt nhất để có thể bảo vệ được môi trường.
Tuy nhiên, việc xử lý các sự cố về môi trường đã xảy ra trong quá khứ, cộng đồng DN rất mong muốn Chính phủ sẽ xử lý vấn đề này một các minh bạch, công khai. Các DN có vi phạm phải được xử lý nghiêm minh.
PV: Câu chuyện này có mâu thuẫn hay không khi có rất nhiều hiệp hội DN kiến nghị sửa đổi các quy định về việc nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ cần có những quy định hết sức chặt chẽ về vấn đề nhập khẩu công nghệ nhưng cũng cần phải đảm bảo sự linh hoạt cần thiết. Bởi vì trong hệ thống thiết bị công nghiệp của DN có những thiết bị, công nghệ tồn tại trong thời gian dài nhưng không hề thay đổi. Và sự thay đổi của nó nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường hay hiệu quả sản xuất của DN thì công nghệ, thiết bị đó vẫn có thể duy trì, nhập khẩu vào Việt Nam. Với những công nghệ này thì không nhất thiết phải giới hạn thời gian, tuổi thọ chặt chẽ mà tùy thuộc vào từng loại công nghệ, thiết bị, chu kỳ của công nghệ đó trong nền kinh tế. Nhưng với những công nghệ, thiết bị có sự thay đổi hết sức nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến môi trường, điều kiện sản xuất thì cần phải thay đổi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hy vọng của chúng tôi trong năm 2017 là rất lớn, nhưng càng ngày chúng tôi càng thấy áp lực giữa phát triển kinh tế và môi trường. Tôi muốn khẳng định với Chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng, chúng tôi không thấy sự xung đột vốn có ở đây vì sự phát triển nhanh chóng không cần thiết phải kéo theo các rủi ro về môi trường, sức khỏe của người dân. Chúng tôi cũng đảm bảo để Chính phủ biết rằng, khi các quy tắc và luật định về môi trường bị phá vỡ, chúng tôi ủng hộ Chính phủ hành động quyết liệt trên cơ sở công bằng và minh bạch. Thực tế, chúng tôi thấy các thách thức về môi trường đang được giải quyết trên toàn cầu bằng công nghệ sạch và đổi mới. (Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ Virginia B.Foote) |
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 1/3: Thanh long trở lại "ngôi vương" xuất khẩu
-
Tin tức kinh tế ngày 6/2: Ô tô nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 1/2025
-
VCCI và Vingroup hợp tác toàn diện thúc đẩy chuyển đổi xanh
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Muốn khoa học công nghệ phát triển phải kiến tạo thị trường
-
Tham vọng thay đổi địa chính trị hay thúc đẩy thỏa thuận kinh tế
-
Tin tức kinh tế ngày 16/5: Nhiều ngân hàng được phê duyệt tăng vốn điều lệ
-
Cần cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phát triển bền vững kinh tế tư nhân
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/5: Xu hướng chậm lại trong các dự án năng lượng tái tạo