Tương lai TPP khi không có Mỹ

06:18 | 11/02/2017

1,041 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút lui khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, hiệp định về khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới này từ nay không còn Mỹ. Câu hỏi đặt ra là hiệp định thương mại của thế kỷ XXI này sẽ đi về đâu?  

Ngày 23-1, tức 3 ngày sau khi nhậm chức, thực hiện đúng cam kết trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh chính thức để Mỹ rút khỏi TPP. Hiệp định TPP được kì vọng là chương trình hợp tác thương mại lớn nhất thế giới trong 20 năm qua, bao gồm các quốc gia lớn như Mỹ, Úc, Canada, Mexico, Nhật… Việt Nam cũng là một thành viên của thỏa thuận TPP. Trước đây, người tiền nhiệm Barack Obama kì vọng TPP, được chính thức ký kết vào tháng 2-2016, sẽ mở ra một thị trường hàng hóa rộng lớn cho các sản phẩm Mỹ và giúp tạo ra thế cân bằng hơn với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài mục tiêu giảm thiểu các hàng rào quan thuế, TPP còn hướng tới việc xóa bỏ những rào cản phi quan thuế, đặt nền tảng cho một số các chuẩn mực -như bảo vệ tác quyền, hay các tiêu chuẩn về môi trường giữa các bên liên quan.

Để chính thức có hiệu lực, hiệp định phải được quốc hội tất cả các nước thành viên phê chuẩn, nhưng TPP đã vấp phải sự chống đối của Quốc hội Mỹ. Tới nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã hoàn thành tất cả mọi thủ tục.

tuong lai tpp khi khong co my
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP ngày 23-1-2017

Trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump liên tục tấn công TPP khi cho rằng đó là một “thỏa thuận tai hại”, “vi phạm nghiêm trọng” quyền lợi của người lao động Mỹ. Và để rồi ba ngày sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông đã đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP và tuyên bố đây là một bước tiến “quan trọng cho nhân công Mỹ”.

Bên cạnh TPP, tân Tổng thống Trump đang nhắm tới Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm xóa bỏ hàng rào thương mại giữa Mỹ, Canada, Mexico từ thời Clinton.

Sắc lệnh của ông Trump đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ ngay trong chính đảng của ông. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain công khai cho rằng quyết định rút khỏi TPP là quyết định sai lầm nghiêm trọng của Mỹ, sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ cũng như vị thế chiến lược của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông John McCain, quyết định rút khỏi TPP sẽ tước đi những cơ hội: thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, xóa bỏ các rào cản thương mại, mở ra các thị trường mới cũng như bảo vệ các phát minh và sáng tạo của người Mỹ.

Trước đó, ông Ian Bremmer, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Eurasia Group cho rằng, rút khỏi TPP là cách Mỹ khiến vị thế của mình trong mắt các quốc gia châu Á giảm sút. Ông Ian cho rằng, nhiều quốc gia châu Á đã tập trung rất nhiều cho TPP và khi Mỹ rút khỏi TPP, những nước này có cảm giác họ sẽ không trông chờ nhiều vào Mỹ nữa.

Quyết định của ông Trump cũng gây lo lắng không kém cho các thành viên còn lại của TPP. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 24-1 cho biết, ông đã có những cuộc thảo luận riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Singapore Ly Hiển Long về một tương lai TPP không có Mỹ. Phát biểu trên đài phát thanh New Zealand, Thủ tướng Bill English ngày 23-1 cho biết việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP sẽ không ngăn cản 11 nước còn lại cân nhắc một phiên bản sửa đổi của hiệp định này. Ông cho rằng chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền mới ở Mỹ "không có lợi cho chúng ta và cũng sẽ không có lợi cho Mỹ về lâu dài". Theo ông English, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Úc trước đó đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ việc thúc đẩy một phiên bản mới cho TPP mà không có Mỹ. Song ông cũng khẳng định "TPP chưa chết" và cho rằng "kế hoạch B có thể sẽ rất khó khăn". Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc tham gia nếu TPP bị bác bỏ và cần phải thay thế bằng một thỏa thuận nào khác, ông English khẳng định "có thể".

Theo các chuyên gia, cử tri của ông Trump sẽ chịu thiệt nhiều nhất trước việc ông bỏ TPP và NAFTA. Kênh NBC News ngày 7-2 trích lời ông Michael O Moore, giáo sư kinh tế và bang giao quốc tế trường George Washington University, nói rằng, “theo tôi cử tri ủng hộ ông Donald Trump sẽ chịu sự ảnh hưởng không tương xứng do không nhận thức được rằng các chính sách của ông Trump có thể gây thiệt hại cho họ hơn là giúp đỡ họ”.

Một nghiên cứu gần đây của viện Brookings Institution cho thấy các thành phố nhỏ ở nhiều tiểu bang nghiêng về đảng Cộng hòa sẽ chịu thiệt nhiều nhất do kết quả của chính sách cô lập thương mại của Tổng thống Trump, gồm các tiểu bang ở vùng Trung Tây như Indiana và Michigan, hay kể cả miền Nam nước Mỹ. Ông David Brown, phó giám đốc của chương trình kinh tế tại tổ chức Third Way, nói rằng những vùng thôn quê vốn lệ thuộc vào nông nghiệp sẽ phải vật lộn với nhiều khó khăn. Ông nói: “Nông nghiệp không góp phần nhiều trong nền kinh tế Mỹ nhưng ở một số vùng của Hoa Kỳ thì đó lại là tất cả của nền kinh tế địa phương. Các nông gia Mỹ là người được hưởng lợi nhiều nhờ ở TPP và NAFTA”.

Bãi bỏ TPP và NAFTA, ngoài việc khiến các công ty không còn có thể gia tăng xuất khẩu, hàng rào thuế quan của Tổng thống Trump đánh vào hàng nhập cảng từ Mexico cùng các đối tác khác, như ông từng đe dọa, sẽ khiến cho giới tiêu thụ phải tốn nhiều tiền hơn khi đi mua sắm. Ông Brown giải thích thêm: “Nếu ta đánh thuế 20% vào hàng hóa đến từ Mexico, thật là ảo tưởng nếu nghĩ rằng chỉ một mình Mexico cảm thấy hậu quả của điều đó. Vì những sản phẩm ấy, từ xe hơi đến cà chua, khiến mọi người ở Mỹ rồi ra đều cũng cảm thấy hậu quả như đối với Mexico”.

Nhiều chuyên gia về thương mại khác đều cho rằng các gia đình có lợi tức thấp sẽ thấm đòn nhiều hơn cả vì rằng người nghèo chi ra số phần trăm từ mức thu nhập của họ cao hơn vào hàng hóa so với người giàu có hơn. Kết quả là người Mỹ ở vùng nông thôn, nơi dân số thưa thớt và ít có sự cạnh tranh của giới bán lẻ, sẽ thấy rõ sự gia tăng của giá cả hàng hóa.

Vậy việc Tổng thống Trump chính thức rút nước Mỹ ra khỏi TPP sẽ khiến hiệp định này ra sao? Về thực chất, trước mắt không có gì thay đổi. Trên thực tế, sắc lệnh rút khỏi TPP của ông Trump chỉ mang tính cách tượng trưng vì hiệp định này chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và có lẽ không bao giờ có được sự đồng thuận. Một mặt, Quốc hội Mỹ từ những năm gần đây có sự chia rẽ sâu sắc giữa hai chính đảng. Mặt khác, vì nhu cầu ủng hộ của các nghiệp đoàn, nhiều thành viên Dân chủ lại là những người chống TPP trong khi đa số người Cộng hòa, nhưng không phải là tất cả, tán thành tự do mậu dịch. Do đó, Tổng thống Obama chưa bao giờ chuyển TPP qua Quốc hội để xin được phê chuẩn.

Tuy nhiên, hành động xóa bỏ TPP là tín hiệu cho thấy tân chính quyền Mỹ sẽ thực hiện lời hứa hẹn theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn trong sự cạnh tranh với các đối tác quốc tế. Đây là sự đảo ngược chính sách kinh tế của Mỹ từ nhiều thập niên, với các tổng thống thuộc cả hai đảng đều cho giảm mức thuế quan và gia tăng quan hệ mậu dịch với các quốc gia trên toàn thế giới. Rút khỏi TPP, chưa rõ Tổng thống Trump có ý định tìm cách thương lượng song phương với 11 nước thành viên để quy định mối quan hệ mậu dịch giữa Mỹ và mỗi quốc gia đó hay không. Dù sao, việc này, nếu có, thì cũng chỉ đem đến giá trị hạn hẹp, không thề mang tầm vóc quan trọng như với toàn khối chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới.

Theo giới quan sát, thay đổi chính sách của Mỹ trên hồ sơ thương mại tạo điều kiện cho Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Từ thượng đỉnh APEC - Lima 2016 cho đến Diễn đàn Davos vừa qua, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá dự án xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một sáng kiến của Bắc Kinh và đặt Trung Quốc vào thế một quốc gia “có trách nhiệm”, bảo vệ tự do mậu dịch toàn cầu.

S.Phương tổng hợp)