Trung Quốc: Vấn đề cũ thách thức nhân sự mới

07:00 | 23/03/2013

1,802 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay sau khi chính thức trở thành Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã phát biểu loạt diễn văn nói về “giấc mơ Trung Quốc”; và cũng ngay sau khi chính thức trở thành Thủ tướng, trong cuộc họp báo ngày 17/3/2013, Lý Khắc Cường cũng đề cập đến một loạt cải tổ kinh tế để làm nền tảng cho “giấc mơ Trung Quốc” thành hiện thực. Tuy nhiên, khoảng cách gì đang tồn tại giữa thực tế với giấc mơ?

Nguy cơ vỡ nợ!

Như đã biết, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ năm 2008, Trung Quốc đã bung ra gói kích cầu khoảng nửa ngàn tỉ USD và khuyến khích các địa phương triển khai loạt dự án hạ tầng để thổi sinh khí cho kinh tế nội địa. Tổng vốn đầu tư do vậy đã tăng ào ạt và chiếm đến 48% tỷ trọng GDP - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Như Ruchir Sharma (Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường các nước mới nổi thuộc Morgan Stanley Investment Management) viết trên Wall Street Journal (25/2/2013), từ năm 2007 đến nay, nguồn tín dụng mới sinh ra hằng năm (tức nguồn vốn cho vay) đã tăng gấp bốn, lên 2,75 ngàn tỉ USD; và từ năm 2008 đến nay, tổng nợ công lẫn nợ tư của Trung Quốc cũng vọt lên hơn 200% GDP - một tỷ lệ chưa từng có tiền lệ đối với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào.

Nợ tư hiện chiếm 12% tỉ trọng GDP, cao hơn mức đỉnh điểm mà những cuộc khủng hoảng tín dụng trước đây từng tấn công Nhật năm 1989, Hàn Quốc 1997, Mỹ 2007 và Tây Ban Nha 2008. Khảo sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nếu tín dụng tư phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế trong 3 hoặc 5 năm (có nghĩa nợ liên tục phình ra đối với tỉ trọng GDP trong giai đoạn tương ứng) thì khủng hoảng toàn diện là điều khó tránh khỏi. Tại Trung Quốc, tín dụng tư đã phát triển nhanh hơn nền kinh tế suốt từ 2008 đến nay; và tỷ lệ tín dụng tư đối với GDP đã tăng 50 điểm phần trăm (percentage point), lên 180% - mức tăng tương tự những gì mà Mỹ và Nhật từng chứng kiến trước khi cơn bão khủng hoảng ập xuống.

Bất động sản xây xong rồi bỏ!

Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công bố con số nợ thật kể từ lần kiểm toán được công bố năm 2011 (cho biết nợ quốc gia Trung Quốc là 10,7 ngàn tỉ tệ - 1,7 ngàn tỉ USD - vào cuối năm 2010). Tháng 3/2012, Ôn Gia Bảo nói rằng, nợ quốc gia vẫn không thay đổi nhiều (so với con số công bố năm 2010) trong năm 2011. Tuy nhiên, Adam Wolfe, Giám đốc nghiên cứu các nền kinh tế châu Á mới nổi thuộc Roubini Global Economics ở London đánh giá rằng, tổng nợ Trung Quốc có thể lên đến 17,5 ngàn tỉ tệ (2,78 ngàn tỉ USD), chiếm khoảng 43% GDP (Bloomberg News 28/2/2013). Nhiều nguồn nợ khổng lồ đang bị chôn chặt ở những dự án bất động sản xây xong rồi bỏ… Bây giờ, gần 1/2 tỉnh Trung Quốc hiện buộc phải đặt chỉ tiêu phát triển năm 2013 thấp hơn so với năm 2012. Trước khi rời ghế Thủ tướng, Ôn Gia Bảo cũng đề ra chỉ tiêu phát triển năm 2013 chỉ là 7,5% - thậm chí thấp hơn mức 7,8% của năm 2012, so với trung bình 10,6% trong 10 năm trước đó.

Khủng hoảng nợ trong thực tế đã tấn công một số địa phương. Chẳng hạn Ôn Châu, nơi tập trung hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu. Bloomberg News cho biết, nợ xấu của thành phố này đã tăng gấp ba, từ 8,6 tỉ tệ (1,38 tỉ USD) năm 2011 lên 23,86 tỉ tệ (3,8 tỉ USD) hiện tại. Hơn 100 chủ doanh nghiệp đã “biến mất”, tuyên bố phá sản hoặc tự tử vào năm 2012… Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục bung tiền cho những khoản vay mới.

Chỉ trong năm 2012, tổng nguồn vốn cho vay được bung ra là 8,2 ngàn tỉ tệ (1,3 ngàn tỉ USD), tăng 10% so với năm trước; và năm 2013, hạn mức cho vay mới có thể lên đến 9 ngàn tỉ tệ, theo tờ Tài Tân ngày 22/1/2013, bất chấp sự thật rằng chỉ 29% trong tổng nguồn vốn cho vay năm 2012 là thật sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế (mức thấp nhất đối với một nền kinh tế quốc gia); bất chấp sự thật rằng nợ trung bình của các công ty có niêm yết thị trường chứng khoán hiện cao hơn doanh số đến 4,1 lần (so với 2,2 lần cách đây 5 năm); bất chấp sự thật rằng lạm phát vẫn còn chưa được kiểm soát (giá tiêu dùng tăng 3,2% và giá thực phẩm tăng 6% vào tháng 2/2013, so với một năm trước - BBC 11/3/2013)…

Tất cả đều là những con số đau đầu đối với ông Lý Khắc Cường, người đầu tiên ngồi ghế Thủ tướng Trung Quốc có bằng Tiến sĩ kinh tế. Tất cả cho thấy thêm rằng, việc xem Trung Quốc như một nền kinh tế “hùng mạnh thứ hai thế giới” cũng giống như việc mặc một chiếc áo quá khổ cho họ, trong khi thực lực kinh tế Trung Quốc còn rình rập nhiều nguy cơ bất ổn với những chỉ dấu đe dọa khủng hoảng hoặc thậm chí sụp đổ rất rõ ràng. Nó cũng cho thấy rằng, không thể đánh giá sức mạnh một nền kinh tế chỉ bằng phương pháp thủ công và máy móc một cách ấu trĩ là đếm tiền. Một ông chủ vựa ve chai kiếm được chục triệu mỗi tháng thật khó có thể nói là giàu và căn cơ hơn so với một anh nhà báo hay luật sư chỉ kiếm được bằng phân nửa! Và nếu vẫn duy trì mô hình kinh tế với “định hướng” hiện tại, giấc mơ và thành tựu mà Trung Quốc đạt được vẫn chắc chắn sẽ chỉ “ở tầm” như… ông chủ vựa ve chai!

Mơ và… vỡ mộng!

Tháng 2/2013, trong chuyến công du một ngôi làng nghèo tại Cam Túc, ông Tập Cận Bình nói với dân làng rằng “Đảng và chính phủ sẽ hỗ trợ bà con”. Tháng 12/2012, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng thực hiện chuyến công du với thông điệp tương tự tại một vùng quê nghèo ở Hà Bắc. Ngày 4/2/2013, Bắc Kinh công bố bản kế hoạch chi tiết chương trình xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, với 35 điểm, gồm tăng lương tối thiểu, tăng ngân sách đầu tư giáo dục, hỗ trợ nhà ở... Chính phủ cũng đề ra nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó có việc tăng gấp đôi thu nhập bình quân từ năm 2010 đến 2020… Đó là những lời hứa mà người dân Trung Quốc đã nghe quen tai mỗi khi một bộ máy lãnh đạo mới được thay thế.

Thực tế diễn ra hằng ngày vẫn là vô vàn câu chuyện cho thấy khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục “giãn nở” từ “độ nóng” của sự bùng nổ phát triển mất cân đối, sinh ra nhiều vấn nạn kỳ quặc đặc thù “Trung Quốc tính”, chẳng hạn một thế hệ mới, thời hiện đại, được gọi là “phòng nô” (房奴) - những “nô lệ” suốt đời phải “cày” để trả nợ cho căn hộ hoặc căn nhà trả góp của mình (căn hộ 150m2 tại một thành phố lớn hiện trị giá tương đương 40 năm thu nhập bình quân/năm). Bloomberg (28/2/2013) cho biết, tiền trả góp nhà tại Mỹ chiếm trung bình chưa đến 9% thu nhập hằng tháng; trong khi đó, tỷ lệ trên tại Trung Quốc là 30-50%!

Trung Quốc hiện có 2,7 triệu phú (đôla) và 251 tỉ phú (đôla) nhưng cùng lúc cũng có 13% dân số (khoảng 170 triệu người) đang sống với thu nhập còm cõi không đến 1,25USD/ngày - theo số liệu Liên Hiệp Quốc (New York Times 9/2/2013). Hãng tin Bloomberg cũng từng cho biết, số tài sản tích cóp được trong năm 2011 của 70 nghị sĩ giàu nhất Trung Quốc lên đến 89,8 tỉ USD, so với vỏn vẹn 7,5 tỉ USD của 660 nhân vật chính trị gia hàng đầu nước Mỹ (gồm 535 thành viên Quốc hội, Tổng thống và toàn bộ nội các). Thừa nhận hố cách biệt giàu - nghèo tại nước mình, Chính phủ Bắc Kinh nói rằng thu nhập những người giàu nhất cao hơn 23 lần những người nghèo nhất. Tuy nhiên, Tổ chức Nghiên cứu kinh tế quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ chênh lệch trên thật ra là 65 lần (chuyên san World Affairs Journal, MARCH/APRIL 2013)!

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Sự “giàu có” của Trung Quốc có phải được xây từ mồ hôi và nước mắt của người nghèo? Sự thịnh vượng và hào nhoáng của nhiều thành phố lớn Trung Quốc có phải được dựng từ những khổ cực và nhọc nhằn của hàng triệu triệu công nhân nhập cư vốn chỉ được xem như những “tấm thảm chùi chân” (của các ông trọc phú mới nổi), vốn chỉ được xem là công dân hạng hai bởi những hạn chế ngặt nghèo từ “luật” hộ khẩu…? Còn có tầng lớp nào nữa, chiếm bao nhiêu phần trăm tỷ lệ dân số, đang được xem như những viên gạch lót đường cho sự “thăng hoa” của “sức mạnh” kinh tế Trung Quốc, đang giúp làm giàu cho một nhóm nhỏ quyền lực?...

Báo cáo gần đây của tổ chức D&B Country RiskLine (chuyên đánh giá rủi ro của các quốc gia) đã ghi nhận bằng một cụm từ ngắn gọn khi đề cập đến Trung Quốc: “Trend: deteriorating” (Xu hướng: tồi tệ hơn). Sự “tồi tệ hơn” đã thể hiện ở con số các cuộc bạo động quần chúng. Năm 2011, Bộ Công an Trung Quốc cho biết có hơn 128.000 vụ biểu tình lớn, bày tỏ chống đối tham nhũng, chiếm hữu đất đai, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động… (năm 1993, con số công chúng bạo động được công bố chính thức là 8.709; và năm 2009, khoảng 90.000 vụ - World Affairs Journal, nđd). Tuy nhiên, theo Hạ Nghiệp Lương, Giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh, con số thật có thể lên đến “hơn 200.000 vụ mỗi năm”, tức khoảng 550 vụ mỗi ngày...

Một ngày sau hội nghị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xem xét 8 quy định của Bộ Chính trị về cải tiến tác phong làm việc (liên quan vấn đề làm trong sạch bộ máy công quyền) tổ chức ngày 4/12/2012, tờ Hoàn Cầu thời báo (globaltimes.cn/content/748305.shtml) lập tức có bài xã luận (không đề tên tác giả) nói rằng: “…Ngày nay, ý kiến quần chúng đang làm thay đổi Trung Quốc. Nếu giới lãnh đạo hàng đầu không thực hiện được những gì họ hứa, quần chúng sẽ không thể im lặng. Bộ Chính trị phải hiểu rõ điều này”... Với bất kỳ chính thể nào, giới lãnh đạo khôn ngoan luôn là những người hiểu rõ triết lý “sơ đẳng” của khái niệm “Ý dân là ý trời” (Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” - Dân là quý, xã tắc xếp sau, vua là bậc thường).

Làm thế nào có thể đạt được “giấc mơ Trung Hoa”, như mong muốn của bộ máy tân lãnh đạo Trung Quốc, một khái niệm từng được nâng lên tầm học thuyết trong quyển sách cùng tựa của Đại tá Lưu Minh Phúc thuộc quân đội Trung Quốc ra mắt cách đây 3 năm, khi mà lòng dân còn chưa yên bởi vô số vấn nạn đã trở thành thâm căn cố đế? Chưa “trị được quốc” (thậm chí còn chưa “tu được thân” khi chính trường nhan nhản tham nhũng) sao có thể “bình thiên hạ”?

Ngọc Trí