Trung Quốc và vấn đề người Duy Ngô Nhĩ

06:33 | 09/08/2014

4,195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong mấy ngày qua, Trung Quốc liên tục xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương làm nhiều người chết mà chính quyền Bắc Kinh nói là do nhóm khủng bố người Duy Ngô Nhĩ gây ra. Vậy nhóm người này là như thế nào?

Năng lượng Mới số 345

Theo Tân Hoa Xã, có 59 kẻ khủng bố và 37 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ hôm 28/7 tại Tân Cương. Ðây là vụ bạo động đẫm máu nhất từ 5 năm qua tại vùng đất Hồi giáo ở tây bắc Trung Quốc. Tân Cương có khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống, đa số chống đối lại Bắc Kinh và một số trở nên cực đoan. Ðiều đáng nói là vụ tấn công hôm 28/7 diễn ra trong khi nhà chức trách Trung Quốc đang tổ chức chiến dịch chống khủng bố tại Tân Cương. Nhiều nhóm khủng bố đã bị triệt phá.

Chính phủ Trung Quốc và các nhóm người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đưa ra những giải thích khác nhau về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn mới đây ở khu tự trị Tân Cương. Tân Hoa Xã cáo buộc vụ tấn công vừa qua là tác phẩm của bọn khủng bố ở Trung Quốc lẫn nước ngoài, do một người có liên hệ chặt chẽ với nhóm ly khai cực đoan Phong trào Hồi giáo Ðông Thổ (ETIM) xúi giục. Một số tổ chức người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài thì cáo buộc Chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách đàn áp văn hóa, kinh tế và chính trị đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nên mới dẫn tới tình trạng bạo loạn hiện nay.

Trung Quốc và vấn đề người Duy Ngô Nhĩ

Trung Quốc đã tử hình 13 người tại tỉnh Tân Cương hồi tháng 6/2014 vì tội khủng bố

Người Duy Ngô Nhĩ là tên phiên dịch ra tiếng Trung của từ Uighurs. Từ này là do dân Nga đặt ra dưới thời Xôviết. Sắc dân Duy Ngô Nhĩ thuộc gốc Thổ (Turkic) tương tự như người dân tại các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Turkmenistan hay Turkey...

Ða số của họ theo đạo Hồi. Nhưng nếu người dân của các nước trên đều có một quốc gia riêng thì dân Uighurs lại không có vì lãnh thổ của họ bị Bắc Kinh thôn tính và sát nhập vào đất Trung Quốc từ năm 1949, với tên gọi là “Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ” ở Tân Cương.

Cái tên Tân Cương (tức biên cương mới) là do nhà Thanh đặt ra năm 1884 sau khi chinh phục vùng đất mà người Duy Ngô Nhĩ gọi là Ðông Thổ (đất của dân Thổ miền Ðông). Quốc tế gọi đó là East Turkestan. Sau thời nội chiến, năm 1949, Mao Trạch Ðông hoàn tất việc thôn tính với chính sách biến đất Tân Cương thành vùng đệm quân sự để bảo vệ khu vực sinh hoạt của người Hán. Chủ trương này cũng được áp dụng tại Tây Tạng. Ngày nay, lãnh thổ Tây Tạng cùng Tân Cương được lãnh đạo Bắc Kinh gọi là “quyền lợi cốt lõi”. Nhưng nếu dân Tây Tạng đấu tranh tương đối ôn hòa thì dân Duy Ngô Nhĩ lại có đường lối cực đoan hơn. Họ không từ chối giải pháp bạo động để giành lại độc lập. Họ vừa có tổ chức chính trị như đảng Hồi giáo Turkestan và lực lượng bán quân sự ETIM, một tổ chức bị Bắc Kinh kết án là khủng bố.

Người Duy Ngô Nhĩ hiện sống khắp nơi trên thế giới. Thành phần đấu tranh ôn hòa và bất bạo động đã lập cơ sở chính trị tại Mỹ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á. Còn các nhóm đấu tranh cực đoan hay lực lượng dân quân thì tìm vào Afghanistan để nương nhờ chế độ Taliban (lên nắm chính quyền từ 1996), hay tới Pakistan tìm sự trợ giúp của Taliban, Al-Qaeda hay nhóm vũ trang khủng bố Uzbekistan.

Lực lượng ETIM được một người Duy Ngô Nhĩ tên Hasan Mahsum thành lập năm 1997. Mahsum từng lánh nạn tại thủ đô Kabul của Afghanistan, được Taliban che chở và tiếp xúc với Al-Qaeda cùng thủ lĩnh Osama bin Laden. Sau này, Mahsum bị các đơn vị quân đội Pakistan hạ sát khi họ càn quét một căn cứ Al-Qaeda trong vùng nam Waziristan.

Ngoài Hasan Mahsum của lực lượng ETIM, nhân vật lãnh đạo khác của khủng bố Duy Ngô Nhĩ là Abdul Shakoor al-Turkistani. Người này cũng sát cánh với Al-Qaeda và tháng 8/2012 thì bị máy bay không người lái của Mỹ giết chết cùng ba phụ tá dưới trướng.

Như vậy, khủng bố Hồi giáo tại Tân Cương đã ra ngoài tiếp xúc và hợp tác với phong trào Thánh chiến quốc tế, rồi phổ biến phương tiện tuyên truyền của họ bằng tiếng Arập làm vũ khí huy động ở Tân Cương. Bên trong lãnh thổ Trung Quốc, ngoài đất Tân Cương, dân Duy Ngô Nhĩ còn sống tản mác ở Hồ Nam hay Vân Nam.

Bản thân những người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc cũng đang tìm cách di cư. Ngày 13/3/2014, chính quyền Thái Lan tại quận Sadao trong tỉnh Songkla bắt hai nhóm Hồi giáo nhập lậu vào Thái, một nhóm 218 người, một nhóm 78 người. Họ theo đạo Hồi, tự xưng là người Thổ (Turkish) nhưng thực tế đây là người Duy Ngô Nhĩ từ Trung Quốc tràn sang. Họ không là khủng bố mà là di dân lậu để ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Người Duy Ngô Nhĩ có mạng lưới nhiều ngả để ra khỏi Trung Quốc, đi qua các nước hạ lưu Mekong để tới miền nam Thái Lan rồi Malaysia. Từ đây, di dân Hồi giáo hy vọng được giấy thông hành để tới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đến một nước Hồi giáo khác.


S.Phương(tổng hợp)