Trung Quốc tìm mọi cách để mưu lợi

07:10 | 19/10/2015

1,174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo tờ New York Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry đã có cuộc họp 2 ngày (12 và 13-10) với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Julie Bishop tại thành phố Boston và cùng bàn việc đưa tàu tiến sát những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông, nhằm khẳng định sự tự do đi lại tại vùng biển này.

4 Bộ trưởng kể trên cũng yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay hành vi xây dựng, bồi lấn và quân sự hóa tại các đảo nhân tạo kể trên. Hãng Reuters dẫn lời ông Ashton Carter cho biết, Australia và Mỹ đều muốn duy trì và làm mới lại kiến trúc an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi các bên trỗi dậy và các bên đều thịnh vượng, nhưng không được mắc sai lầm.

Trong khi đó, bà Julie Bishop nhấn mạnh, Washington và Canberra không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng kêu gọi tất cả các bên không hành động đơn phương, không làm căng thẳng leo thang; đồng thời muốn Bắc Kinh tuân thủ cam kết hôm 25-9 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, khi ông Tập Cận Bình tuyên bố không quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Tân Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng từng phản đối hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

trung quoc tim moi cach de muu loi
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc

Điều đáng nói là mặc dù cam kết tăng cường hợp tác, nhưng Australia không muốn tham gia tuần tra trên Biển Đông cùng với Mỹ. Bởi Canberra không muốn đắc tội với Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh Australia phụ thuộc khá lớn vào kinh tế Trung Quốc.

Theo nhận định của chuyên gia Rory Medcalf đến từ Trung tâm An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, rất có thể Mỹ sẽ tuần tra 12 hải lý xung quanh các bãi đá Vành Khăn, Su Bi và Ga Ven trước, bởi chúng là những rặn san hô hoàn toàn ngập nước khi triều lên, không thể có 12 hải lý lãnh hải theo UNCLOS.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban từng tuyên bố, Mỹ đang hiện diện và sẽ tích cực hoạt động tại biển Hoa Đông và Biển Đông bởi Washington không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền về biển vượt quá những gì được phép theo luật pháp quốc tế.

Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á David Shear cũng thừa nhận, Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra tự do đi lại, nhưng chưa đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép tại Biển Đông.

Ngày 14-10, Hãng BBC đưa tin, Mỹ sẽ điều tàu chiến tuần tra vùng biển đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp, và Philippines hoan nghênh động thái này. Ngày 13-10, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố, kế hoạch tuần tra ở vùng biển 12 hải lý quanh đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Mỹ dự định tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, và đem lại trật tự cho khu vực.

Đồng thời nhấn mạnh, không thể để Trung Quốc hiểu rằng, yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của Bắc Kinh đã được chấp nhận. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Philippines hoan nghênh quyết định của Mỹ.

Ông Antonio Trillanes còn khẳng định, Washington cần lập tức tuần tra để biết Trung Quốc sẵn sàng làm những gì đối với các đảo nhân tạo này, đồng thời tin tưởng, biện pháp của Mỹ sẽ không gây nguy cơ đối đầu trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho rằng, Mỹ đã tuần tra tại vùng biển tranh chấp này trong nhiều năm qua, và sự hiện diện của Washington ở Biển Đông là một cách để bảo đảm tự do, an ninh hàng không, hàng hải.

Và tàu chiến Mỹ được tự do cập cảng Philippines theo thỏa thuận hợp tác an ninh quốc phòng song phương hiện có. Trước đó (8-10), Philippines và Mỹ đã tổ chức diễn tập tấn công đổ bộ ở khu vực bờ biển tỉnh Cavite, với sự tham gia của lính thủy đánh bộ 2 nước, trong đó có sử dụng đạn thật khoảng 45 phút.

Đây là một phần trong khuôn khổ cuộc diễn tập đổ bộ kéo dài 8 ngày và kết thúc hôm 9-10.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng cho rằng, các chuyến tuần tra của Mỹ sẽ giúp bảo vệ sự ổn định của khu vực. Trước đó, khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Foreign Policy bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Albert del Rosario từng cảnh báo cộng đồng quốc tế, phải cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi Bắc Kinh đang âm mưu thay đổi trật tự quốc tế.

trung quoc tim moi cach de muu loi

Và nếu Trung Quốc trở thành siêu cường, luật pháp quốc tế sẽ không được tuân thủ. Ông Albert del Rosario đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ các nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuy coi động thái bảo vệ lợi ích của Mỹ là đúng đắn, nhưng ông cũng lưu ý, hành động cần thận trọng. Ngày 12-10, tờ New York Times cho biết, nhiều quan chức Mỹ và các nước châu Á xác nhận, Washington đã thông báo cho các đồng minh châu Á về việc Hải quân Mỹ sẽ tuần tra ở vùng biển lân cận đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Và mục đích của việc này là thách thức yêu sách lãnh hải của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược, nhưng đang có tranh chấp này. Cũng trong ngày 12-10, trang mạng National Interest nhận định, chiến lược “xoay trục” của Mỹ đang bị tạm ngừng sau 4 năm triển khai.

Và trong 2 năm tới, chính sách của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung, có lẽ sẽ trong trạng thái đứng yên. Bởi trong năm bầu cử 2016, Washington sẽ tập trung vào chính sách đối nội, còn Bắc Kinh tập trung ổn định nền kinh tế và chuẩn bị cho Đại hội 19 diễn ra trong năm 2017.

Ngày 16-10, tại Washington, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ hội đàm với Tổng thống Barack Obama và bàn về những quan ngại song phương cùng quan tâm, trong đó có đề cập tới tình trạng căng thẳng đang tiếp diễn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trước đó (12-10), tại Busan, Hàn Quốc, Trung Quốc tiến hành thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và đây được coi là “đòn đáp trả” đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.

Và RCEP dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán trong năm 2015. Nếu hình thành, RCEP sẽ là hiệp định kinh tế lớn nhất thế giới bởi có hơn 3 tỉ người, cùng tổng GDP vào mức 17.000 tỉ USD và chiếm tới 40% hoạt động thương mại toàn cầu.

Tuấn Quỳnh

Năng lượng Mới 466