Trung Quốc có thể dùng sức mạnh để áp chế Nhật Bản

10:45 | 04/05/2013

870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sử dụng sức mạnh ngày càng lớn của mình để lấn lướt Nhật Bản, nhưng Bắc Kinh sẽ tránh tham gia vào một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh với Hoa Kỳ, một nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ cho biết.

>> Châu Á lo ngại hành động gây hấn quyết liệt của Trung Quốc

>> Trung Quốc 'tẽn tò' vì Đài Loan bắt tay với Nhật ở Senkaku

Tàu hải giám Trung Quốc số 51 đang hải hành song song cùng với tàu Ishigaki thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

 

Báo cáo vừa công bố hôm 3/5 của Viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace có trụ sở tại Washington, được coi là một nghiên cứu công khai toàn diện nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động trên liên minh Mỹ - Nhật trong những năm tới đây.

Dưới tựa đề “Quân sự Trung Quốc và Liên minh Mỹ-Nhật Bản đến năm 2030” (China’s Military and the U.S.-Japan Alliance in 2030), các chuyên gia Mỹ ghi nhận rằng, có mối liên quan giữa việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng trên 10% liên tiếp trong những năm gần đây với việc Trung Quốc ngày càng tạo ra những quan hệ căng thẳng với Nhật Bản. Tokyo đã và đang lên tiếng báo động về tần số càng lúc càng dồn dập của các vụ tàu Trung Quốc đột nhập vào khu vực bao quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Theo các chuyên gia Mỹ, nhìn một cách tổng quát thì chủ trương của Trung Quốc vẫn là chỉ dùng vũ lực như một phương cách tối hậu trong vấn đề đối ngoại. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay có thể thấy có lợi trong việc xử lý vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư như là một trường hợp đặc biệt, tức là có khả năng Bắc Kinh sẽ viện đến sức mạnh để đạt mục tiêu giành lấy chủ quyền.

Báo cáo viết : “Thách thức tiềm tàng đối với liên minh Mỹ-Nhật trong vòng từ 15 đến 20 năm tới đây không bao hàm một cuộc xung đột quân sự toàn diện giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay Hoa Kỳ - chẳng hạn như trong trường hợp Trung Quốc cố gắng dùng sức mạnh trục xuất Mỹ ra khỏi khu vực”.

Thách thức nhiều khả năng xảy ra nhất, theo bản báo cáo, sẽ bắt nguồn từ “sức mạnh cưỡng chế ngày càng tăng của Bắc Kinh”. Tiềm lực quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc có thể cho phép Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng hoặc tìm cách giải quyết tranh chấp với Tokyo theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

“Các thay đổi đáng kể” - chẳng hạn như một cuộc chiến tranh lạnh tại châu Á giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các đồng minh, hoặc khả năng Châu Á bị Trung Quốc hoàn toàn khống chế, nhưng những điều này chưa thể xảy ra vào thời điểm năm 2030.

Báo cáo dài 395 trang là công trình nghiên cứu của 9 chuyên gia, dẫn đầu là Michael Swaine, một chuyên gia kỳ cựu của Mỹ về an ninh Trung Quốc. Nó khắc phục các thiếu sót trong các nghiên cứu trước đây khi chỉ nhìn vào các yếu tố quân sự hay giả định trường hợp xấu nhất xảy ra với Trung Quốc.

Trong công trình nghiên cứu mới nhất này, các tác giả xác định 2 kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất với Trung Quốc.

Ở kịch bản thứ nhất, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 4 – 5% mỗi năm – một tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn so với những năm trước, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào việc giữ ổn định trong nước.

Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ áp dụng một “quan điểm hạn chế và chủ yếu là phòng thủ” đối với Nhật Bản là liên minh Mỹ - Nhật trong vòng 15 đến 20 năm tới. Điều này phù hợp với chính sách gần đây của Trung Quốc.

Ở kịch bản thứ 2, khi đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, Trung Quốc sẽ cố gắng tích cực gây áp lực với Nhật Bản hơn nữa, tuy nhiên, cũng sẽ tìm cách hợp tác kinh tế và nỗ lực để tránh khiến Tokyo và Washington phải “báo động quá mức” về sự trỗi dậy của mình.

Minh Châu (Theo AFP)