Trung Quốc chặn đường thoát của các quan tham

16:22 | 23/06/2013

365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền Bắc Kinh đang xử vụ án quan tham lớn nhất đầu tiên dưới thời tân Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhân dịp này, báo chí Trung Quốc đã điểm lại công cuộc ngăn chặn việc đào thoát của các quan chức tham nhũng cùng các nguồn tiền tham ô ra nước ngoài.

Ngày 9/6, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân, 60 tuổi, đã ra tòa để trả lời về các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền suốt thời gian hơn 20 năm lãnh đạo ngành đường sắt, trong vụ án được coi là lớn nhất về tham nhũng dưới thời tân Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo cáo trạng, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc bị buộc tội nhận hối lộ 64,6 triệu nhân dân tệ (tương đương 8 triệu euro) từ năm 1986 đến 2011. Tư pháp Trung Quốc cũng khép ông Lưu Chí Quân vào tội lạm dụng quyền lực để thăng chức hoặc cấp hợp đồng cho 11 người.

Theo giới quan sát, những hành động của Lưu Chí Quân đã làm xấu đi nghiêm trọng uy tín ban lãnh đạo của ngành đường sắt Trung Quốc, đặc biệt với sự phát triển “thần tốc” của mạng tàu cao tốc trong thời gian gần đây, rất được ngưỡng mộ tại nước này, thậm chí ở cả nước ngoài.

Vài tháng sau vụ hạ bệ ông Lưu Chí Quân, uy tín ngành đường sắt Trung Quốc còn bị tổn hại nặng nề thêm, sau vụ hai tàu cao tốc đâm nhau khiến 40 người chết, ngày 23/7/2011, gần Ôn Châu, tai nạn đường sắt lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2008. Đường sắt cao tốc của Trung Quốc, mới được hình thành từ năm 2007, ít lâu sau đã trở thành mạng lưới rộng nhất thế giới.

Thảm nạn Ôn Châu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đường sắt cao tốc của Trung Quốc ở nước ngoài. Hệ quả trực tiếp của tai nạn này cùng với bê bối liên quan đến cựu Bộ trưởng khiến Bộ Đường sắt phải giải thể vào tháng 3/2013 và các ban ngành của Bộ này được đặt dưới sự quản lý của Bộ Giao thông.

Cựu Bộ trưởng đường sắt của Trung Quốc Lưu Chí Quân ra trước tòa án ở Bắc Kinh, ngày 9/6/2013

Ông Lưu Chí Quân, trước đó đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, có khả năng bị kết án tử hình hoặc ít nhất cũng phải chịu án tù rất nặng. Phán quyết vụ án này sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Vào tháng 4/2013, Lưu Chí Quân đã chia tay với luật sư cũ, vì không có hy vọng người này sẽ giúp thoát án tử hình. Tuyên bố trên trang mạng Nhân dân Nhật báo, luật sư mới của cựu Bộ trưởng Đường sắt cho biết, thân chủ của ông không phủ nhận các tội danh trong cáo trạng và các tranh luận sẽ chỉ tập trung vào lượng tiền tham nhũng.

Trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ kiên quyết chống nạn tham nhũng ở mọi cấp trong hệ thống quyền lực, tệ nạn đe dọa tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối tượng của cuộc chiến này sẽ là “những con ruồi và những con hổ”, có nghĩa là từ những quan chức cấp thấp nhất đến những người thuộc giới lãnh đạo.

Hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đang thi hành những biện pháp khẩn cấp. Cơ cấu chống tham nhũng chính là Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật Trung ương đang hoạch định cơ chế giám sát các hoạt động của các quan tham cấp dưới đang cố gắng chạy khỏi đất nước. Trong quá khứ, công việc “chặn đường” này thường do chính quyền trung ương thực hiện và chủ yếu tập trung vào hàng quan chức cấp cao. Tuy nhiên, trong tương quan số lượng các nhân vật “một đi không trở lại” qua mỗi năm đều tăng lên, đã bộc lộ yêu cầu phải có cơ chế duy nhất và những biện pháp thích hợp ở bình diện này.

Theo dữ liệu chính thức, từ cuối năm 2000 đến 2011 các cơ quan kiểm tra Trung Quốc đã bắt giữ 18.487 quan chức nghi vấn tham nhũng khi họ toan tính đào tẩu. Số tiền đưa ra nước ngoài cũng không ngừng gia tăng. Nếu năm 2008 là khoảng 24,5 tỉ nhân dân tệ, thì đến cuối năm ngoái chỉ số này đã là 102 tỉ nhân dân tệ. Bản báo cáo do Tòa án Nhân dân Tối cao của CHND Trung Hoa công bố năm 2009, dẫn số liệu chính thức cho thấy, trong thời gian 15 năm (1998-2002) dòng tiền chảy ra nước ngoài là hơn 191 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 13 tỉ USD/năm.

Dễ hiểu là chính quyền Trung ương Trung Quốc không thể không chú ý đến diễn biến như vậy. Năm 2005 và năm 2007, nhóm điều phối chống tham nhũng trung ương đã lập các đơn vị, có nhiệm vụ nêu cáo buộc với những quan chức bị phát hiện trong lúc cố gắng chạy trốn khỏi đất nước. Ngoài ra, một nhóm đặc biệt đã được thành lập, mà trong trọng trách có việc bắt giữ các quan tham đào thoát. Đơn vị có chức năng theo dõi các quan tham chạy trốn khỏi Trung Quốc, đã được thành lập trong khuôn khổ Cơ quan Quốc gia về cảnh báo tham nhũng. Cơ cấu này cũng tham gia hợp tác quốc tế và dành sự trợ giúp pháp lý quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Dưới góc độ về các thành phần tham nhũng, trong công việc cho đến gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc mới chỉ theo dõi chặt chẽ hoạt động của quan chức cấp phó lãnh đạo tỉnh trở lên. Tuy nhiên, danh sách các cán bộ phải kê khai tài sản và thông tin cá nhân đang dần tăng lên. Điều này thực tế tiến hành cả với các nhân vật từng giữ chức quyền nay đã nghỉ hưu. Từ năm 2011, các quan chức cấp cao có vợ (chồng) hoặc con cái đã ra nước ngoài, cần phải điền vào các bản khai bổ sung. Đối với số này cũng tiến hành “kiểm tra” đặc biệt nếu chuẩn bị được đề bạt, thăng chức, hoặc nếu như họ nhận được quyền truy cập thông tin thuộc bí mật quốc gia.

Tháng 1/2005, đề án mới hướng tới kiểm soát việc các quan chức chính phủ và thân nhân của họ chuyển vốn tư bản ra nước ngoài đã được công bố. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng đã khởi động một số chương trình thí điểm, đòi hỏi các thành viên chính phủ và quan chức cao cấp của đảng, cũng như người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo về những người thân trực tiếp hiện đang sinh sống hay học tập ở nước ngoài.

Dù vậy, theo nhận xét của báo chí Trung Quốc, tất cả những nỗ lực này vẫn còn phân tán. Suốt thời gian dài ở Trung Quốc không hiện hữu cơ chế hiệu quả duy nhất có thể chặn đứng các cuộc đào tẩu ra nước ngoài của các quan tham hay là tạo điều kiện theo dõi di chuyển tiếp theo của những đối tượng đã chạy thoát ra hải ngoại.

Bây giờ, một cơ chế như vậy đã xuất hiện. Có thể thấy, Trung Quốc ngày càng tích cực hơn trong việc buộc hồi hương các cựu quan chức chạy thoát để đưa ra xét xử trước tòa. Hiện nay đã có hơn 160 quốc gia và tổ chức quốc tế đồng ý hỗ trợ giúp Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm và đưa trở về nước những tội phạm chạy trốn công lý. Hiện Trung Quốc đang đàm phán với các cơ quan chức năng của Mỹ về cưỡng chế hồi hương các cựu quan tham Trung Quốc đã lẩn trốn tại Mỹ. Washington hứa sẽ trả số này về nước nếu Bắc Kinh cung cấp đủ bằng chứng khẳng định tội tham nhũng.

Nhưng nỗ lực chính có lẽ vẫn tập trung vào công tác ở nội địa Trung Quốc. Ở một số tỉnh thành, trước đây khi phát hiện sự kiện chạy trốn, phản xạ chính thức đầu tiên đã là không để thông tin này lọt ra báo chí và cố gắng giấu giếm công luận. Bây giờ có vẻ là mỗi trường hợp đào tẩu của quan tham đều sẽ điều tra kỹ lưỡng. Chính quyền quan tâm nhiều hơn đến tính công khai, bởi xã hội Trung Quốc đang kỳ vọng rất nhiều vào chiến dịch mới chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Song Phương