Tranh cãi nảy lửa giữa Nga và Mỹ về Syria

19:00 | 18/06/2013

743 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những tranh cãi gay gắt với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về cách thức chấm dứt cuộc chiến ở Syria tại hội nghị thượng đỉnh G8 đang diễn ra tại Bắc Ai Len.

 

Cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự vào ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh G8, đang diễn ra ở Bắc Ai Len. Tổng thống Nga Putin không chỉ thảo luận nội dung này trong khuôn khổ trao đổi song phương với các nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ và Nhật Bản, ông còn đề cập vấn đề cả trong bữa trưa với nguyên thủ các quốc gia G8.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại hội nghị thượng đỉnh G8 ngày 17/6 ở Bắc Ai Len

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và người đồng nhiệm Obama kéo dài 2 tiếng đồng hồ diễn ra vào cuối ngày làm việc hôm qua ở khu nghỉ mát Lough Erne.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Obama, ông Putin cho biết Matxcơva và Washington có quan điểm khác nhau về vấn đề Syria nhưng đồng ý chấm dứt đổ máu, đảm bảo không sử dụng vũ khí hóa học và các bên tham chiến cần ngồi lại đàm phán với nhau.

Ông Vladimir Putin nêu rõ, bất chấp tất cả những khác biệt trong quan điểm, Matxcơva và Washington đã thỏa thuận rằng điều quan trọng là cuộc xung đột ở Syria cần được giải quyết duy nhất bằng con đường chính trị. Tổng thống Nga nói: “Trong một số phương diện, quan điểm của chúng tôi không trùng lặp, nhưng chúng tôi có chung nguyện vọng chấm dứt bạo lực ở Syria, ngăn chặn sự gia tăng con số nạn nhân, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, gồm cả thông qua thương lượng tại Geneve. Chúng tôi đã nhất trí thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình và khuyến khích các bên ngồi vào bàn thương lượng, tổ chức cuộc gặp tại Geneve”.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định Washington và Matxcơva đều không từ bỏ ý tưởng hội nghị hòa bình. Công tác chuẩn bị sẽ được tiếp tục, ông Obama nói: “Chúng tôi đều quan tâm tới việc chấm dứt tình trạng bạo lực diễn ra ở Syria, cũng như mong đợi bảo đảm an toàn các vũ khí hóa học có thể có ở Syria, nhằm ngăn chặn nguy cơ sử dụng và phân phối. Chúng tôi cũng nói về việc nỗ lực giải quyết cuộc xung đột thông qua giải pháp hòa bình. Và chúng tôi dự định chỉ đạo các đoàn của mình làm việc xúc tiến vòng đàm phán tiếp theo tại Geneve”.

Giới quan sát nhận định, mặc dù Matxcơva và Washington đồng ý về kết cục cuối cùng của cuộc khủng hoảng Syria nhưng cách giải quyết mỗi bên rất khác nhau. Các đồng minh phương Tây của đối lập Syria dự kiến cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, tạo thế cân bằng trên chiến trường với mục đích là tạo vị thế cho đối lập trên bàn thương lượng. Trong khi đó, Tổng thống Putin cảnh báo là Matxcơva không thể chấp nhận khả năng này.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron hôm 16/6, Tổng thống Nga đã tuyên bố: “Tôi nghĩ là mọi người đều đồng ý với nhau một điều là không đáng phải hỗ trợ những kẻ mà không chỉ giết mà còn ăn thịt cả kẻ thù của mình công khai trước camera”. Tổng thống Putin muốn nhắc lại đoạn băng ghi hình được tung lên mạng hồi tháng 5 vừa qua, cho thấy một lính nổi dậy mổ bụng một binh sĩ quân chính phủ một cách man rợ.

Nga là nước trang bị vũ khí chủ yếu cho chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad và vẫn để ngỏ khả năng cung cấp cho Damas loại tên lửa phòng không S-300.

Về phần mình, hôm 13/6 vừa rồi, Nhà Trắng đã tố cáo Damas sử dụng vũ khí hóa học và như vậy đã vượt qua “lằn ranh đỏ”, đồng thời, Washington thông báo sẽ tăng mức độ hỗ trợ đối lập Syria. Điều này khiến cho dư luận nghĩ đến khả năng Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Syria.

Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc xung đột Syria đang phơi bày mối hiềm khích cũ giữa Nga và phương Tây tại hội nghị G8. Nhà phân tích Chris Phillips thuộc trường Ðại học Queen Mary ở London, lập luận rằng Matxcơva đã từng đóng một vai trò quốc tế nhất quán trong vụ xung đột ở Syria. Ông phân tích: “Người Nga luôn ủng hộ nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Theo quan điểm của họ, người Syria có quyền kết thúc mọi chuyện bên trong Syria theo ý muốn của họ và họ sẽ giữ vững lập trường ấy”.

Tổng thống Putin sẽ nhận thấy là về vấn đề Syria, ông sẽ là người chống lại bảy người khác tại hội nghị G8. Theo ý kiến của giáo sư Christopher Brown thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị ở London, bất kỳ tiến bộ nào về vấn đề Syria cũng sẽ tùy thuộc vào các cường quốc thời Chiến tranh Lạnh đã từng là đối thủ của nhau trong lịch sử tìm ra một quan điểm chung.

Th.Long (Theo Reuters)