TP HCM: Tầng nước ngầm bị ô nhiễm nặng

15:24 | 08/12/2011

1,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại nhiều khu vực ở TP HCM nguồn nước dưới đất đã có sự suy thoái đến mức báo động về số lượng và chất lượng nước.

Nước giếng khoan được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt tại các vùng ven ở TP HCM

Thông tin được cho biết tại Hội nghị điều tra, đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước khu vực phía Nam ngày 8/12 do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam tổ chức.

Kết quả nghiên cứu về chất lượng nước ngầm ở TP HCM của Đại học Quốc gia thành phố cho thấy: hàm lượng arsen (một tác nhân gây bệnh ung thư) ở khu vực Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và một vài khu vực khác khá cao, với tỉ lệ 30,74 – 43,1ppb (mức cho phép là 10ppb). Ngoài ra cũng tại khu vực Bình Mỹ (Củ Chi), bãi rác Đông Thạnh nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm chì ở nồng độ cao.

Một nghiên cứu khác của Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP HCM phát hiện thành phần hóa học của nước ngầm ở một số điểm ngẫu nhiên được lấy mẫu vượt quá tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo quy định của nước ta. Hầu hết các giếng đều bị ô nhiễm vi sinh trầm trọng như khu vực nghĩa trang Phú Thọ, bãi rác Đông Thạnh, khu dân cư Tân Thới Hiệp (Hóc Môn).

Nhìn chung, nước ngầm ở TP HCM phần lớn bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm hữu cơ. Quá trình ô nhiễm này xảy ra từ lâu và hiện đang tiếp tục có xu hướng tăng dần. Mức độ ô nhiễm có thể nhận thấy là nước có mùi tanh, đóng váng màu vàng trên mặt nước, nước nhiễm sắt khi pha trà nước chuyển sang màu tím hoặc làm mất mùi trà.

Các nguyên tố vi lượng trong nước ngầm ở một số khu vực vượt chuẩn cho phép như: có hàm lượng Mn (mangan) lên đến 9,84mg/l (hàm lượng tiêu chuẩn 0,5mg/l), hàm lượng này cao có thể gây suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, rối loạn sinh dục, nội tiết, gây các bệnh phổi, chảy máu cam… Hàm lượng Nitơ (Ni) trong nước ngầm một số khu vực lên đến 188,17mg/l (chuẩn cho phép là 20mg/l), có khả năng gây tổn hại tim, gan, bao tử, ảnh hưởng máu; hàng lượng thủy ngân (Hg) trong nước ở một số vùng cũng vượt quá tiêu chuẩn, có thể gây tổn thương thận, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, rối loạn tiêu hóa, sảy thai…

Xí nghiệp cấp nước Trung An cho biết: nguồn nước ngầm ở khu vực Gò Vấp và quận 12 có nhiều chất độc hại vượt quá chi tiêu cho phép nhiều lần. Cụ thể: hàm lượng amoniac là 9,5mg/l (tiêu chuẩn phải nhỏ hơn 1,5mg/l), các chất hữu cơ, nitrat xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực gần bãi rác, nghĩa địa.

Hiện nay, ở TP HCM nguồn nước ngầm chiếm 1/2 tổng lượng nước khai thác sử dụng của toàn thành phố. Bên cạnh tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng của nguồn nước này thì mức độ khai thác trong những năm gần đây gia tăng nhanh chóng, đã vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Nguy cơ dẫn đến suy thoái các tầng chứa nước do khai thác không quy hoạch đang ngày càng rõ nét. Theo tài liệu quan trắc động thái của mạng quan trắc quốc gia trên địa bàn TP HCM cho thấy, ở nhiều nơi mực nước hạ thấp đã vượt quá giới hạn cho phép.

Mai Phương