Tổng Bí thư: Không bỏ phiếu giới thiệu lại 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt

12:01 | 05/07/2021

279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nguyên tắc, các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội mà Trung ương đã giới thiệu tại Hội nghị 2, kỳ này Trung ương không bỏ phiếu giới thiệu lại.

Sáng 5/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Giới thiệu nội dung nghị sự của hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một số nhiệm vụ: Thảo luận, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII; Quy định thi hành về Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV sắp tới; và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng Bí thư: Không bỏ phiếu giới thiệu lại 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt - 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 3, sáng 5/7/2021.

Chiến lược phát triển kinh tế trong đại dịch

Đi vào các nội dung cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 là công việc rất hệ trọng.

Ngoài phần việc đã hoàn thành phục vụ việc kiện toàn sớm một số chức danh (3 chức danh lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác thuộc các khối cơ quan này) sau Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư đề cập, còn 23 chức danh chưa giới thiệu và các chức danh có dự kiến thay đổi thì Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu về các nhân sự này trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Theo đó, 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt và 24 chức danh lãnh đạo đã kiện toàn hồi tháng 4 năm nay, được giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao, Trung ương sẽ không bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, theo Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương lần này 3 sẽ xem xét, quyết định các kế hoạch phát triển, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả nhiệm kỳ, giai đoạn. Đây là những kế hoạch hết sức quan trọng, rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tổng Bí thư đề nghị đánh giá khách quan, toàn diện tình hình hiện nay, phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng phát triển mới trên thế giới.

6 tháng đầu năm nay, Tổng Bí thư nhận định, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài. Cả nước vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Trong bối cảnh đó, dù kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Chiến lược phát triển kinh tế trong đại dịch cần theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số và xã hội số...

Tổng Bí thư mong Trung ương thảo luận về báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, các chỉ tiêu cơ bản cũng như cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện cho sát với thực tế. Lãnh đạo Đảng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển...

Chỉnh quy định kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Việc xây dựng quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UB Kiểm tra Trung ương, theo Tổng Bí thư, là nhiệm vụ cần thiết ngay đầu nhiệm kỳ mỗi khóa, sau Đại hội Đảng. Việc này nhằm cụ thể hóa Điều lệ, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo đảng, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tổng Bí thư nhận định, Quy chế làm việc của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng khóa này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt trong các cơ quan; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là những người đứng đầu; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng…

Người lãnh đạo đứng đầu Đảng đề nghị Trung ương cho ý kiến, góp ý vào dự thảo quy chế, tập trung vào các nội dung như: Trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra Trung ương; của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, địa phương, phương pháp, lề lối làm việc…

Đối với vấn đề quy định về thi hành Điều lệ Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đại hội Đảng XIII đã quyết định không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Theo nhiệm vụ Đại hội giao nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh một số nội dung thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, UB Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chuẩn bị tờ trình và dự thảo các quy định. Nội dung của tờ trình và dự thảo các quy định đã bám sát Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng, trên cơ sở các Quy định số 29 và Quy định số 30 năm 2016 của Trung ương khóa XII để đề xuất những nội dung cần hướng dẫn, quy định cho phù hợp với thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng.

Tổng Bí thư đề cập những nội dung qua thực tiễn thể hiện những vướng mắc, bất cập, như quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở, chi bộ; việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; trường hợp kết nạp và công nhận đảng viên chính thức sai quy định.

Mảng nội dung khác là quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và thẩm quyền, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp; thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, quy định về việc xử lý khi phát hiện vi phạm kỷ luật liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý. Liên quan đến vấn đề này là nội dung về công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng; thi hành kỷ luật và biểu quyết thi hành kỷ luật; khiếu nại kỷ luật đảng...

Theo Dân trí

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có nhiều vi phạm trong công tác cán bộBan Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có nhiều vi phạm trong công tác cán bộ
Phấn đấu 75% các cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữPhấn đấu 75% các cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ
“Trẻ người” nhưng đừng “non dạ”!“Trẻ người” nhưng đừng “non dạ”!
Cán bộ “xé rào”: Không bảo vệ được cái mới, trả giá lớn nhất là niềm tin!Cán bộ “xé rào”: Không bảo vệ được cái mới, trả giá lớn nhất là niềm tin!
Công tác nhân sự Trung ương khóa mới được tiến hành như thế nào?Công tác nhân sự Trung ương khóa mới được tiến hành như thế nào?