Thủ tướng Chính phủ: “Sẽ dừng, nếu Dự án thủy điện không an toàn!”

15:42 | 14/11/2012

947 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn Quốc hội, phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự đánh giá cao từ đại biểu cũng như cử tri cả nước bởi nội dung bao quát, tính trực diện và trọng tâm giải quyết vấn đề.

>> Toàn văn giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này, các đại biểu đã gửi tổng cộng 175 phiếu chất vấn với 247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ (5 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn dành riêng cho Thủ tướng). Thủ tướng cũng thông báo việc uỷ nhiệm, yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), người đầu tiên chất vấn bày tỏ sự tâm huyết từ cộng đồng doanh nghiệp với nhiệm vụ đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của những vị trí điều hành Chính phủ.

Trước khi bắt đầu phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại việc cá nhân Thủ tướng đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém của Chính phủ trong điều hành trên các lĩnh vực, trong đó mấu chốt là giám sát các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Để nâng vao năng lực và chất lượng quản lý, điều hành, Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế luật pháp, đồng thời nâng cao tính hiệu quả trong thực thi luật pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn Quốc hội.

Thủ tướng cho biết nhiều Nghị định vừa ban hành đã nảy sinh những bất cập, những lạc hậu so với sự biến chuyển liên tục trong xã hội. Nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội đòi hỏi phải có văn bản nhưng quá chậm chạp. Tiếp đó, là nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình... kịp phản ứng theo thị trường trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong việc xây dựng quy hoạch chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Hoàn thiện bộ máy Chính phủ đến bộ máy hành chính ở các địa phương. Sức mạnh trước hết từ tổ chức, không để bất cứ lĩnh vực nào không có cơ quan chịu trách nhiệm về mặt Nhà nước hoặc trùng lắp, dẫm chân.

Xung quanh chất vấn của đại biểu - Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về vấn đề giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản, người đứng đầu Thủ tướng cũng công bố đường đi, nước bước của Chính phủ trong thời gian tới.

“Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức, phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...). Các tổ chức tín dụng sẽ phải chủ động cơ cấu lại nợ từ nguồn dự phòng rủi ro, đồng thời cùng doanh nghiệp khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng khẳng định trong quá trình xử lý nợ xấu không thể thiếu vai trò của Nhà nước, nhưng kiên quyết không dùng ngân sách để xử lý nợ cho các tổ chức tín dụng. Thủ tướng cũng cam kết với các giải pháp đồng bộ, sẽ phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát các dự án đã giao để xác định các công trình phải tạm dừng hoặc phải điều chỉnh. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch, khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê, nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.

“Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu đồng thời lo lắng, thấu hiểu những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. CP trăn trở tìm cách giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bởi đây là lợi ích ko chỉ của doanh nghiệp mà còn của cả dân tộc, đất nước”, Thủ tướng chia sẻ. “Về việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trong năm 2013, Chính phủ sẽ tập trung cao độ vào 4 nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Kiềm chế lạm phát một cách quyết liệt, vừa ổn định xã hội, vừa giúp DN tránh rơi vào tình trạng lãi suất cao, tỷ giá biến động, chi phí sản xuất kinh tăng lên. Duy trì tăng trưởng nền kinh tế hợp lý. Tăng tổng cầu hợp lý, bao gồm tăng dư nợ tín dụng và tăng đầu tư công, đầu tư toàn xã hội. Từng bước bảo đảm các cán cân thanh toán, cán cân xuất nhập khẩu, cán cân hàng vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể nền kinh tế.

Nhóm giải pháp thứ hai: Tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai hiệu quả các khâu đột phá. Triển khai tái cơ cấu đầu tư công, tập trung tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, hệ thống NH TMCP. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cao, tạo môi trường, tăng sức cạnh tranh. Đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở một cách đồng bộ hơn.

Nhóm giải pháp thứ ba: Giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải quyết đóng băng thị trường bất động sản.

Nhóm giải pháp thứ tư: Cải cách hành chính (thể chế và thủ tục). Bởi vì với DN là thể chế tài chính, thuế, phí, tiếp cận nguồn vốn, đất đai, thủ tục (đăng ký kinh doanh, thành lập, phá sản...)

Tuy nhiên, hơn hết, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng ủng hộ Chính phủ bằng cách tự cơ cấu mình, tăng cường công tác quản trị. “Chính phủ hành động không là chưa đủ, tôi kêu gọi mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà quản lý tự đổi mới, cơ cấu lại phương án kinh doanh, qua đó nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của Doanh nghiệp, vượt qua thời điểm này bằng chính nội lực của mình. Có như vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Thủ tướng kêu gọi.

Xung quanh khá nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng người người, nhà nhà ồ ạt làm Thủy điện, gây bức xúc trong dư luận, Thủ tướng Chính phủ cũng chính thức lên tiếng về công tác quy hoạch, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, là tiềm năng lớn của đất nước này. “Về tổng sản lượng điện cả nước, các Dự án thủy điện đóng góp 41%; còn về công suất phát điện, con số này là 47%. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch, phát triển thủy điện, đã nảy sinh những khiếm khuyết, bất cập, đòi hỏi Chính phủ phải có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác thủy điện”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Tiếp đó, Thủ tướng đã công khai 5 nhóm yêu cầu đối với một Dự án Thủy điện. Nếu mỗi Dự án không thể thỏa mãn một trong bất kỳ nhóm yêu cầu trên, thì các Bộ chuyên ngành, các địa phương KHÔNG được phép triển khai. Đó là đảm bảo an toàn tuyệt đối (hồ đập, tính mạng nhân dân) đảm bảo di dân, tái định cư đồng bộ, không tác động xấu đến môi trường, đảm bảo hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước) và đúng quy định pháp luật (quy hoạch, lập dự án, thi công, giám sát, vận hành...).

“Qua 2 lần Bộ Công Thương rà soát, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 107 dự án không hiệu quả, đó là thể hiện cao nhất trách nhiệm của bộ máy điều hành. Tinh thần là phát huy tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển đất nước, nhưng không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Chính phủ sẽ điều chỉnh bổ sung qui hoạch, đồng thời quản lý chặt chẽ dự án đang xây dựng hoặc xây dựng mới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Đối với Dự án Đồng Nai 6 và 6A, đây được xác định là khu vực tiềm năng lớn, có trong Quy hoạch điện VI. Theo Thủ tướng Chính phủ, các dự án thủy điện trên đang trong giao đoạn được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đánh giá tác động môi trường. Sau thẩm định, nếu không đảm bảo 1 trong 5 yêu cầu nêu trên thì chắc chắn phải dừng. Điều này hoàn toàn phù hợp với những điều chỉnh của Chính phủ về công tác thủy điện. Thủ tướng cũng cho biết, cơ quan chức năng thẩm định sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết luận của mình; và cơ quan cấp giấy phép cho Dự án cũng đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định hành chính của mình.

Sau khi xin phép chủ tọa phiên chất vấn, Thủ tướng chia sẻ về sự cố liên quan đến Dự án thủy điện sông Tranh 2. Dự án trên nằm trong nhóm công việc thứ ba mà Chính phủ đang tiến hành với công tác thủy điện. Đó là rà soát tổng thể công tác duy trì, vận hành, công tác trồng rừng bổ sung của chủ Dự án. Nếu thiếu đất thì chủ Dự án phải nộp tiền để Chính phủ trồng ở địa phương đầu nguồn, còn đã có đất mà chưa tiến hành thì phải trồng bổ sung. Chính phủ đã chỉ đạo lãnh đạo ngành Công Thương đặc biệt quan tâm đến chất lượng đập thủy điện Sông Tranh 2.

Sau khi sự cố, Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội đã có nhiều chuyến công tác, giám sát Dự án. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị giám sát độc lập thứ 2 (Nhật Bản) và độc lập thứ 3 (Thụy Sỹ) đều kết luận đập của Dự án vẫn trong tình trạng an toàn. Bên cạnh đó, các chuyên gia từ Viện Vật lý địa cầu cũng khẳng định với gia tốc hiện tại, đập sông Tranh có thể tích nước và phát điện trở lại.

Tuy nhiên, lý do Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép tích nước là vì mục tiêu an toàn cao nhất, đó là sự an nguy của người dân trong vùng. Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước lập tổ công tác thường xuyên túc trực tại Hồ Sông Tranh, với đại diện của giám sát, Bộ Công Thương, chủ đầu tư. Đồng thời Chính phủ yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm chính mời bằng được những chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới của Nga, Nhật Bản, Ấn Độ cùng làm công tác đánh giá mức độ an toàn của đập. Ngoài ra, chính quyền địa phương kịp hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi động đất, sớm ổn định cuộc sống như cũ.

Tùng Lê