Thủ tướng Anh Cameron “trèo lên lưng cọp”

07:00 | 06/06/2015

1,887 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Anh David Cameron đã trèo lên lưng cọp khi tuyên bố sẽ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu qua một cuộc trưng cầu dân ý. Tuyên bố này đã giúp ông tái cử nhưng đồng nghĩa với việc giờ đây ông phải thực hiện lời hứa của mình.

Năng lượng Mới số 15

Cuộc bầu cử Quốc hội Anh diễn ra từ hôm 7/5, nhưng đến nay nó vẫn còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn khối EU và nước Anh. Một trong những hậu quả đó là sự chia rẽ trong dư luận châu Âu về vai trò của Anh trong khối 28 nước. Mà điều này bắt nguồn từ việc ông Cameron muốn tái cử Thủ tướng Anh. Đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử hôm 7/5, ông Cameron chơi lá bài sinh tử: sẽ xem xét đưa nước Anh ra khỏi khối EU thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Sở dĩ tuyên bố này được nhiều cử tri Anh ủng hộ vì người Anh lâu nay vẫn cho là công dân các nước châu Âu khác tới Anh để giật “mẩu bánh mì” của họ. Vấn đề di cư và người nhập cư luôn là đề tài tranh luận tại Anh.

Và với chiêu bài này, ông Cameron thắng cử vượt qua mọi cuộc thăm dò trước đó. Nhưng giờ ông Cameron phải thực hiện lời hứa tranh cử của mình, một điều chẳng hề dễ dàng chút nào.

Thủ tướng Anh Cameron “trèo lên lưng cọp”

Tổng thống Pháp François Hollande (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 28-5

Ngày 28/5, Chính phủ Anh công bố câu hỏi trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU. Cử tri nước này sẽ được hỏi “Liệu Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen có nên tiếp tục là thành viên EU hay không?”. Cùng ngày, tờ The Guardian (Anh) đưa tin, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond lên tiếng cảnh báo cử tri nước này sẽ bỏ phiếu chọn rời khỏi EU nếu các nhà lãnh đạo châu Âu không nhất trí với “gói cải cách sâu rộng” theo đề nghị của Thủ tướng David Cameron. Trước đó 3 ngày, Anh đã công bố đối tượng tham gia cuộc trưng cầu ý dân.

Đây được coi là những vũ khí mà ông Cameron mang đi “hù” các nước EU nhân chuyến công du 27 nước châu Âu từ ngày 28/5. Dư luận Pháp nói chung không ưa cách mà Chính phủ Anh đang làm. Về chủ đề này, báo La Croix (Pháp) có tựa trang nhất: “David Cameron muốn điều gì?”. Theo tờ báo, “cuộc đọ sức đã bắt đầu (…) Trong khi chờ đợi (cuộc trưng cầu dân ý), Thủ tướng Anh sẽ cố sức để có được các nhượng bộ từ các đối tác châu Âu. Tuy nhiên, mục tiêu của Anh đòi cải tổ các hiệp ước châu Âu vẫn là điều không thể chấp nhận được đối với Bruxelles”. Nhật báo nổi tiếng Le Monde thì có bài phỏng vấn Ủy viên châu Âu về các thị trường tài chính, Jonathan Hill, với tựa đề “Cần phải biết người Anh muốn gì?”.

Theo Le Monde, Jonathan Hill, người Anh, có ý định làm “người phiên dịch” cho các đàm phán giữa London và Bruxelles (Bỉ), nhằm định nghĩa lại vị trí của nước Anh trong EU trước cuộc trưng cầu sắp tới. Tờ Libération thì bình luận: “Hiện tại, Thủ tướng Anh vẫn khẳng định luôn ủng hộ Anh ở lại trong EU, nhưng tuần trước, khi kết thúc thượng đỉnh châu Âu tại Latvia, David Cameron cho biết “không loại trừ bất cứ điều gì” nếu các yêu cầu cải cách của London bị bỏ qua. Hiện thời, các đòi hỏi của David Cameron còn mơ hồ… Có thể đoán trước là Thủ tướng Anh sẽ đề nghị giới hạn luồng nhập cư của các công dân châu Âu, đặc biệt từ Đông Âu, siết chặt điều kiện hưởng trợ cấp xã hội cho những người mới đến, trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, một yêu cầu như vậy có thể gặp phải sự phản đối mạnh từ 27 quốc gia thành viên khác, bởi điều này trái ngược lại quyền tự do đi lại, vốn là một quyền căn bản trong dự án xây dựng châu Âu”.

Thật ra, theo giới phân tích, mối âu lo của Thủ tướng David Cameron không phải là đi ra khỏi châu Âu. Nếu cộng điểm của cử tri Công Đảng, của cử tri ở Bắc Ailen và Scotland có tiếng thân châu Âu lại với nhau thì dù đảng bảo thủ của ông Cameron có chia rẽ, dù phe dân túy lên điểm, thì kết quả trưng cầu dân ý sẽ thuận lợi cho xu hướng ở lại với châu Âu. Đây cũng là ý muốn của giới tài chính Anh lo sợ bị thiệt hại nặng nề nếu Anh bị cô lập.

Như vậy, Thủ tướng Anh muốn dùng trưng cầu dân ý trong tương lai để gây áp lực với Bruxelles. Là một người có tinh thần thực dụng, David Cameron tập trung đòi hỏi châu Âu phải trả lại cho London một số thẩm quyền, nhân danh quyền lực cao nhất của Quốc hội. Thứ hai là giảm bớt tài trợ xã hội cho công dân một số nước Đông Âu, tức giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nước Anh. Cho đến hôm nay, ông Cameron vẫn không nói rõ muốn châu Âu phải cải cách như thế nào thì phù hợp với nguyện vọng của người Anh. Vào năm 2014 thì ông có tuyên bố là quốc hội mỗi nước có quyền bỏ phiếu ngăn chặn một số chỉ thị của Bruxelles, phải giảm bớt những nguyên tắc hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cảnh sát cũng như tư pháp quốc gia không bị châu Âu can dự vào.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 30/4/2015 tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Thủ tướng Anh về những đề nghị giới hạn một số điều lệ của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ông khẳng định không một thành viên nào chấp nhận Anh áp đặt lịch trình.

Điều chắc chắn là Bruxelles và Đức không chấp nhận “đàm phán lại quyền tự do đi lại”. Thủ tướng Angela Merkel đã nói trước tự do đi lại là quyền không thể nhân nhượng. Ngày 28/5, Pháp đưa ra một cảnh báo thẳng thừng với Thủ tướng Anh David Cameron rằng, kế hoạch tái thương lượng các điều khoản về tư cách thành viên EU của Anh trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc ra đi hay ở lại liên minh này là một tiến trình “nguy hiểm”. Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói nếu EU định trao cho Anh quy chế đặc biệt mà không nhận lại được điều gì thì câu trả lời của Pháp sẽ là “không”.

Sự kiện David Cameron vẫn không nói rõ những yêu sách cải cách châu Âu là một chiến thuật mặc cả buộc Bruxelles phải cho Anh quy chế đặt biệt. Mục tiêu sau cùng của London vẫn là: chuyện gì có lợi thì Anh hưởng, còn nếu bất lợi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, thì Anh từ chối đóng góp, nhân danh nguyện vọng cử tri.

Dù gì thì cũng phải tính đến khả năng Anh rời EU. Nước này sẽ mất gì? Rời bỏ EU sẽ làm nền kinh tế Anh mất đi 56 tỉ bảng mỗi năm trừ phi nước này mở cửa biên giới hơn nữa cho thương mại và lao động nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Đó là cảnh báo của tổ chức Open Europe trong báo cáo đánh giá về những được mất nếu Anh rời khỏi liên minh này.

Báo cáo đưa ra 4 kịch bản dựa trên viễn cảnh Anh rời khỏi EU từ ngày 1/1/2018. Trong kịch bản tồi nhất, Anh rời khỏi Liên minh thuế quan và thị trường chung EU và không đạt được một thỏa thuận thương mại (FTA) với khối này. Kết quả là GDP của Anh sẽ thấp hơn 2,2% so với khi Anh vẫn ở trong EU.

Còn ở kịch bản tốt nhất, GDP của Anh sẽ tăng 1,6% nếu nước này đạt được FTA với phần còn lại của EU và dỡ bỏ hàng rào thương mại với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, cả 3 kịch bản tốt hơn đều đòi hỏi Anh phải nới lỏng nhập cư.

Cũng theo tính toán của Europe Open, các ngân hàng, hãng bảo hiểm và các công ty dịch vụ tài chính sẽ chịu nhiều tổn thất nhất nếu Anh rời khỏi EU và mất quyền bỏ phiếu trong khối. Dựa trên các cuộc phỏng vấn các doanh nghiệp, các hiệp hội kinh doanh và các công ty, Open Europe kết luận rằng, khu vực xuất khẩu sẽ trải qua sự gián đoạn và bất ổn định trong trường hợp Anh rời khỏi EU.

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) - đại diện giới doanh nghiệp - phản đối mạnh mẽ nhất chuyện Anh rời khỏi EU khi kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 8/10 doanh nghiệp Anh cho rằng, rời khỏi EU là điều tồi tệ cho nước này. Cảnh báo việc rời khỏi EU sẽ đặt tương lai toàn cầu của Anh và rủi ro, ông John Cridland, Tổng giám đốc CBI, nói rằng việc tiếp tục là thành viên EU sẽ đóng vai trò quyết định đối với tương lai kinh tế toàn cầu của Anh. Ông nhấn mạnh rằng, đa số các doanh nghiệp thuộc CBI đều có chung quan điểm rằng tốt nhất là Anh ở lại trong một EU cải tổ còn hơn là đứng ngoài và không có ảnh hưởng gì.

Nói chung, theo các nhà phân tích, 2 năm tới đây sẽ là thời gian mặc cả gay go giữa các đối tác châu Âu với Thủ tướng Cameron.

H.Phan