Thịt “bẩn” tràn vào TP HCM

17:32 | 21/11/2011

371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Chi cục Thú Y TP HCM, những tháng cuối năm, tình hình vận chuyển, buôn bán các loại thịt  gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về TP HCM tiêu thụ ngày càng tăng. So với trước đây, mức độ vi phạm của các thương lái quy mô hơn, có tổ chức, tính toán và tinh vi hơn.

Gia cầm không được kiểm dịch được bày bán tại các chợ tự phát

Tính từ đầu tháng 11 đến nay, Chi cục Thú Y TP HCM cùng với các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vận chuyển gia súc gia cầm trái phép.

Sáng 21/11, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cùng với Đội CSGT Rạch Chiếc đã kiểm tra xe tải mang biển số 57H-5395 và phát hiện xe vận chuyển 15 con gia cầm sống, 9.100 quả trứng vịt không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai chuyển vào TP HCM tiêu thụ.

Trước đó ngày 17/11, tại Quốc lộ 1A, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cùng các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra xe khách biển số 53L- 8347 do tài xế Nguyễn Bình, ngụ tại Đồng Nai điều khiển. Lực lượng chức năng đã phát hiện trong khoang hành khách có 526kg thịt lợn và 20kg các phụ phẩm lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch và đang bốc mùi hôi thối được vận chuyển từ Đồng Nai về TP HCM tiêu thụ.

Cùng với phương thức vận chuyển trong khoang hành khách, ngày 15/11, cơ quan chức năng cũng phát hiện xe buýt mang biển số 53N- 9957 vận chuyển 43kg giò lụa không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Khó kiểm soát nguồn gốc thịt tại các cơ sở kinh doanh thịt quay

Từ đầu năm đến nay, tại TP HCM đã phát hiện 252 trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch từ các tỉnh đưa về thành phố để tiêu thụ. Các vụ việc chủ yếu được phát hiện và xử lý tại trạm kiểm tra động vật Thủ Đức. Tang vật thu giữ gồm: 31.390 quả trứng, 8.626 con gia cầm sống, 5.283kg thịt lợn, 8.307kg phụ phẩm lợn, 700kg thịt bò…

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y TP HCM, tình trạng vận chuyển thịt lợn trái phép từ các tỉnh về TP HCM để tiêu thụ được thực hiện ngày càng tinh vi bằng các phương tiện xe khách, xe tải, xe buýt gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý. Công tác kiểm tra, xử lý kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc tại các chợ chiều, chợ tự phát và các cơ sở chế biến thịt quay chưa thật sự chặt chẽ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vận chuyển thịt không rõ nguồn gốc thường có thái độ manh động, không chấp hành việc kiểm tra, xử phạt của tổ công tác, chống đối hoặc hành hung cán bộ thú y thi hành công vụ.

Thông thường các đối tượng vận chuyển thịt “bẩn” đối phó với cơ quan chức năng bằng cách theo dõi giờ giấc hoạt động của lực lượng kiểm tra để chờ những lúc sơ hở sẽ cho xe vượt trạm, vận chuyển hàng vào ban đêm, né các trạm kiểm dịch động vật bằng cách cho xe đi vòng qua các tuyến đường khác hoặc giao hàng tại các địa phương giáp ranh như: Bình Dương, Đồng Nai… để tránh qua trạm kiểm tra ở TP HCM.

Hiện nay, mỗi ngày tại TP HCM tiêu thụ ngày khoảng 1.100.000kg sản phẩm thịt động vật các loại và khoảng 3.500.000 quả trứng gia cầm. Trong đó, lượng sản phẩm động vật từ các tỉnh khác chuyển vào TP HCM tiêu thụ chiếm khoảng 70-80%. Số lượng động vật, sản phẩm động vật không qua kiểm dịch thường có nguồn gốc từ các tỉnh, nhất là các vùng ven, người kinh doanh vận chuyển sản phẩm động vật bằng xe khách, xe gắn máy trên các tuyến đường tắt, ngõ rẽ không có trạm kiểm dịch của cơ quan thú y… Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi đã có không ít trường hợp vi phạm qua mặt được các cơ quan chức năng và hàng hóa được đem ra tiêu thụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y TP HCM cho biết: Cuối năm là thời điểm các vụ vận chuyển thịt trái phép sẽ gia tăng. Để tăng cường các biện pháp ngăn chặn việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, từ nay đến cuối năm Chi cục Thú Y TP HCM sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh lân cận trong kiểm tra, cấp giấy phép nguồn động vật vận chuyển về TP HCM; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch bệnh động vật và tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành thành phố và quận huyện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật không đúng theo quy định.

Mai Phương