Thế giới đêm qua - 22/1

08:56 | 23/01/2019

159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ quyết tâm dẫn độ Giám đốc Tài chính của tập đoàn Huawei. Thủ tướng Nhật Bản gặp Tổng thống Nga thúc đẩy giải quyết tranh chấp. Mỹ kêu gọi Nga thay đổi lập trường trong nhiều vấn đề bất đồng.
the gioi dem qua 221Tin nóng thế giới hôm nay - 22/1
the gioi dem qua 221Tin nóng thế giới hôm nay - 21/1
the gioi dem qua 221
Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. (Nguồn: cbsnews.com)

1. Mỹ quyết tâm dẫn độ Giám đốc Tài chính của tập đoàn Huawei

Reuters đưa tin, ngày 22/1, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi việc dẫn độ Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12 vừa qua, do có liên quan đến một âm mưu gian lận ngân hàng. Bà Mạnh Vãn Chu phải đối mặt với những cáo buộc của Mỹ cho rằng bà đã cố tình diễn giải sai mối liên hệ của Huawei và một doanh nghiệp tìm cách bán thiết bị cho Iran, bất chấp các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng điều tra bà Mạnh Vãn Chu sau khi có thông tin cho biết Washington dự định đưa ra một đề nghị chính thức nhằm dẫn độ nhân vật này. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa sai ngay lập tức", đồng thời nói thêm rằng nếu việc dẫn độ thực sự được thực hiện, Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa.

2. Thủ tướng Nhật Bản gặp Tổng thống Nga thúc đẩy giải quyết tranh chấp

Kyodo đưa tin, ngày 22/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm cách thúc đẩy giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên đối với nhóm đảo hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước thúc đẩy đàm phán về một hiệp định hòa bình thời hậu chiến chưa được hoàn tất do tranh chấp lãnh thổ nêu trên, với trọng tâm là liệu ông Abe có đảm bảo đạt được thỏa thuận chuyển giao 2 trong số 4 đảo tranh chấp ở khu vực ngoài khơi đảo lớn Hokkaido ở cực Bắc của Nhật Bản hay không.

Ông Abe muốn giải quyết tranh chấp liên quan quần đảo mà Moskva gọi là Nam Kuril trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong khuôn khổ nỗ lực tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa Tokyo và Moskva, dự kiến hai ông Abe và Putin sẽ thảo luận về cách thức thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trên 4 đảo này.

3. Mỹ kêu gọi Nga thay đổi lập trường trong nhiều vấn đề bất đồng

Ngày 22/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng nước này và Nga không nên rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, song hối thúc Moskva thay đổi lập trường trong các vấn đề, trong đó có Ukraine. Phát biểu với các doanh nhân hàng đầu tại Davos, Thụy Sĩ, ông Pompeo nói: “Chúng ta không nên rơi vào trạng thái kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh".

Dù nhấn mạnh Washington đã nhận thấy tầm quan trọng của việc làm giảm các rủi ro giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, song ông Pompeo cho rằng: “Đó là một việc khó khăn”. Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng chỉ rõ các hành động của Nga ở Ukraine, cũng như điều mà tình báo Mỹ cáo buộc Moskva can thiệp và các cuộc bầu cử ở Mỹ và những nước khác. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi (Mỹ) hy vọng họ (Nga) sẽ hành động đúng đắn trở lại. Nếu họ làm được, tôi tin rằng hai nước (Mỹ và Nga) có thể cùng thịnh vượng và phát triển”.

4. Iran triệu Đại sứ Thụy Sĩ về vụ Mỹ bắt giữ phóng viên Press TV

Ngày 22/1, hãng thông tấn Fars dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh nước này đã gửi yêu cầu qua Đại sứ Thụy Sĩ về việc cần ngay lập tức trả tự do cho phóng viên và người dẫn chương trình của Press TV Marziyeh Hashemi.

Trước đó, ngày 13/1, bà Hashemi, từng sống tại Iran trong nhiều năm, đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại sân bay quốc tế ở St. Louis, Missouri, Mỹ trong một chuyến về thăm nhà. Lệnh của tòa án liên bang Mỹ ngày 18/1 khẳng định rằng bà Hashemi bị bắt giữ theo lời khai của "nhân chứng quan trọng" và hiện vẫn chưa bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào.

Trước đó, ngày 20/1, nhiều người biểu tình Iran đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran để phản đối việc Mỹ bắt giữ phóng viên Hashemi. Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 1979, từ năm 1980, Mỹ đã chọn Thụy Sĩ đại diện các lợi ích của Washington ở Iran.

5. Đức và Pháp ký Hiệp ước Aachen "làm mới" quan hệ hữu nghị

Ngày 22/1, tại thành phố Aachen (Tây Đức), Thủ tướng nước này Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký Hiệp ước Aachen “làm mới” quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong hàng chục năm qua. Hiệp ước mới được ký đúng 56 năm sau Hiệp ước Elysee, vốn được xem là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.

Hiệp ước Aachen nhằm nâng cao hợp tác dọc khu vực biên giới dài 450 km giữa Pháp và Đức, đồng thời tăng cường phối hợp giữa hai nước trong việc đối phó với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và khủng bố.

Phát biểu trước giới chức Đức và châu Âu tại cuộc họp ở Aachen, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng hiệp ước hữu nghị mới giữa Pháp và Đức là bước tiến tới việc thành lập quân đội châu Âu chung trong tương lai. Bà Merkel cảnh báo chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh tại châu Âu và kêu gọi chính phủ hai nước nối lại sự hợp tác xuyên biên giới.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc