THẾ GIỚI 24H: Úc sẽ không cùng Mỹ tuần tra ở Biển Đông

07:03 | 16/10/2015

1,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb tuyên bố Canberra không tham gia các đợt tuần tra cùng với Mỹ tại Biển Đông và không can dự vào tranh chấp tại vùng biển này.  
tin nhap 20151016070019

Trong bài phát biểu ngày 15/10 trên Bloomberg TV tại Hồng Kông, ông Andrew Robb nhấn mạnh “không đứng về phe nào” và “không tham dự vào các hoạt động giám sát hay bất kỳ một động thái nào của Mỹ” trong vùng Biển Đông.

Bộ trưởng Thương mại Úc lên tiếng sau khi Ngoại trưởng Julie Bishop tuyên bố từ Boston – miền đông Mỹ là Mỹ và Úc “có cùng quan điểm về vấn đề hàng hải”. Trong cuộc họp báo chung kết thúc hội nghị 2+2 Úc và Mỹ tại Boston, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc” trước các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên Canberra nói rõ là sẽ “không nghiêng về phía nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải” nhưng đồng thời Ngoại trưởng Bishop cũng “thúc giục các bên không nên đơn phương hành xử, ngưng các động thái gây thêm căng thẳng”.

Canberra trong thế khó xử, giữa một bên là Mỹ, đồng minh chiến lược của Úc và bên kia là Trung Quốc, một đối tác thương mại và kinh tế quan trọng hàng đầu. Úc cũng không thể im tiếng trên vấn đề Biển Đông nơi có tới hơn ¾ lượng hàng hóa và các hoạt động giao thương của Úc được vận chuyển ngang qua.

Na Uy sẽ trả người nhập cư Syria về Nga

Reuters ngày 15/10 trích dẫn nguồn tin từ nhiều thành viên chính phủ Na Uy cho biết, trong tuần này, Oslo muốn gửi trả về Nga những người Syria xin tị nạn đã từng sống tại quốc gia láng giềng trước khi đặt chân tới Na Uy.

Khoảng 1.200 người Syria đã tới Na Uy từ đầu năm tới nay thông qua cửa khẩu với Nga. Trong khi đó, năm 2014, chỉ có khoảng vài chục người theo hành trình này, dù dài hơn, mất thời gian hơn nhưng lại chắc chắn hơn con đường vượt biển Địa Trung Hải và đây cũng là con đường hợp pháp để vào châu Âu.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh NRK, Bộ trưởng Tư pháp Anders Anundsen nhận định: “Một số người vượt biên giới Storskog đã sống một thời gian dài tại Nga, sau đó mới vượt biên sang đây (Na Uy). Như vậy, họ không hề trốn chiến tranh hay trốn nghèo đói”.

Vị Bộ trưởng thuộc Đảng Tiến bộ, một phong trào phản đối nhập cư, cho biết thêm: “Họ được an toàn tại Nga. Chúng ta đã có được thỏa thuận với Nga về vấn đề gửi trả về, vậy chúng ta sẽ áp dụng”. Vấn đề trao trả người nhập cư Syria đã được nêu lên trong cuộc điện đàm hôm 14/10, giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy và Nga.

Myanmar: Hòa bình bắt đầu từ đây

Sáng 15/10 tại thủ đô Naypyitaw, tư lệnh quân đội Myanmar và đại diện của 8 nhóm sắc tộc vũ trang đã đặt bút ký bản thỏa thuận ngưng bắn, mở đường cho những cuộc đàm phán tìm hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài đã hơn 60 năm.

Phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Thein Sein nói rằng thỏa thuận được ký kết là kết quả của những vòng đàm phán kéo dài hơn 2 năm, theo đúng chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc mà chính phủ do ông lãnh đạo đã đưa ra ngay từ những ngày đầu tiên, đồng thời giúp những thế hệ tương lai của Myanmar cơ hội sống trong hòa bình.

Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền từ năm 2011 luôn xem việc giải quyết xung đột sắc tộc là một ưu tiên.

Chuyên gia về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau Du Rocher thuộc trung tâm nghiên cứu Asia Centre cho rằng, triển vọng thực sự đem lại hòa bình cho Myanmar còn xa vời và Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trên con đường tìm kiếm hòa bình tại Myanmar: “Đối thoại từng bước đã được mở rộng đến nhiều nhóm sắc tộc thiểu số. Thế rồi càng gần đến đích, tức là càng gần ngày mà các bên cùng đặt bút ký vào bản hòa ước, thì xung đột hay ít ra là những bất đồng ngày càng hiện lên rõ nét. Chẳng hạn như bất đồng về tiến trình giải giới các vùng có giao tranh. Ngoài ra cần lưu ý là chính quyền Naypyidaw đã không thuyết phục được tất cả các nhóm nổi dậy như mục tiêu đề ra ban đầu. Chủ yếu các sắc tộc thiểu số ở miền Đông thì đã chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn.

Ngược lại các tổ chức ở phía Bắc thì đã từ chối tham gia vào sáng kiến của Naypyidaw bởi các nhóm này đã đạt được một thỏa thuận với phía Trung Quốc (…) Cái khó đặt ra với chính quyền Myanmar là làm thế nào thuyết phục được những sắc tộc thiểu số đòi ly khai ở vùng biên giới phía Bắc, sát cạnh với Trung Quốc để họ chấp nhận một mô hình nhà nước liên bang. Các nhóm này có khuynh hướng cho rằng họ có lợi hơn trong tình thế hiện nay, tức là cứ duy trì xung đột võ trang thay vì buông súng để bị hòa tan trong khuôn khổ một nhà nước liên bang”.

Thêm một yếu tố cần lưu ý: mới chỉ có 8 trong số các nhóm đòi ly khai ký thỏa thuận ngưng bắn. Họ đồng ý chấm dứt đấu tranh bằng bạo lực để đổi lấy một quyền tự trị rộng rãi hơn. Theo giới quan sát, đòi hỏi đó có được thỏa mãn hay không, điều này còn tùy thuộc vào thái độ của quân đội, chứ không nằm trong quyền hạn của chính quyền dân sự trong tay ông Thein Sein.

Ban nhạc Cuba trình diễn tại Nhà Trắng

Ban nhạc nổi tiếng của Cuba, Orquesta Buena Vista Social Club, trình diễn tại Nhà Trắng ngày hôm qua. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm một buổi trình diễn âm nhạc của các nghệ sĩ Cuba diễn ra tại dinh của Tổng thống Mỹ.

Ban nhạc này đến Nhà Trắng trong khuôn khổ của một cuộc liên hoan mừng Tháng Di sản Châu Mỹ La Tinh và kỷ niệm 25 năm ngày phát động Sáng kiến Nhà Trắng về Thành tựu Giáo dục của người gốc Mỹ châu La tinh.

Được đặt tên theo hộp đêm dành riêng cho hội viên đã đóng cửa từ lâu ở Havana, ban nhạc này được lập ra cuối thập niên 1990 khi một nhóm nhạc sĩ cao niên của Cuba tụ họp lại với nhau trong một buổi thu âm của nhạc sĩ guitar và là nhà sản xuất Ry Cooder của Mỹ.

Sự kiện đó dẫn tới một album nhạc bán được nhiều triệu đô la và đoạt giải Grammy, một cuốn phim tài liệu được nhiều người tán thưởng và những tour trình diễn khắp thế giới được nhiều người đến xem.

Buổi trình diễn hôm qua tại Nhà Trắng diễn ra trong chuyến lưu diễn cuối của ban nhạc này và cũng đánh dấu sự kết thúc của sự thù địch thời Chiến tranh Lạnh giữa Washington với Havana.

Đôi bên đã mở lại sứ quán ở thủ đô của nhau trong vòng 10 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo tái lập quan hệ ngoại giao.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151016070019
Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản bắn mồi nhử trong một buổi duyệt hạm đội tại Vịnh Sagami, ngoài khơi thành phố Yokosuka, phía nam Tokyo

G.K

Năng lượng Mới (Theo AP, BBC, AFP)