THẾ GIỚI 24H: Quân đội Nhật sắp “lột xác”

06:00 | 17/07/2015

1,857 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua các dự thảo luật quốc phòng. Chỉ cần Thượng viện gật đầu, Nhật Bản sẽ có một quân đội với đầy đủ chức năng. Đây được xem là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách an ninh Nhật Bản hậu Thế chiến thứ 2.  

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) hộ tống tàu Kurama (trái) và các tàu khác trong vùng biển ngoài khơi Sagami, phía nam Tokyo

Với thế áp đảo, liên minh cầm quyền gồm hai đảng Dân chủ tự do LDP và đảng Công minh đã dễ dàng thông qua dự luật an ninh trong phiên họp toàn thể của Hạ viện Nhật Bản ngày 16/7. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, dự luật mới là hết sức quan trọng và cần thiết với Nhật Bản.

Ông Abe nói: "Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng phức tạp. Dự luật này hết sức quan trọng vì nó giúp bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân Nhật Bản và ngăn ngừa các cuộc xung đột từ khi chúng chưa diễn ra".

Dự luật an ninh mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đệ trình cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản mở rộng phạm vi họat động và được quyền tham gia hỗ trợ các nước thân thiện trong các cuộc xung đột có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Liên minh cầm quyền đã thúc đẩy dự luật an ninh gây tranh cãi tại Hạ viện, một động thái giúp Chính quyền của Thủ tướng Abe tiến thêm một bước đến gần mục tiêu mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) ở nước ngoài, nhằm siết chặt liên minh với Mỹ.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các đảng đối lập và lo ngại ngày càng tăng của công chúng, LDP và NKP vẫn đưa dự luật vào bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Hạ viện.

Sau phiên bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện, dự luật trên dự kiến sẽ được gửi tới Thượng viện để tiếp tục thảo luận sau tổng cộng 116 giờ thảo luận tại Ủy ban luật an ninh của Hạ viện. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chính phủ muốn tiếp tục giải thích thấu đáo để đạt được sự thấu hiểu rộng rãi từ phía người dân”.

Ông Suga cho rằng Chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo sinh mạng và cuộc sống hoà bình cho nhân dân trong bối cảnh an ninh ngày càng phức tạp, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thông qua dự luật.

Đạo luật an ninh nêu trên sẽ cho phép Nhật Bản bảo vệ Mỹ và các quốc gia hữu hảo khác trước cuộc tấn công vũ trang nhằm đối phó với môi trường an ninh mới đầy thách thức. Đạo luật cũng tạo cơ sở để Tokyo gia tăng đóng góp cho nỗ lực gìn giữ hoà bình quốc tế.

Các nghị sỹ đối lập và các học giả hiến pháp cho rằng việc Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ vi phạm Hiến pháp hoà bình. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã bác bỏ những lập luận trên và bảo lưu quyết định quan trọng của Nội các Nhật Bản ban hành hồi tháng 7/2014 nhằm diễn giải lại Hiến pháp, cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quyết tâm kích hoạt đạo luật trên vào ngày 27/9, thời điểm cuối kỳ họp quốc hội hiện nay.

Liên minh cầm quyền hiện kiểm soát hơn 2/3 Hạ viện và giữ đa số tại Thượng viện. Theo quy định của Quốc hội, ngay cả khi Thượng viện không bỏ phiếu thông qua dự luật, cuộc bỏ phiếu lần thứ hai tại Hạ viện có thể sẽ chính thức luật hoá dự luật trên với đa số 2/3 áp đảo.

Miền Đông Ukraina có quyền tự trị

Quốc hội Ukraina ngày 16/7 đã thông qua một dự luật nhằm trao cho hai khu vực ly khai Lugansk và Donestk ở miền Đông quyền tự trị lớn hơn.

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc đáp ứng những yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn về quy chế theo mô hình “cộng hòa nhân dân” của lực lượng ly khai.

Tổng thống Petro Poroshenko đã đệ trình dự luật trên lên Quốc hội Ukraina sau khi chịu sức ép từ các nhà lãnh đạo phương Tây về việc trao cho các khu vực ở miền Đông một số quyền tự trị như một phần của thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 2/2015.

Nếu các tòa án quyết định luật trên là phù hợp với hiến pháp, sẽ cần ít nhất 300 trong số 450 nghị sỹ quốc hội (bỏ phiếu) ủng hộ cho dự luật trong phiên họp cuối cùng của quốc hội.

Nội bộ chính quyền Hy Lạp lục đục

Thủ Tướng Alexis Tsipras đang gặp sự phản đối gay gắt từ trong thành viên của đảng do ông lãnh đạo trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hy Lạp hôm qua về một đạo luật khắc khổ, sẽ khiến quốc gia này cắt giảm nặng nề chi tiêu nhưng phải có để được tiền cứu nợ.

Hàng loạt các biện pháp tăng thuế tiêu thụ và cải cách hưu trí đã tạo sự giận dữ trong đảng khuynh tả Syriza hiện đang cầm quyền, trong khi các nghiệp đoàn công chức bày tỏ phản ứng gay gắt với cuộc đình công kéo dài 24 giờ.

Cuộc bỏ phiếu mặc dù thông qua bản thỏa thuận về gói cứu trợ mới từ các chủ nợ châu Âu, đã gặp nhiều phiếu chống của các nhà lập pháp thuộc đảng Syriza, tạo câu hỏi về khả năng tồn tại của chính phủ này hiện nay.

Vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận cứu trợ mới, biểu tình bạo lực đã nổ ra bên ngoài trụ sở Quốc hội Hy Lạp.

Tỷ phú Donald Trump bất ngờ dẫn đầu tranh cử tổng thống 2016

Kết quả cuộc thăm dò do nhật báo USA Today và trường đại học Sulffork University đồng thực hiện công bố hôm qua cho thấy nhân vật sáng giá nhất hiện giờ của cánh Cộng hòa chính là ông Donald Trump, người tiếp tục gây chấn động ở chính trường quốc gia vì những lời phát biểu bị chỉ trích là mang tính “kỳ thị”, đồng thời cũng là chính trị gia bị các nhân vật nòng cốt của đảng chê bai là “to mồm”, “chỉ biết nghĩ đến cá nhân mà không nghĩ đến quyền lợi tập thể”.

Tin được tiết lộ từ văn phòng điều hành trung ương của đảng Cộng hòa ở Washington D.C. cho hay chiều thứ Tư tuần trước ông Chủ tịch Ðiều hành Reince Priebus đã phải nhấc điện thoại gọi cho ông tỷ phú nổi tiếng của nước Mỹ, nhắc nhở “xin ông đừng gây thêm phiền phức cho anh em”, nhấn mạnh ở điểm trong 2 năm qua đảng đã cố gắng bằng mọi cách để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng Latino, “ông không nên đạp đổ công lao của biết bao nhiêu người” bằng những lời lẽ chê bai tập thể người cư trú bất hợp pháp đến từ Mexico, gọi họ là những kẻ “mang ma túy vào Mỹ”, là “bọn trộm cướp”, là “bọn hiếp dâm”.

Ðiều ít người có thể ngờ là những lời tuyên bố “phản chính trị” như thế lại giúp ông Trump được chú ý tới nhiều hơn, chính vì vậy nên nhiều người phải lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán khi nghe tin ông dẫn đầu bảng xếp hạng. Kết quả cuộc thăm dò được thực hiện toàn quốc cho thấy hiện giờ ông Trump được 17% cử tri ủng hộ (tăng 6% so với cuộc thăm dò hai tuần trước đó), về nhì là cựu Thống đốc Jeb Bush của tiểu bang Florida với 14%, tất cả những người còn lại không ông bà nào được trên 10%. Ðiều đó có thể tạm tóm tắt như sau: nếu cuộc đua vòng sơ bộ Cộng hòa kết thúc ngay lúc này, ông Trump là người “đầy triển vọng” được đảng tín nhiệm để tranh cử đối đầu với ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Về phía phe Dân chủ, bất chấp uy tín bị sụt giảm đáng kể do một loạt vụ rắc rối, ở thời điểm hiện tại, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vẫn dẫn đầu trong số các ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng trong cuộc bầu cử 2016.

70 năm vụ thử bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới

Cách đây 70 năm, ngày 16/7/1945, lần đầu tiên trên thế giới, một quả bom nguyên tử được thử nghiệm thành công trên thực tế bởi các nhà khoa học Mỹ.

Rạng sáng ngày 16/7/1945, khi một chớp sáng lóe lên trên bầu trời vùng sa mạc khô cằn ở bang New Mexico cũng là lúc người dân làng Tularosa cảm nhận được những khung cửa sổ rung lắc và nghe thấy tiếng bát, đĩa rơi... Điều mà dân làng Tularosa không biết đó là trước 5h30, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm bí mật Los Alamos đã kích nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên.

Vụ thử hạt nhân đầu tiên này mang mật danh Trinity, là một bí mật hàng đầu trong chương trình phát triển hạt nhân của Mỹ trong thế chiến thứ 2. Người ta chỉ biết đến vụ thử hạt nhân này khi 1 tháng sau, tháng 8/1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, gây chấn động thế giới.

Hình ảnh ấn tượng

Di dân chờ được đưa lên bờ tại bến cảng của thành phố Messina, đảo Sicily, Ý, ngày 16/7.

G.K

Năng lượng Mới