Ngạc nhiên nền kinh tế ấn tượng nhất năm 2023

07:45 | 20/12/2023

255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hy Lạp, quốc gia từng vỡ nợ hơn 1 thập kỷ trước, được Tạp chí The Economist đánh giá là nền kinh tế vận hành tốt nhất năm 2023.
Ngạc nhiên nền kinh tế ấn tượng nhất năm 2023
Hy Lạp được đánh giá có nền kinh tế vận hành tốt đều trên các mặt (Ảnh: The Economist)

Trước năm 2023, hầu hết các chuyên gia đã dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Họ có lý do khi chứng kiến lạm phát phi mã trên toàn cầu, chiến sự Nga - Ukraine chưa hồi kết hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều rủi ro.

Rất may, triển vọng xấu đó đã không xảy ra. GPD toàn cầu nhiều khả năng chạm 3%. Thị trường chứng khoán Mỹ - với giá trị vốn hóa chiếm gần một nửa toàn cầu - đã tăng trưởng ấn tượng, với Dow Jones tăng 13,32%. Đặc biệt, lạm phát đang có xu hướng giảm nhiệt, tạo động lực cho các ngân hàng trung ương xem xét hạ lãi suất vào năm tới.

Sau 1 năm, tạp chí Economist đã sử dụng bộ dữ liệu gồm 5 chỉ số kinh tế tài chính (GDP, lạm phát, việc làm và thị trường chứng khoán) để đưa ra bảng xếp hạng các nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả nhất. Đáng ngạc nhiên, người chiến thắng là một cái tên xa lạ: Hy Lạp - một nền kinh tế từng sụp đổ hơn 10 năm trước.

Hàn Quốc đứng thứ hai trong số những nền kinh tế phát triển ấn tượng nhất trong năm 2023, lần lượt theo sau là Mỹ, Canada và Chile. Trong khi đó, rất nhiều quốc gia tăng trưởng chậm ở Bắc Âu, bao gồm Anh, Đức, Thụy Điển và đứng sau là Phần Lan.

Hy Lạp - điểm sáng kinh tế toàn cầu 2023

Đây là năm thứ hai liên tiếp Hy Lạp - nền kinh tế từng vỡ nợ hơn 10 năm trước - đứng đầu bảng xếp hạng của tạp chí The Economist. Theo đó, thị trường chứng khoán Hy Lạp đã tăng hơn 40%. Các nhà đầu tư đã quay trở lại với các công ty Hy Lạp khi chính phủ thực hiện một loạt cải cách hỗ trợ thị trường.

GDP thực tế của Hy Lạp năm 2023 đã tăng vượt mức xu hướng trước đại dịch, lên 2,5%. Tiêu dùng tư nhân được dự báo sẽ tiếp tục vững vàng nhờ mức tăng lương thực tế tích cực, trong khi hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục mở rộng với việc thực hiện Kế hoạch phục hồi và phục hồi quốc gia (NRRP).

Đáng nói hơn, từ một quốc gia vỡ nợ, giờ đây tỷ lệ nợ công trên GDP của Hy Lạp đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch. Tỷ lệ nợ xấu của nước này đã giảm xuống dưới 5% trong quý 2 năm 2023 tại các ngân hàng quan trọng trong hệ thống, nhờ việc tiếp tục chứng khoán hóa theo chương trình Hercules.

Mặc dù đất nước vẫn chưa hoàn toàn vượt qua khó khăn so với trước khi bị phá sản toàn diện vào những năm 2010, nhưng trong một tuyên bố gần đây, tổ chức IMF đã ca ngợi “quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế” và “cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng” tại quốc gia này.

Dù vậy, đất nước vẫn cần phải tiếp tục giải quyết thêm một số vấn đề như tài chính vĩ mô trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị thắt chặt đáng kể, lạm phát cơ bản dai dẳng và giá bất động sản tăng cao.

Các mảnh ghép đáng chú ý khác

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu, giá cả tăng cao là thách thức lớn của năm 2023. Theo đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kiềm chế lạm phát cơ bản tốt hơn cả. Hay tại Thụy Sĩ, lạm phát cơ bản - trừ đi các mặt hàng giá cả biến động mạnh như lương thực hay nhiên liệu - chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng trung ương ở những quốc gia như Chile và Hàn Quốc đã tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022, sớm hơn nhiều ngân hàng khác ở các nước giàu, và động thái đó dường như đang thu được lợi ích, theo các chuyên gia.

Nền kinh tế thế giới trong năm 2023 đạt 105 nghìn tỷ USD (Minh họa: Visual Capitalist)
GDP danh nghĩa của kinh tế toàn cầu năm 2023 ước đạt 105 nghìn tỷ USD (Minh họa: Visual Capitalist)

Tuy nhiên, ở những nơi khác ở châu Âu, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng. Như tại Hungary, lạm phát cơ bản hàng năm đang ở mức khoảng 11%.

Hai thước đo tiếp theo - tăng trưởng việc làm và GDP, đáng buồn là không nơi nào đạt kết quả tốt một cách ngoạn mục vào năm 2023 theo bảng xếp hạng của The Economist. Ireland còn chứng kiến mức giảm 4,1%. Tương tự, Anh và Đức - những nền kinh tế lớn ở châu Âu - cũng thể hiện kém. Đức vẫn đang phải vật lộn với hậu quả do cú sốc giá năng lượng và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi nước Anh vẫn đang giải quyết hậu quả của Brexit.

Nền kinh tế lớn nhất là Mỹ được cho đã hiệu quả trong tăng trưởng GDP và việc làm. Mỹ được cho đã hưởng lợi từ việc sản xuất năng lượng ở mức cao kỷ lục cũng như tác động của gói kích thích tài chính lớn vào năm 2020 và 2021. Canada đã áp dụng cách làm tương tự, giúp con số việc làm tăng trưởng tốt, đưa kinh tế Canada đứng thứ tư trong bảng xếp hạng tổng thể.

Thị trường chứng khoán Mỹ không phải là nơi tăng trưởng ấn tượng nhất. Trên thực tế, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thị trường chứng khoán nước này chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình. Thay vào đó, các công ty Nhật Bản niêm yết mới tăng trưởng ấn tượng. Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023, với mức tăng gần 20%.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?
Khủng hoảng hay “vũ khí hóa” nền kinh tế?Khủng hoảng hay “vũ khí hóa” nền kinh tế?
Hé lộ yếu tố Hé lộ yếu tố "bóp nghẹt" bất động sản thương mại châu Á