“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?

08:04 | 13/08/2023

496 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với một thế giới ngày càng xanh hóa, Mỹ Latinh đang nắm giữ những yếu tố quyết định đến nền kinh tế toàn cầu những thập niên tới.
“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?
Chile là một trong những nhà khai thác và sản xuất Lithium hàng đầu thế giới vốn vô cùng quan trọng cho ngành xe điện

Khoáng sản thiết yếu

Tại Chile, tập đoàn SQM khổng lồ đang vận hành hết công suất tại các mỏ muối nằm ở sa mạc Atacama. Đó không phải là muối thường mà là muối lithium – một quặng kim loại nhẹ, mềm được sử dụng để chế tạo các tấm pin dung lượng cao.

Năm 2022, Chile là nhà sản xuất và cung cấp lithium đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Australia, Quốc gia Nam Mỹ chiếm tới 30% thị phần toàn cầu trong ngành này, theo Visual Capitalist, gấp đôi so với cường quốc châu Á, Trung Quốc.

Trước ngưỡng cửa bùng nổ của ngành xe điện và năng lượng tái tạo, vị thế của các quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên bỗng chốc thay đổi. Ở đó, khu vực nhiều năm nằm dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ giờ nắm giữ những "chìa khóa" cho các ngành công nghiệp tương lai.

Tờ Economist mạnh dạn dự báo “Mỹ Latinh có thể trở thành siêu cường hàng hóa của thế kỷ này”. Dự đoán này có cơ sở bởi nhu cầu khoáng sản phục vụ chuyển đổi xanh đang gia tăng chóng mặt trên toàn cầu. Khu vực này đã cung cấp hơn một phần ba lượng đồng của thế giới - được sử dụng trong hệ thống dây điện và tua-bin gió, và một nửa lượng bạc, một thành phần của các tấm pin mặt trời.

Trong cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và phương Tây, các chuyên gia đánh giá Mỹ Latinh nổi bật với khả năng lấp đầy những khoảng trống chuỗi cung ứng. Khu vực này có trữ lượng lớn khoáng sản và kim loại quan trọng, như đồng (Chile và Peru cùng nhau nắm giữ 30% trữ lượng có thể khai thác của thế giới). Bolivia có thiếc, dùng làm chất hàn trong các linh kiện điện. Brazil có than chì, một kim loại pin khác.

Đó mới chỉ là con số đã được khám phá. Ông Alexandre Silveira, Bộ trưởng Khai thác mỏ của Brazil cho biết, có khả năng sẽ có những tài nguyên mới chưa được tìm ra, bởi mới chỉ có 30% lòng đất của đất nước được nghiên cứu.

Năng lượng – một vũ khí bí mật

Trong khi các nước, kể cả những cường quốc phát triển, vẫn đang vật lộn để xây dựng nguồn cung điện tái tạo đủ dùng, thì nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Điển hình, năng lượng tái tạo chiếm 45% mức sử dụng năng lượng của Brazil, biến nơi đây trở thành một trong những nước có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới. Chile đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh rẻ nhất vào năm 2030, nhờ có đường bờ biển dài 6.500 km (4.000 dặm), phía bắc đầy nắng và phía nam lộng gió.

Đó là chưa nói đến khai thác dầu mỏ - một lĩnh vực mà Mỹ Latinh không mấy nổi bật. Năm 2010, một mỏ trữ lượng kỷ lục 60 tỷ thùng đã được tìm thấy ở khu vực này. Theo công ty tư vấn Rystad Energy, Argentina, Brazil, Guyana và Mexico có thể sản xuất tương đương 11 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030 - gần bằng Saudi Arabia hiện nay.

Nhà cung cấp lương thực toàn cầu?

Những ngày qua, an ninh lương thực nổi lên trở thành một vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Thiên tai hậu quả lớn do biến đổi khí hậu đang tàn phá nặng nền nền nông nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới, khiến những nhà sản xuất lương thực lớn phải hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn dữ trự.

“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?
Mỹ Latinh cũng là nhà cung cấp lương thực quan trọng của thế giới

Thế nhưng, nông nghiệp và trồng trọt có thể là một thế mạnh mà Mỹ Latinh bù đắp vào khoảng trống đó. Đây là nhà xuất khẩu lương thực ròng lớn nhất thế giới nhờ những vùng đất nông nghiệp rộng lớn và dân số tương đối nhỏ.

Khu vực này cung cấp 60% lượng đậu nành được giao dịch trên thế giới. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, nhập khẩu để nuôi gần nửa tỷ con lợn của họ. Các quốc gia Mỹ Latinh cũng cung cấp hơn 30% nguồn cung ngô, thịt bò, thịt gia cầm và đường toàn cầu. Xuất khẩu ròng dự kiến sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới để đạt 100 tỷ USD, theo các số liệu thương mại.

Thế nhưng, những thách thức khổng lồ vẫn còn đó. Theo các nhà quan sát, các quốc gia Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với sự hoài nghi từ các nhà đầu tư lớn bởi môi trường kinh doanh kém minh bạch, bất ổn về chính sách và kinh tế - xã hội.

Vốn đầu tư khổng lồ vào các mỏ tài nguyên chỉ được thu hồi sau nhiều năm tham gia dự án, do đó nó đòi hỏi một sự ổn định về chính sách nhất định. Nhưng theo các chuyên gia, đó là điều rất khó nắm bắt tại Mỹ Latinh. Vào tháng 5, Chile đã bỏ phiếu tăng mức thuế cao nhất đối với các công ty khai thác đồng từ 41-44% lên gần 47%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Hay Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador gần đây đã quốc hữu hóa các mỏ lithium của đất nước mình.

Chưa hết, dựa trên những bài học lịch sử của khu vực, sự giàu có về tài nguyên cũng sẽ là ngòi nổ tiềm ẩn cho các cuộc đảo chính, các cuộc tiếp quản dân túy, tội phạm và tham nhũng. Do đó, dù với tiềm năng to lớn, việc các chính phủ Mỹ Latinh có thể huy động được một cách hiệu quả hay không vẫn còn là bài toán phía trước.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

Nhiều chuyên gia, tổ chức nhận định kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm nay.