THẾ GIỚI 24H: Nga tố cáo IMF phục tùng phương Tây

07:00 | 11/12/2015

1,733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa bị Nga tố cáo phục tùng lợi ích của Âu-Mỹ trong việc duy trì kế hoạch trợ giúp Ukraina.
the gioi 24h nga to cao imf phuc tung phuong tay

Lời Moskva tố cáo IMF là công cụ của phương Tây lần này mang tính chất gay gắt khác thường. Nga khẳng định rằng lòng tin của họ vào định chế tài chính quốc tế này đã bị suy giảm nghiêm trọng. Theo AFP, Nga đã nổi cơn thịnh nộ sau quyết định ngày 8/12 của IMF, không áp dụng một quy định nội bộ vốn nghiêm cấm việc hỗ trợ tài chính một quốc gia bị vỡ nợ đối với một nước khác.

Việc không áp dụng quy định này cho phép IMF tiếp tục kế hoạch tài trợ Ukraina, một chương trình to lớn vừa được thông qua hồi tháng 3/2015, trong lúc Kiev có nguy cơ bị coi là vỡ nợ sau khi từ chối trả khoản nợ 3 tỷ USD cho Nga, từ nay đến cuối năm.

Đối với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thì không còn nghi ngờ gì cả: “Lần đầu tiên trong lịch sử, IMF (...) đã quyết định hậu thuẫn cho một quốc gia đi vay bất chấp các thỏa thuận hiện có, chỉ vì lý do chính trị”.

Trong một bài viết trên tờ Financial Times (Anh) ngày hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo rằng quyết định của IMF có thể làm dấy lên câu hỏi về tính vô tư của một định chế đóng một vai trò quan trọng mà các nguyên tắc nền tảng chỉ có thể được sửa đổi sau khi xem xét cẩn thận.

Trước mắt, IMF đã từ chối trả lời trực tiếp các cáo buộc từ phía Nga, nhưng đã nhắc lại rằng cuộc tranh luận về nguyên tắc cấm cấp tín dụng cho một quốc gia bị vỡ nợ đã bắt đầu từ năm 2013, tức là từ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina.

Tuy nhiên, điều mà Moskva không nói ra, là chính hành động của Nga từ chối xóa món nợ 3 tỷ USD với Ukraina, đã đẩy Kiev vào tình thế bị vỡ nợ đối với Nga, và do đó không còn quyền nhận tín dụng của IMF.

Điều đó đã buộc các nước phương Tây, vốn chi phối các cơ quan ra quyết định của IMF, phải tìm kiếm một cách thức hóa giải đòn của Nga, để tiếp tục giúp đỡ Ukaraina.

Đây không phải là lần đầu tiên IMF bị tố cáo thiên vị. Vào năm 2010, một số quốc gia rất bất bình khi thấy IMF thay đổi quy định, viện dẫn các rủi ro đáng kể đối với hệ thống tài chánh toàn cầu để có thể cho Hy Lạp vay nhiều hơn. Một số nước đang trỗi dậy đã cho rằng IMF bị châu Âu thao túng.

Gần đây, vào cuối tháng 10/2015 sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế quyết định đưa đồng nhân dân tệ Trung Quốc vào trong giỏ ngoại tệ dự trữ chủ chốt, ngang hàng với đôla Mỹ, euro châu Âu hay yen Nhật Bản, một số chuyên gia đã xem đấy là một sự phục tùng Bắc Kinh, đang tìm kiếm sự công nhận nhiều hơn trên sân khấu thế giới.

Chiêu mới của Mỹ ở Syria

Tổng thống Assad phải ra đi để đảm bảo hòa bình cho Syria; có thể hợp tác với Assad để đẩy lùi IS... quan điểm của Mỹ về số phận của ông Assad thay đổi liên tục và nay lại có phương án khác.

Trong bối cảnh các nhóm đối lập của Syria đang nhóm họp tại Arập Xê út để tìm ra nhóm đại diện tham gia đàm phán với chính phủ Damas dưới sự bảo trợ của quốc tế, Mỹ mới đây cho rằng đại đa số người dân Syria là người Sunni và họ không chấp nhận ông Assad như một đại diện của chế độ thuộc cộng đồng thiểu số. Với lý do trên, Washington cho rằng ông Assad nên đề ra thời hạn để từ chức.

Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, hôm qua, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông Ý, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Những lời cảnh báo thường xuyên mà chúng ta đang nghe thấy nặng mùi của những nỗ lực không mấy trung thực nhằm gắng chơi quân bài tôn giáo trong cuộc xung đột Syria"

Đòi hỏi xác định thời hạn ông Asad phải ra đi, theo ông Lavrov, là việc trái với luật pháp quốc tế. "Thay vì tập trung đánh bọn khủng bố IS, Mỹ và đồng minh lại cứ đòi Assad phải ra đi cho bằng được. Tổng thống Nga đã không chỉ một lần phản ứng với những ý tưởng này, chúng tôi tin rằng cách tiếp cận như vậy là trái với luật pháp quốc tế, với các nguyên tắc dân chủ"- ông Lavrov tuyên bố.

Triều Tiên có bom H?

Hôm qua, thông tấn xã KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong Un cho biết Triều Tiên hiện nay là “một nhà nước trang bị vũ khí hạt nhân hùng hậu sẵn sàng kích nổ bom nguyên tử và bom hydro để bảo vệ chủ quyền”.

Theo KCNA, phát biểu của ông Kim được đưa ra nhân chuyến tham quan một cơ sở quân sự lịch sử tại Bình Nhưỡng .

Bom hydro còn được biết đến là bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bom nguyên tử nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến.

Theo các chuyên gia quân sự, nhiều khả năng, lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên, thông tin này có thể gián tiếp xác nhận rằng, CHDCND Triều Tiên đang thực hiện các công việc nhằm phát triển chương trình hạt nhân của mình.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết: "Xét theo báo cáo của các cơ quan Mỹ và Hàn Quốc đang quan sát cẩn thận tiềm năng quân sự-công nghiệp của Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã thực hiện các công việc nhằm phát triển bom nhiệt hạch. Nói chung, đây là con đường mà các cường quỗc hạt nhân đã từng đi qua. Ở giai đoạn đầu tiên họ phát triển đầu đạn hạt nhân, sau đó bom nhiệt hạch. Và không có lý do để cho rằng, Triều Tiên đang đi theo con đường khác trong lĩnh vực này. Nhưng, chúng ta có thể biết sự thật chỉ sau khi Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm các loại vũ khí mới".

Người Anh giận dữ với tỉ phú Trump

Phản ứng dữ dội từ quốc tế gia tăng hôm qua chống lại ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Mỹ, Donald Trump, và đề xuất của ông đòi tạm thời cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ, với gần 250.000 người Anh ký tên vào một thỉnh nguyện thư trực tuyến kêu gọi cấm ông trùm bất động sản này tới nước Anh.

Ông Trump hôm 8/12 đề nghị cấm cửa hoàn toàn không cho người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, yêu cầu duy trì lệnh cấm này cho tới khi nào chính phủ có thể xác định được thái độ của người Hồi giáo đối với Mỹ. Phát biểu này được đưa ra sau vụ nổ súng chết người ở California hồi tuần trước.

Một số người Anh cho rằng bình luận của ông Trump lên tới “giọng điệu thù hận” và kêu gọi cấm ông Trump sang Anh, nơi ông đang sở hữu một sân golf.

Nhà lập pháp Đảng Quốc gia Scotland, nghị sĩ Tasmina Ahmed-Sheikh, nói các  quy tắc tương tự nên được áp dụng với ông Trump như những gì được dùng để chống lại những nhà diễn thuyết Hồi giáo cực đoan.

“Chúng tôi đã cấm 84 nhà diễn thuyết theo chủ nghĩa thù hận sang Anh. Tôi cho rằng phát biểu của ông Trump đã lên tới giọng điệu thù hận, và vì thế câu hỏi của tôi với chính phủ Anh là hãy xét tới việc liệt kê tên ông Trump vào vị trí thứ 85 trong danh sách này”.

Trước đó, Anh đã từ chối không cho nhập cảnh các nhân vật như như nhà quyền anh Mike Tyson của Mỹ, nghệ sĩ nhạc rap Tyler the Creator, các thuyết gia Hồi giáo cực đoan, và ông Fred Phelps Sr người theo chủ nghĩa Cơ đốc giáo chính thống.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h nga to cao imf phuc tung phuong tay
Sinh viên tạo hình gương mặt của Marilyn Monroe bằng tuyết trên sân bóng đá, tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

G.K

(Theo AFP. AP, Reuters)