Thảm nạn sạt lở liên tiếp xảy ra: Hay là cứ đổ hết cho trời?

12:43 | 31/10/2020

150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bắt đầu từ Huế, đến Quảng Trị rồi Quảng Nam, thảm nạn sạt lở núi cứ liên tiếp xảy ra nhưng chẳng thể quy trách nhiệm. Hay là cứ đổ hết cho trời?

Khi thảm nạn sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) xảy ra, người dân lại “ngẩng mặt kêu trời”, cầu mong phép màu sẽ đến… nhưng phép nào đâu xuất hiện, tất cả các thành viên trong đoàn công tác cứu nạn nay đã trở thành liệt sỹ. Rồi bên trong công trình thủy điện đó, nhiều công nhân thiệt mạng, vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy.

Tiếp tục lại đến huyện Nam Trà My (Quảng Nam), nơi có thủy điện Sông Tranh 2 án ngự xảy ra sạt lở vùi lấp cả một ngôi làng tại xã Trà Leng khiến 53 người mất tích. May thay số con số còn sống nhiều hơn gấp nhiều lần những người xấu số. Tiếp đến tại xã Trà Vân cũng xảy ra 1 vụ sạt lở khiến hàng chục người thương vong. Một diễn biến tương tự cũng xảy ra tạ huyện Phước Sơn – núi vàng của Quảng Nam.

Ngay cả việc tiếp cận hiện trường để cứu nạn cũng gặp nhiều khó khăn khi phía trước đó cũng xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở nghiêm trọng, mọi thứ đều phải chờ được khai thông. Nhưng hiện tại vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở khó dự báo như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định khi trao đổi với đoàn công tác cứu nạn khu vực Nam Trà My sáng 29/10.

Thảm nạn sạt lở liên tiếp xảy ra: Hay là cứ đổ hết cho trời?
Hiện trường vụ sạt lở tại Phước Sơn (Quảng Nam) khiến 11 người mất tích, xóa sổ 1 ngôi làng.

Chẳng xác định được nguyên nhân từ đâu? Vậy làm sao quy trách nhiệm? Nhưng chỉ là sự cố của trời đất thôi mà?

Nên đâu thể suy luận rằng những thảm nạn sạt lở là do việc xây dựng cáccông trình thủy điện, khai thác khoáng sản chính là nguyên nhân. Những dự án đó làm đúng quy trình, trải qua một quá trình thẩm định gắt gao lắm mới có được chữ ký phê duyệt ấy chứ. Cứ thế họ làm đúng theo quy hoạch, được cho phép hẳn hoi thì sao nói do họ được?

Chỉ có do “ông Trời” mà thôi. “Ông Trời” tạo ra bão gió sao mà lớn quá khiến cây cối ngã đổ. “Ổng” làm mưa dữ quá nên đất nhão ra, nên dễ sạt lở. Hay là cứ đổ lỗi hết cho “ổng”, “thiên tai” nghĩa là họa của trời mà, vừa hợp lý vừa hợp tình.

Nói qua cũng phải nói lại. Thử nhìn lại bản đồ thủy hiện nay, hầu hết những công trình thủy điện đều nằm sâu trong rừng phòng hộ đầu nguồn. Rừng đầu nguồn chính là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao và đảm nhiệm chức năng phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng.

Thế nhưng, để thi công một công trình thủy điện cần có diện tích lớn đất rừng phải “chuyển mục đích” để có chỗ cho xây dựng. Ngoài ra, cần san phẳng thêm “một ít” diện tích rừng xung quanh để mở đường vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị. Rồi cần thêm vài chỗ trống để xây dựng những đường dây truyền tải điện đến nơi tiêu thụ, thế lại phải cưa cây tiếp.

Bác bỏ những quan ngại về ảnh hưởng khủng khiếp đến hệ sinh thái, đến môi trường, đến sự an toàn tự nhiên. Mọi thứ vẫn được làm theo “đúng quy trình”, thủy điện cứ thế mọc lên. Chỉ tiêu phủ xanh đồi trọc dần phai nhòa theo năm tháng. Miền Trung nay đã dày đặc thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ.

Thảm nạn sạt lở liên tiếp xảy ra: Hay là cứ đổ hết cho trời?
Thảm nạn sạt lở liên tiếp xảy ra, dân chỉ biết kêu trời chứ chẳng biết vịn vào đâu.

Đến hôm nay, chỉ xuất hiện cần mưa lớn là người dân vùng miền núi xanh mặt. Họ sợ sạt lở, lũ quét, lũ ống sẽ ghé thăm. Còn thủy điện xả lũ là nhân dân dưới kia tái mặt. Dân vùng hạ du chỉ biết “cầu trời khấn phật” cho tai ương đừng kéo tới. Nhưng chẳng hiệu quả mấy khi cường độ các thảm họa liên tục gia tăng và liên tiếp, ngày càng khắc nghiệt lơn.

Rõ ràng là người miền Trung đã quá quen thuộc với thiên tai, khi đã trở nên “gần gũi” thì con người lại chuyển trạng thái chống chọi, đến thích nghi – thích ứng. Rồi khi đã thân thuộc lại ứng biến linh hoạt hơn sang trạng thái “sống chung với lũ” (cả miền núi và đồng bằng).

Thế nhưng, minh chứng bằng những thảm nạn liên tiếp xảy ra nói lên rằng việc chuyển trạng trái ứng biến với “lũ” của con người dần mất hiệu quả bởi các "bom nước" cứ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Rừng phòng hộ đầu nguồn điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất,... nay đã dần cạn kiệt vì phải nhường chổ cho các “dự án tạo ra điện” và hậu quả thì rõ ràng ai cũng thấy.

Nhưng hậu quả thì vẫn không có ai đứng ra nhận trách nhiệm được, những lương dân cũng thế bỏ mạng oan uổng. Nước mắt đồng bào cứ rơi xuống, đau thương cứ dày xéo những con người khô cằn ấy. Tang thương cứ thế quấn quanh, quặn từng khúc ruột.

Thảm nạn sạt lở liên tiếp xảy ra: Hay là cứ đổ hết cho trời?
"Bom nước" cứ xuất hiện ngày càng dày đặc chính là mối đe dọa lớn cho người dân.

Liệu cứ đổ hết cho trời thì có oan quá không? Mà nếu trời không nhận thì biết để cho ai? Khi mà lương tri của con người vẫn không chịu tỉnh giấc, việc phá rừng vẫn chưa dừng lại thì hiển nhiên cái oan đó sẽ gắng mãi cho “ông Trời” mà thôi!

Theo DDDN

Khẩn cấp ứng phó lũ quét và sạt lở đất tại Nghệ An, Hà TĩnhKhẩn cấp ứng phó lũ quét và sạt lở đất tại Nghệ An, Hà Tĩnh
Quảng Nam: 11 người bị núi vùi lấp ở huyện Phước Sơn, đã tìm thấy 5 thi thểQuảng Nam: 11 người bị núi vùi lấp ở huyện Phước Sơn, đã tìm thấy 5 thi thể
Quảng Nam: Thêm 11 người bị núi vùi lấp ở huyện Phước SơnQuảng Nam: Thêm 11 người bị núi vùi lấp ở huyện Phước Sơn