Tết trên núi Trường Sơn

07:09 | 22/01/2020

244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu như người Kinh, người Mường thiết tha và coi trọng Tết Nguyên đán vào những ngày cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng âm lịch hằng năm; người Thái kéo dài cái Tết Nen Bôn Tiên cho đến trung tuần tháng Giêng; người Tày, người Mán, người Nùng cũng có những ngày vui xuân của mình trùng với dịp Tết Nguyên đán của người Kinh, người Mường; thì xuôi về phương Nam, dọc dãy Trường Sơn, ta sẽ bắt gặp những ngày Tết khác lạ của đồng bào các dân tộc ít người.
tet tren nui truong son
Đánh cồng chiêng sau khi kết thúc nghi lễ mừng lúa mới quanh chòi lúa

Mùa xuân với nắng tươi và gió se lạnh của cao nguyên, với lộc non của rừng cây mới nhú, với tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn và giọng cười giòn tan, thanh thoát báo hiệu một không khí tươi vui đầm ấm. Lúa đã về, lúa mang Tết đến, lúa vào từng buôn làng, từng plây, từng nhà và Tết cũng vào với từng nhà, từng người. Tết của đồng bào Trường Sơn quả là không có ngày nhất định. Có lẽ phải gọi là mùa Tết mới đúng. Xin mời bạn hãy một lần ăn Tết LirBông - Tết Mừng Lúa với đồng bào Cơ Ho, đồng bào Mạ.

Gia đình nào đã gặt hái xong sẽ chuẩn bị ăn Tết. Chủ nhà tự chọn lấy ngày để báo cho anh em xa gần và mời bà con trong ấp, trong buôn tới dự. Ngày Tết là ngày họp mặt của mọi người trong thôn xóm, gia đình. Những tấm chiếu đẹp nhất được trải ra quanh vựa lúa. Một vò rượu ngon được mang tới. Những người dự lễ mặc đồ đẹp nhất xúm quanh xem gia chủ trịnh trọng mở nắp vò và nâng niu từng chiếc cần óng chuốt cắm vào vò rượu. Trong khi đó, những người đàn ông khỏe mạnh xúm xung quanh một con lợn béo, xẻ ra từng mảng và gom bộ lòng lại trong một chiếc chậu để cúng thần.

Lễ cúng thần linh và chúc mừng năm mới bắt đầu. Mọi người nghiêm chỉnh. Chủ nhà đến bên vò rượu, tay cầm cần, mắt ngước lên trời khấn nguyện, xong rồi gia chủ chia cần cho mọi người, sau khi đã uống được một ngụm rượu, họ cùng với những nhân vật chính của gia đình leo lên vựa lúa cắt cổ gà cho rỏ máu lên thóc giống theo tục lệ cổ truyền.

Nghi lễ trên vựa lúa chấm dứt. Cuộc vui nổ bùng. Mọi người quây quần bên đống lửa, uống rượu, ăn thịt và ca hát. Cuộc vui kéo dài đến giữa trưa hôm sau khi rượu thịt đã hết. Khách lần lượt ra về, còn những người trong gia đình thấm mệt nằm lăn ra ngủ, để đến hôm sau, hôm sau nữa, tiếp tục tham dự cuộc vui với các gia đình chung quanh.

Với đồng bào Gia Rai thì Tết Mừng Lúa được gọi là Trun Bông, tuy to nhưng chưa bằng Tết giáp năm, gọi là Bông Tơ Ku Thun tương tự như tết Nguyên Đán của người Kinh, có điều người Gia Rai không quy định một ngày nào nhất định, có thể tổ chức vào bất cứ ngày nào trong tháng Giêng, tháng Hai hoặc tháng Ba âm lịch.

tet tren nui truong son
Thầy cúng đang thực hiện nghi thức đưa hồn lúa lên chòi (ảnh: Võ Thanh Thảo)

Vào những ngày đã gặt hái xong, các gia đình tự nguyện góp cho chủ làng một ít tiền hoặc thóc gạo để mua trâu hoặc bò. Chủ nhà cắt cử người làm cây nêu, giàn cúng và cọc giết trâu ở trước sân nhà rông. Công việc được chuẩn bị xong, chủ làng mới ấn định ngày lễ. Sáng ngày Tết, mọi người ăn mặc thật đẹp tề tựu trước sân nhà rông. Con trâu dùng làm vật tế thần được buộc chặt vào chiếc cột chôn sẵn. Dân làng xúm quanh, vị pháp sư được mời ngồi chỗ danh dự nhất trước giàn cúng và lễ đâm trâu bắt đầu. Con trâu như bị say trong tiếng cồng chiêng và những lời cầu nguyện của pháp sư, hai mắt lờ đờ… hộc lên một tiếng khi bị lưỡi dao đâm xuyên tim. Cùng lúc đó, bốn chân bị bất ngờ giật mạnh do trước đó đã bị dân làng dùng dây buộc lại, ngã vật ra. Người ta nhanh chóng hứng tiết, xả thịt và để ở nhà rông. Chiếc đầu trâu được cắt ra, đặt ở vị trí trang trọng để pháp sư làm phép cúng. Người làng, ngày sau đó, ai về nhà nấy nấu cơm để tập hợp lại vào buổi trưa, ăn chung tại nhà rông. Sau hai ba giờ nữa là lễ uống rượu cần. Đến lúc này thì cuộc vui mới thật sự hào hứng. Mọi người theo thứ tự tuổi tác từ cao xuống thấp lần lượt đi ngang vò rượu phép, đã được pháp sư cúng thần, uống một chút rồi về vác rượu nhà ra để cả làng cùng uống, cùng say. Nhạc vẫn âm vang, mọi người đã ngấm hơi men kéo ra nhảy múa theo tiếng chiêng, tiếng trống. Cuộc vui chìm dần vào hoàng hôn, lắng vào đêm khuya, để sáng hôm sau sẽ tiếp tục với lễ ăn đầu.

Lễ ăn đầu, tức ăn đầu trâu, cuộc lễ hậu của Tết giáp năm dùng để đãi những người đi xa không kịp về vào ngày lễ chính. Lễ tuy ăn không to nhưng uống thì rất hậu. Dân làng còn bao nhiêu rượu lại vác ra uống cho kỳ hết để vui say đến tận đêm khuya, để sau đó là những ngày kiêng cữ kéo dài cả tuần lễ. Những ngày này, theo lệ làng, người ngoài không được vào làng và dân làng cũng không được ra khỏi sóc, buôn.

Đồng bào Ê Đê lại có một cái Tết độc đáo gọi là Mnăm Lui MaSa - Tết Tạ Mả. Đó là một cái tết do những gia đình có thân nhân chết chôn ở nghĩa địa làng, đứng ra tổ chức. Lần lượt mỗi năm một gia đình, gia đình nào có người chết trước thì đứng ra tổ chức trước, năm sau tới gia đình khác. Gia đình có người quá cố báo cho chủ làng biết ngày hành lễ, thường vào khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch. Chủ làng báo cho những người tham gia. Các vật dụng cúng tế là nêu, giàn, trâu bò, giống như các buổi tế khác, lễ được diễn ra tại nghĩa địa.

Đêm giáp ngày hành lễ, các gia đình có người quá cố ra nghĩa địa ôm mộ người thân suốt đêm khóc lóc, kể lể. Sáng hôm sau, khi pháp sư đến, cuộc lễ cúng trời đất, chém trâu, chia thịt uống rượu lại diễn ra như ngày Tết giáp năm. Lễ Tạ Mả chấm dứt vào trước nửa đêm ngày hôm đó, nhưng nếu nhà nào giàu có thì kéo dài đến hôm sau.

Đó là những cái Tết tiêu biểu của đồng bào các dân tộc miền núi rừng Trường Sơn. Những ngày Tết - những cuộc vui chung của cộng đồng - bao giờ cũng bắt đầu sau mùa gặt hái và chấm dứt khi bắt đầu vụ mùa tới. Ngày Tết mong đợi sự ấm no, hạnh phúc, phát triển, sinh sôi. Ngày Tết cũng là dịp để cho đồng bào tưởng nhớ tổ tiên, những người thân yêu đã khuất. Ngày Tết cũng là ngày bộc lộ tinh thần tương trợ thắm thiết giữa những người trong cùng một buôn sóc, bản làng, đúng như một câu tục ngữ của người Ê Đê: “Taêđa Kơ ti ông êy ông Kơ ay Ta yũ Kma ngo” (Rui đàng đông kê làm sao, rui đàng tây cất làm vậy

Hoàng Khôi