Tân trang chợ truyền thống để kéo sức mua

17:27 | 08/07/2012

532 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, sức mua ở nhiều chợ truyền thống giảm sút mạnh do không cạnh tranh được với sự phát triển của các kênh mua sắm hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích… Nhiều chợ sức mua giảm sút đến 50%, không ít tiểu thương đã phải đóng sạp, ngừng hoạt động.

Với ưu điểm hàng hóa đảm bảo chất lượng, phong phú được bày bán bắt mắt, hạ tầng cơ sở khang trang, hệ thống các siêu thị đã lôi kéo được một lượng lớn khách hàng từ các chợ truyền thống. Trong khi các kênh mua sắm hiện đại đang phát triển ngày càng mạnh mẽ thì hạ tầng cơ sở ở nhiều chợ truyền thống xuống cấp trầm trọng mà nhiều năm qua không được nâng cấp sửa chữa, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, thói quen mua bán theo kiểu “nói thách” vẫn còn tồn tại… là những hạn chế làm mất khách ở chợ.

Cần tân trang chợ truyền thống để kéo sức mua

Trong tất cả những tồn tại của chợ truyền thống thì vấn đề hạ tầng cơ sở xuống cấp của các chợ đang được nhiều người quan tâm. Một tiểu thương kinh doanh tại chợ Thiếc (quận 11) cho biết: “Ngoại trừ những “chợ điểm” thì thử hỏi ở thành phố này có mấy chợ được nâng cấp và xây mới. Nhiều chợ 20 – 30 năm vẫn xụp xệ như cũ. Có thể nói, chợ truyền thống hiện nay vẫn chưa khang trang, ý thức giữ gìn vệ sinh kém nếu như không muốn nói là dơ bẩn, chất lượng thực phẩm chưa được đảm bảo… Đây là những điểm yếu của chợ truyền thống dẫn đến các chợ ngày càng mất khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn và thách thức trên thì chợ truyền thống vẫn có ưu thế là một nét văn hóa, là thói quen mua bán lâu đời của người dân nước ta. Một lượng lớn người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thấp vẫn trung thành với các chợ truyền thống.

Do đó, để kéo sức mua cho các chợ truyền thống, chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ để tân trang lại các chợ đã xuống cấp, tạo nơi mua bán khang trang cho người dân. Đồng thời, các tiểu thương cũng phải quan tâm tân trang lại quầy, sạp của mình, hạn chế buôn bán theo kiểu “nói thách”, bán hàng không đảm bảo chất lượng. Vì kinh doanh sản phẩm kém chất lượng dù cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát không bao quát hết nhưng khi người tiêu dùng sử dụng và phát hiện được sản phẩm kém chất lượng họ sẽ tẩy chay. Do vậy, các tiểu thương cần đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của mình vì bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ uy tín kinh doanh của chính tiểu thương và là biện pháp hữu hiệu để “giữ chân” khách hàng.

Mai Phương